Thị trường chứng khoán Việt Nam: Triển vọng doanh nghiệp niêm yết 2010

Theo SSI

Dựa vào những giả định vĩ mô trong năm tới, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa ra nhận định về bức tranh doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2010. Theo SSI, tăng trưởng doanh thu năm 2010 của các DN phân tích khoảng 23% so với năm 2009. Trong khi mức tăng trưởng doanh thu bình quân ước tính cho năm 2009 là 15% .

1. Đà phục hồi kinh tế trở nên rõ nét hơn, nền kinh tế thế giới và Việt Nam từng bước tăng tốc dần. Doanh thu 2010 của các doanh nghiêp tăng trưởng khá tích cực.

Theo ước tính mới nhất của chúng tôi cho các doanh nghiệp thuộc danh sách phân tích của SSI, doanh thu năm 2010 được dự đoán tăng trưởng khoảng 23% so với năm 2009. Đây là con số khá tích cực so với mức tăng trưởng doanh thu bình quân ước tính cho năm 2009 là 15% .

2. Lạm phát của năm 2010 được dự đoán sẽ cao hơn của năm 2009. Giá hàng hóa cơ bản (đặc biệt là lương thực, thực phẩm), giá điện, than sẽ tăng lên, lương cơ bản cũng sẽ tăng. Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là những doanh nghiệp khó có khả năng chuyển chi phí tăng vào giá bán.

Trong khi lạm phát của năm 2009 là 6,88%, CPI đã bắt đầu tăng từ quý IV/2009 và nhiều khả năng năm 2010 sẽ ở mức cao hơn.

Trong năm 2010, giá hàng hóa cơ bản được dự đoán sẽ tăng đặc biệt là giá lương thực thực phẩm. Giá điện và giá than sẽ tăng trong năm 2010 và tăng lương cơ bản sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/5/2010.

Những yếu tố trên tạo áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp khó có khả năng chuyển được mức tăng của chi phí đầu vào vào giá bán, ví dụ như các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, dược.

Mặt khác, cũng cần lưu ý là giá hàng hóa cơ bản tăng lại có thể có ảnh hưởng tích cực đối với một số công ty nguyên vật liệu cơ bản như thép hoặc than.

3. Các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ (như cho vay bù lãi suất ngắn hạn, miễn/giảm/hoàn thuế) dỡ bỏ dần. Rủi ro lạm phát khiến chính sách tiền tệ dự đoán sẽ điều hành theo hướng thận trọng hơn, lãi suất thị trường theo chiều hướng tăng. Với những yếu tố hỗ trợ ít hơn năm 2009, dự đoán lợi nhuận sau thuế năm 2010 sẽ tăng trưởng chậm hơn mức tăng của doanh thu, điều này trái ngược với bức tranh 2009.

Năm 2010, hỗ trợ của chính phủ sẽ không còn nhiều như 2009:

Chương trình cho vay bù lãi suất ngắn hạn chấm dứt và hỗ trợ chỉ tập trung vào một số ngành nghề và doanh nghiệp nhất định như xuất khẩu hoặc nông nghiệp. Đồng thời, chúng tôi cho rằng, lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010.

Hơn nữa trong năm 2009, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh vay dài hạn, phát hành trái phiếu và trái phiếu chuyển đổi để tận dụng mức lãi suất thấp.

Tổng hợp các yếu tố này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết trong danh sách phân tích của chúng tôi năm 2010 ước tính tăng khá mạnh so với năm 2009.

Rủi ro thâm hụt ngân sách năm 2010 cũng khiến cho các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khó có thể tiếp tục. Mặt khác, các khoản lợi nhuận bất thường (các khoản hoàn nhập dự phòng, định giá lại bất động sản) trong năm 2009 khó có thể lặp lại trong năm 2010.

Như vậy, trong khi mức tăng của doanh thu là 23% năm 2010, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước tính sẽ tăng 15,7% so với 2009, và lợi nhuận sau thuế năm 2010 dự đoán tăng 15,5% (khi chúng tôi thử tính mức tăng trưởng mà không có HAG và KBC – hai công ty bất động sản có mức doanh thu lợi nhuận lớn nhất trong danh sách thì doanh thu tăng 22% và lợi nhuận sau thuế tăng 10,3% so với 2009). Điều này hoàn toàn trái ngược với bức tranh của 2009: tăng trưởng doanh thu chỉ là 15% trong khi tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 40%.

Kết luận

Điểm tích cực của năm 2010 là doanh thu sẽ tăng cao hơn so với năm 2009, ở mức 23% so với 15% năm 2009. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2010 sẽ thấp hơn do tăng chi phí đầu vào, chi phí lãi vay cao hơn, dỡ bỏ hỗ trợ thuế từ Chính phủ và yếu tố lợi nhuận đột biến ít có khả năng xuất hiện hơn 2009. Tăng trưởng EPS năm 2010 đối với nhiều doanh nghiệp có thể giảm do rủi ro pha loãng cổ phiếu.

Khuyến nghị đầu tư

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị lựa chọn những công ty có yếu tố cơ bản tốt, với mức tăng trưởng tích cực trong những năm tới và mức định giá hợp lý.

Trên góc độ ngành, chúng tôi cho rằng một số ngành như nông nghiệp, nguyên vật liệu cơ bản, thủy sản, dược, công nghiệp, bất động sản và ngân hàng sẽ có triển vọng tốt, cụ thể như sau:

Thủy sản là một ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam và luôn được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ. Sang năm 2010 ngành thủy sản dự báo sẽ có tiềm năng tăng trưởng tích cực hai con số và khả năng vượt dự báo về lợi nhuận. Một số công ty niêm yết đáng quan tâm bao gồm: HVG, MPC và ABT.

Bất động sản tiếp tục là ngành tiềm năng trong năm 2010, với nhu cầu về phân khúc nhà ở trung bình ổn định. Một số công ty niêm yết chúng tôi cho rằng có triển vọng tốt bao gồm: HAG, TDH, BCI, SJS và DIG.

Cao su tự nhiên: kỳ vọng sẽ có tăng trưởng lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kinh doanh cải thiện nhờ giá bán trung bình trong năm sau cao hơn năm nay, giúp bù lại phần sản lượng khai thác giảm do hoạt động thanh lý cây cao su.

Cao su cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn, vì vậy được hưởng lợi khi USD tăng giá và xuất khẩu cũng được ưu tiên hỗ trợ của Chỉnh phủ. Các doanh nghiêp cao su vay thường vay nợ ít, có nhiều tiền mặt nên hưởng lợi trong xu hướng tăng lãi suất hiện tại.

Các công ty tiêu biểu của ngành hiện đang niêm yết gồm PHR, DPR, TRC và HRC. Trong đó, mức định giá của HRC và TRC hiện đang hấp dẫn hơn tương đối.

Ngành khai khoáng, than: sẽ được lợi khi xu hướng giá hàng hóa tiếp tục tăng trong năm 2010. Các công ty niêm yết tiêu biểu gồm có NBC, TC6.

Thép: sẽ có triển vọng tiêu thụ tương đối tốt nhờ phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục là lĩnh vực chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn (lưu ý sự kiện đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà nội sẽ được tổ chức vào cuối năm 2010 và một loạt các dự án hạ tầng ở miền Bắc sẽ được hoàn thành trước đại lễ này). HPG và Pomina là những doanh nghiệp chúng tôi quan tâm nhất.

Nông nghiệp: tiếp tục là một trong những ngành được ưu tiên phát triển của Chính phủ, trong đó ngành giống cây trồng và chăn nuôi ước tính tăng trưởng 2010 khoảng 20%. Cổ phiếu niêm yết tiêu biểu bao gồm NSC, SSC, DBC.

Dược: Các công ty Dược tiếp tục có triển vọng tăng trưởng doanh thu ít nhất 15% trong năm 2010. Một số công ty đã triển khai xây dựng xong nhà máy với các sản phẩm mới năm 2010 ví dụ như IMP, SPM sẽ có triển vọng tăng trưởng khá tốt. Kể từ cuối 2009 và đầu 2010 sẽ có thêm nhiều công ty dược mới lên sàn để nhà đầu tư lựa chọn.

Ngành công nghiệp sẽ có tiềm năng tăng trưởng tốt trong giai đoạn đầu của phục hồi sau khủng hoảng. Cổ phiếu niêm yết tiêu biểu bao gồm PAC, REE (mảng điều hòa).

Nhựa xây dựng: hiện tại các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng có định giá khá hấp dẫn, đặc biệt khi nhìn vào kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc của năm 2009.

Năm 2010, trong khi doanh thu nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng với triển vọng khả quan của thị trường xây dựng, giá nguyên liệu đầu vào tăng lên sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận. Nhưng với vị thế và năng lực tốt, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp đầu ngành vẫn sẽ đạt những kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2010.

Lựa chọn của chúng tôi khi cân nhắc đầu tư vào ngành nguyên vật liệu xây dựng bao gồm 2 công ty nhựa Tiền Phong (NTP) và nhựa Bình Minh (BMP).

Công nghệ thông tin: Tăng trưởng doanh thu toàn ngành liên tục đạt mức trên 20% trở lên trong vòng 5 năm trở lại đây, kể cả trong năm vừa rồi khi nền kinh tế thế giới gặp khó khăn. Trong năm 2010 và các năm tiếp theo, khi thị trường xuất khẩu phần mềm phục hồi và nền kinh tế trong nước phát triển vững, ngành CNTT được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao.

Các công ty đã niêm yết và cố phần hóa mà chúng tôi phân tích như FPT, HIG, hay CMC đều được mong đợi có mức tăng trưởng từ 25% - 50% trong năm tới.

Ngành bảo hiểm: Xu hướng trong năm 2010 có tác động tích cực lên các doanh nghiệp bảo hiểm từ 2 góc độ (1) Doanh thu phí bảo hiểm vẫn được kỳ vọng có tăng trưởng (tuy tăng trưởng có thể ở mức thấp trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại);
 (2) Trong khi chính sách thắt chặt tín dụng của Chính phủ, lãi suất tăng ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều doanh nghiệp sản xuất, chính sách này lại ảnh hưởng tích cực lên lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm do phần lớn các khoản đầu tư là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu. Cộng với những nguồn thu mới từ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm ở trên sẽ đóng góp thêm vào danh mục đầu tư và lợi nhuận.

Ngành ngân hàng sẽ có những cải thiện về cơ bản trong năm 2010. Sự nới lỏng hơn trong đầu năm 2010 của chính sách tiền tệ và đà phục hồi kinh tế rõ ràng hơn trong năm 2010 sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho ngành ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng những quý đầu năm sẽ cao hơn so với cuối năm 2009 do áp lực về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không còn.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở trạng thái ổn định và xu hướng nâng lãi suất cơ bản sẽ có lợi hơn cho ngành ngân hàng do các ngân hàng có thể nâng lãi suất cho vay. Đồng thời, ngành ngân hàng đã đi sau thị trường một quãng khá xa trong thời gian cuối năm 2009 do chính sách tiền tệ bị thắt chặt.