Thị trường địa ốc năm 2014 trong con mắt của Cusman & Wakefield, Savills và CBRE

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Gần như đồng loạt trong những ngày cuối tuần qua, các công ty tư vấn có uy tín nhất trên thị trường bất động sản Việt Nam đã đưa ra báo cáo thị trường quý IV/2014. Qua đó, cho ta thấy một cái nhìn khá toàn diện về diễn biến địa ốc năm qua.

Thị trường địa ốc năm 2014 trong con mắt của Cusman & Wakefield, Savills và CBRE
Lạc quan! Đó là dư vị toát lên từ không chỉ các thông số sáng sủa, mà còn cả ở ngôn từ của các chuyên gia của Cusman & Wakefield, Savills hay CBRE. Nguồn: internet

Lạc quan! Đó là dư vị toát lên từ không chỉ các thông số sáng sủa, mà còn cả ở ngôn từ của các chuyên gia của Cusman & Wakefield, Savills hay CBRE.

Chẳng hạn, một đơn vị tư vấn có tiếng thận trọng như Cusman & Wakefield đã viết trong báo cáo rằng, “thị trường văn phòng TP. HCM kết thúc một năm với nhiều dấu ấn rực rỡ như pháo hoa năm mới tại tòa nhà cao nhất Bitexco Finance Tower”.

Rất có thể, trong tương lai, màn pháo hoa rực rỡ ấy chưa chắc đã xuất phát từ Bitexco Finance Tower, khi tòa nhà này vừa bị phá kỷ lục tòa nhà cao nhất Thành phố. Dự đoán điều này để biết thêm một kỷ lục thú vị, khi năm 2014 chưa bao giờ thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến nhiều tòa nhà chọc trời được khởi công hoặc hoàn thiện đến vậy.

Tại đầu Hà Nội, đó là Lotte Center Hà Nội 65 tầng, cao 267 m hoàn thành tháng 10/2014; là Diamond Flower 36 tầng, cao 177 m đã cất nóc và dự kiến hoàn thành năm 2015; ở Đà Nẵng là Da Nang City Hall 34 tầng, cao 166,9 m. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường chưa hết trầm trồ với tháp Vietcombank Tower 40 tầng, cao 206 m, lại đã “choáng” với “kỷ lục tòa nhà cao nhất Việt Nam” The Landmark81, vươn cao 350 m... được xác lập bởi Vingroup.

Theo thống kê của Đầu tư Bất động sản, từ trước đến nay, mỗi khi kỷ lục về nhà chọc trời xuất hiện, thị trường bất động sản Việt Nam lại bước vào một chu kỳ mới, thường là tươi sáng hơn.

Chứng kiến năm của các tòa nhà chọc trời, có một câu hát trong Bài ca Xây dựng “… Xây cho nhà cao cao mãi. Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta” hẳn sẽ được nhiều người liên tưởng. Chính vì vậy, không khó hiểu khi Cusman & Wakefield kết luận rằng, “năm 2014 là một năm nhiều cảm xúc của bất động sản Việt Nam”.

Và sau khi hướng lên trời cao, xin được nhìn lại về mặt đất với vài phân khúc cụ thể!

Dẫn dắt thị trường năm qua đương nhiên là phân khúc căn hộ khi theo tổng hợp của CBRE, riêng quý IV/2014 có tới 7.200 căn hộ được chào bán ra thị trường. Trong cả năm qua, tổng số căn hộ chào bán mới đạt 16.200 căn, gấp hơn hai lần con số 7.900 căn của cả năm 2013. Các dự án tùy từng phân khúc và vị trí, đều có mức tăng từ 5 - 20% so với năm trước đó.

Còn tại TP. HCM, cũng theo đơn vị tư vấn này, trong quý IV/2014, "thị trường bất động sản chứng kiến nguồn cung căn hộ tung ra ồ ạt với tổng số 6.670 căn hộ,  tăng 117,8% so với quý trước và 150,2% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2014, có 14.807 căn hộ chào bán, gấp 3,2 lần so với năm 2013".

Cung nhiều, nhưng tỷ lệ hấp thụ cũng rất khả quan. Đặc biệt, càng về cuối năm, căn hộ cao cấp vốn kén khách lại càng hút hàng. Trong quý IV, Vinhomes Central Park đã bán thành công 75% trong tổng số 1.100 căn hộ tung ra lần đầu; Masteri Thảo Điền nhanh chóng đạt tỷ lệ bán khoảng 85% trong tổng số 1.449 căn chào bán trong vòng hai tháng...

Những con số đó là căn cứ để bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội đi đến một bình luận lạc quan: “Thị trường căn hộ để bán đang trên đà hồi phục. Số lượng căn hộ bán được trong hai quý gần đây đang ở mức cao nhất kể từ quý II/2011. Số lượng căn hộ đã bán trong cả năm 2014 đạt mức cao nhất kể từ 2009”.

Còn bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, CBRE, qua quan sát các dự án đã khẳng định, giới đầu tư đã trở lại, chứ không chỉ là những người mua có nhu cầu để ở. 

"Trong sự kiện bán hàng của các dự án cao cấp, có nhiều khách hàng mua cùng lúc 10 đến 20 căn hộ, thậm chí có người mua lại nguyên cả sàn", bà Dung cho biết.

Theo quy luật, nước luôn chảy chỗ trũng và dòng tiền thông minh có lẽ đã khởi động trên thị trường địa ốc!

Dù còn rất nhiều vấn đề, nhiều nút thắt của thời kỳ đầu hồi phục với cả ngàn dự án còn "đắp chiếu" và cả trăm chủ đầu tư sẽ còn phải… ra đi. Nhưng đó lại là cơ hội cho những người ở lại có tiềm lực.  Chẳng hạn như FLC. Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, tập đoàn này đã mua lại tới 6.000 tỷ đồng giá trị các dự án bất động sản. Và cả tháng vừa rồi, được biết, hầu hết nhân sự FLC được chỉ đạo phải "ngày đêm" ráo riết chuẩn bị cho sự kiện ra mắt các đại dự án đã "ôm" vào ngày 15/1 này. Như một cuộc "xông đất đầu năm"…

Có lẽ một chu kỳ mới đã bắt đầu!