Thị trường giao dịch bất động sản có dấu hiệu chững lại

Theo nhipsongthoidai.com.vn

(Tài chính) Khảo sát tâm lý người mua cùng hoạt động mua-bán tại một số đơn vị phân phối, Ban Nghiên cứu thị trường của Batđongsan.com.vn cho biết, thị trường giao dịch đang có biểu hiện chững lại.

Giá BĐS luôn là vấn đề nhạy cảm và được người mua quan tâm hàng đầu. Nguồn: internet
Giá BĐS luôn là vấn đề nhạy cảm và được người mua quan tâm hàng đầu. Nguồn: internet
Việc tăng giá bán tại nhiều dự án thời gian gần đây được xem là nguyên nhân chính khiến nhu cầu tìm kiếm và giao dịch bất động sản bị giảm sút khá sớm vào thời điểm đầu năm 2015 này.

Dù theo ý kiến của các chuyên gia,  sự sụt giảm lượng giao dịch trong thời điểm hiện tại là xu hướng bình thường trong chu kỳ mua-bán của thị trường, nhưng đối với nhiều  khách hàng, việc tăng giá bán trên diện rộng ở cả thị trương sơ cấp và thứ cấp thời gian qua là nguyên nhân khiến họ lấn cấn trong việc quay lại với BĐS.

Ông Nguyễn Văn Dũng, một khách hàng đang có ý định mua nhà tại TP.HCM chia sẻ, ông sẽ không mua nhà nếu giá bán cứ tiếp tục tăng như hiện tại. Nguồn cung căn hộ ngày càng nhiều, trong khi đó nguồn cầu không có nhiều biến động, không có lý do gì để doanh nghiệp tăng giá bán vào thời điểm này.

“Tôi nghĩ các doanh nghiệp đừng hoang tưởng cho rằng sẽ xảy ra tình trạng tranh nhau mua nhà kiểu tâm lý bầy đàn khi giá BĐS tăng như hồi 2009 - 2010. Khi đó có quá nhiều người hám lợi, đầu tư theo đám đông sau đó đã phải trả giá, đó là bài học quá đắt và họ đã rút ra nhiều kinh nghiệm rồi. Việt Nam là nước đang phát triển, trên con đường tiến tới sự minh bạch sẽ còn vấp phải nhiêu cú sốc BĐS nữa, lúc đó thị trường may ra mới trở lại giá trị thật”, ông Dũng nhận định.

Còn theo anh Nguyễn Minh Long, một nhà đầu tư lâu năm đánh giá, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, người có nhu cầu thực chưa có đủ điều kiện tài chính để mua nhà nên việc tăng giá vào thời điểm này là sai lầm. Nhà đầu tư dù đã bắt đầu quay trở lại với thị trường nhưng vẫn còn khá dè dặt và thận trọng, trong khi đó đại đa số người có nhu cầu mua thực chỉ có mức thu nhập trung bình, giá căn hộ hàng tỷ đồng đối với họ đã là quá cao.

Tính tới thời điểm này, khách hàng sau một thời gian dài chờ đợi quyết định quay lại với thị trường bởi nhận thấy giá BĐS đã giảm về mức khá tốt so với cách đây 4-5 năm. Nếu các dự án BĐS nhân cơ hội này lại tăng giá thì khả năng sẽ đẩy khách hàng ra xa hơn.

Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại BĐS có thể lại trở về giai đoạn khủng hoảng trước kia, nhất là vào thời điểm thị trường đang ở tình trạng hư hư thực thực như hiện nay. Việc tăng giá bán ngay sau khi thị trường vừa ổn định không khỏi khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Kinh tế liệu có thể khá lên nếu như không khống chế được giá BĐS?

Việc để giá nhà chạy theo thị trường đã khiến nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân ngày càng khó thực hiện, vì vậy có lẽ việc kiểm soát giá BĐS như cách nhà nước kiểm soát thị trường chứng khoán và vàng sẽ là điều cần thiết và nên làm vào thời điểm này.

Đại diện các doanh nghiệp BĐS đều ghi nhận giá BĐS tăng thời gian qua đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người mua, khiến nhiều người hoang mang, cẩn trọng hơn, do đó thị trường giao dịch bị chững lại là điều khó tránh khỏi.

Theo bà Trần Cẩm Vân, Giám đốc Công ty BĐS Kim Phá, việc lượng giao dịch BĐS giảm dần sau Tết là điều các doanh nghiệp đều đã dự báo trước. Đây vốn là chu kỳ phát triển thường niên của BĐS. Thời điểm trước và sau Tết Âm lịch 1 tháng, giao dịch nhà luôn rất sôi động do nhiều khách mua chốt hợp đồng để nhận nhiều ưu đãi, chiết khấu. Bước vào quý II, tự thị trường sẽ trở nên bình ổn và trầm lắng hơn.

Tuy vậy, bà Vân cho rằng, việc tăng giá bán của hàng loạt dự án trong quý I vừa rồi đã ít nhiều ảnh hưởng đến giao dịch của BĐS.

“Tâm lý khách hàng hiện thời vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào thị trường, sự nghi ngại còn nhiều nên vào thời điểm này mà tăng giá trên diện rộng tất yếu sẽ gây ra tâm lý bài trừ, do dự. Nếu đà tăng giá không chậm lại thì rất dễ khiến khách hàng quay lưng. BĐS đã khởi sắc không có nghĩa là thị trường đã đủ tốt để nghĩ đến việc thu hồi lợi nhuận cao như trước kia, đi từng bước chậm mà chắc để thị trường ổn định dần mới là bước kinh doanh khôn ngoan”, bà Vân bình luận.

Theo ông Võ Hữu Khoa, Phó TGĐ Công ty BĐS Cityland, việc tăng giá bán của hàng loạt doanh nghiệp thời gian qua là hành động nóng vội và tiềm ản nhiều rủi ro. Thị trường chưa thực sự chấp nhận một sự thay đổi chóng vánh và hàng loạt như vậy nên tâm lý sốc và quay lưng của người mua là lẽ đương nhiên.

Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng, thanh khoản thị trường vẫn sẽ ổn định trong quý II này vì hiện tượng tăng giá ăn theo chỉ dừng lại ở một số doanh nghiệp. Khá nhiều chủ đầu tư không hề có ý định tăng giá bán, ít nhất là trong thời điểm hiện tại nên tâm lý cho rằng BĐS đang tăng hàng loạt chưa thực sự chính xác.

Ông Khoa cũng cho rằng, sở dĩ nhiều doanh nghiệp tự tin trong việc tăng giá bán một phần cũng phụ thuộc vào vị trí chiến lược của dự án và nguồn cầu tăng từ Việt kiều, ngoại kiều khiến đầu ra của sản phẩm khả quan hơn hẳn so với trước đây.

Giá BĐS luôn là vấn đề nhạy cảm và được người mua quan tâm hàng đầu. Nhu cầu của thị trường hiện nay lại là nhu cầu thực nên việc tăng giá dù chỉ 2% hay 3% cũng trở thành bài toán khó khăn với người mua.

Hiện nay, bên cạnh những thông tin tích cực thì thị trường vẫn còn đó vô số những khó khăn chưa thể giải quyết triệt để. Vì thế, vào thời điểm thị trường đang dần khôi phục được niềm tin từ người mua, các doanh nghiệp cần thận trọng hơn trong việc đưa ra các chiến lược kinh doanh lâu dài để không khiến khách hàng lại một lần nữa quay lưng với BĐS.