Thị trường nhà đất nóng sốt thất thường, Long An khuyến cáo người dân thận trọng trước khi xuống tiền

Theo Nam Phong/ttvn.vn

Hơn 1 năm trở lại đây, thị trường bất động sản (BĐS) tại Long An liên tục “sốt”. Theo ghi nhận, các giao dịch mua, bán BĐS tại những vùng giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh hiện nay phần lớn vẫn là để đầu cơ, nhu cầu về nhà ở thực sự không quá cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường BĐS tại Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn “sốt” đất nền, nhất là tại khu vực các huyện giáp ranh TP. Hồ Chí Minh: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, thậm chí lan tới cả thị xã Kiến Tường.

Thời điểm này, trên địa bàn TP.Tân An, huyện Cần Giuộc, Đức Hoà, tỉnh Long An thị trường về đất ở, nhà ở diễn ra khá sôi động và được xem là “sốt giá”. Theo tìm hiểu thực tế, rất nhiều "cò" đất tìm về TP. Hồ Chí Minh để chèo kéo khách hàng với những thông tin "đường mật": Chỉ cần bỏ ra 30 - 50 triệu đồng đặt cọc giữ chỗ, vài tháng sau thôi sẽ được chiết khấu lên đến hơn 50 triệu và vài chỉ vàng; hay như bao đảm giá đất lên cao sẽ "ẵm" về hàng trăm triệu đồng tiền lời.

Nhiều người cho rằng, giá đất ở (đất thổ cư) đang “sốt” do TP.Tân An đang thực hiện nhiều công trình, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp phục vụ phát triển đô thị. Hiện giá đất nền ở các địa bàn các phường 3, 4, 5, 6,... hay các xã ven đều tăng theo thời gian. Vị trí nền càng gần trung tâm và đường càng lớn thì giá càng cao.

Một khách hàng ở tận TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu như đầu năm 2018, đất ở sôi động chưa nhiều thì từ giữa năm 2018 đến nay, đất bắt đầu tăng giá vùn vụt, có thể tăng từ 50-100%. Bình quân 1 lô đất ngang 5m, dài từ 20-30m ở các phường hoặc xã gần trung tâm TP.Tân An có giá tầm 800 triệu đến 1,5 tỉ đồng”.

Nếu như đất ở nằm rải rác ở các khu dân cư (KDC) trong tình trạng “sốt giá” thì các dự án nhà ở được nhà đầu tư kinh doanh BĐS đầu tư càng “sốt” hơn. Nền nhà của một số đường ở các KDC trung tâm phường 6, Đồng Tâm, Đại Dương,... có giá khá cao, từ 2-6 tỉ đồng (tùy theo chiều ngang và đường giao thông). 

Những ngày này, trên các trang mạng xã hội đang “rầm rộ” giới thiệu về môt KDC nằm trên đường Võ Văn Môn, phường 4, rao bán 1 nền đất ở có diện tích bình quân từ 60-90m2 có giá trên dưới 1 tỉ đồng. Tương tự, các KDC khác được các nhà đầu tư BĐS đang thực hiện trên địa bàn phường 4, phường 3 cũng được rao bán với giá trên dưới 1 tỉ đồng/nền đất ở.

Tiếp xúc với nhân viên môi giới tên Hà Vân Anh (ngụ tại TP. Hồ Chí Minh), được biết giá đất tại một số vùng khác giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh đang lên rất nhanh, nếu như không muốn nói là từng ngày. Khi được hỏi lý do vì sao giá đất tăng nóng, "cò" này cho rằng nghe đâu TP. Hồ Chí Minh đang xin chủ trương sáp nhập một huyện của Long Anh vào TP. Hồ Chí Minh thành một quận mới giáp với Bình Tân. 

"Hiện nay, hầu như thông tin rao bán đất đai tại Long An đều dựa vào thông tin này. Chính việc TP. Hồ Chí Minh có thêm quận mới từ đất của Long An nên nhiều ngời ồ ạt mua đất chờ giá lên để chốt lời hoặc muốn "lên đời" là người thành phố", Vân Anh nói thêm.

Tại huyện Đức Hòa, từ năm 2017 đến 2018, các tập đoàn lớn, công ty BĐS lớn như Trần Anh, Cát Tường, Năm Sao liên tục xin đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư. Thậm chí, đất nông nghiệp cũng được người dân rầm rộ sang tên. Một khách hàng quê tỉnh Hà Nam, hiện buôn bán tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, cho biết: "So với trước, giá đất tăng gấp 10 lần hoặc thậm chí hơn. Một nền đất đẹp tại đây giờ giá hơn tỉ đồng, đó là phải trả tiền ngay, nếu để vài ngày có khi đất lại lên giá, không mua được. Những người lao động xa quê như chúng tôi chắc chắn sẽ rất khó khăn mới mua được đất".

Còn tại TP.Tân An, giá đất tại khu đô thị, khu dân cư cũng tăng "chóng mặt". Nếu như trước đây, các khu vực: Phường 5, 6, 7, xã Lợi Bình Nhơn,... chỉ cần bỏ ra khoảng 200-300 triệu đồng là có thể sở hữu 1 nền đất thì nay giá đất tăng 3-4 lần. Trên các trang mạng giao dịch BĐS tại TP.Tân An, 1 lô đất 80-100m2 có giá dao động từ 400-800 triệu đồng, tùy từng khu vực. Còn tại các khu dân cư trung tâm (phường 6, IDICO,... có sẵn hạ tầng, có giá từ 1,2-1,6 tỉ đồng/lô từ 80-120m2theo vị trí, khu vực, đường.

Tại huyện Cần Giuộc, giá đất cũng tiếp tục tăng cao. Theo một số người dân tại xã Tân Kim, sau khi UBND huyện chấn chỉnh, siết chặt quản lý trong xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì những khu vực đất đã chuyển mục đích sử dụng (đất thổ) tăng giá chóng mặt. Trước đây, trung bình đất tại xã Tân Kim có giá khoảng 8-10 triệu đồng/m2 đất thổ thì nay tăng lên từ 25-30 triệu đồng/m2

Còn tại huyện Cần Đước, chỉ trong thời gian ngắn từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt dự án BĐS nhỏ với diện tích từ 1-2ha do cá nhân đầu tư liên tục được hình thành như dự án Khu dân cư nông thôn ấp Đồng Tâm, Khu đô thị thương mại Hoàng Phúc Residence xã Long Trạch,...

Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, cho rằng thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh đang khan hiếm nguồn cung cục bộ. Hơn nữa, vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là thời gian tạo lập dự án khá dài, mất 3-5 năm để có được đất sạch, đầy đủ pháp lý, sẵn sàng đưa ra thị trường.

"Trong suốt chu kỳ chờ đợi dự án đủ điều kiện mở bán, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực như mất đi chi phí cơ hội vì dòng vốn bị chôn trong dự án chưa thành phẩm. Trong khi đó, Long An là địa phương gần TP. Hồ Chí Minh, quỹ đất còn khá lớn cộng với hệ thống giao thông quy mô lớn đang được đầu tư mạnh để kết nối hai địa phương", ông Chánh nói thêm.

Trước tình trạng thị trường BĐS đang "sốt xình xịch" như hiện nay, không ít nhà đầu tư sẵn sàng triển khai dự án bất chấp việc chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý. Trước đây, Tập đoàn Hiển Vinh từng làm xôn xao dư luận khi thực hiện dự án tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa mà không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng, rồi hàng loạt các dự án khác chưa đủ thủ tục để kinh doanh được rao bán rầm rộ trên các trang mạng, sàn giao dịch khiến người mua đất lâm vào “ma trận”. 

Hay như gần đây xuất hiện một số dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công hạ tầng; còn đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đất đai và các thủ tục pháp lý khác theo quy định để kê biên bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa được giao đất; chưa có đầy đủ các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy;... 

Nhưng thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân môi giới kinh doanh mua bán đất nền bằng nhiều hình thức qua các trang mạng thông tin điện tử và dẫn dắt khách hàng đến những "dự án" này để tham quan. Theo Sở Xây dựng tỉnh Long An, hình thức giao dịch BĐS này thực hiện khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai, kinh doanh BĐS,... 

Đến nay, Sở Xây dựng đã kiểm tra được gần 20 dự án, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm đối với 13 dự án, mức xử phạt thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất 275 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự án theo quy định, tổ chức thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật không có giấy phép xây dựng của cơ quan thẩm quyền cấp hay công khai không đúng các nội dung về dự án,...

Mới đây, Sở Xây dựng có văn bản đề nghị UBND TP.Tân An và các huyện khác quan tâm chỉ đạo theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh BĐS của các dự án trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn và chấm dứt mọi hoạt động tiếp thị, môi giới, kinh doanh BĐS trên mọi hình thức đến khi đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh theo quy định..

Lãnh đạo Sở này cũng cảnh báo trước nhiều thông tin quảng bá, rao bán đất nền, nhà ở như hiện nay, khách hàng cần tỉnh táo, lựa chọn và cân nhắc kỹ trước khi quyết định giao dịch, đặt cọc hoặc thực hiện hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Bởi, trên thực tế, thị trường BĐS, đặc biệt ở phân khúc đất nền, thông thường liên quan đến rất nhiều vấn đề, trong đó, có thể kể đến tính pháp lý, tiến độ thi công, kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, năng lực chủ đầu tư, tính thanh khoản dự án,... Vì vậy, khách hàng nên chờ đợi khi dự án KDC đầy đủ tính pháp lý, hạ tầng rồi hãy chọn lựa để tránh thiệt hại về kinh tế".

Sở Xây dựng đang tham mưu UBND tỉnh Long An theo hướng giảm tiếp nhận các dự án đầu tư bất động sản nhỏ, lẻ, manh mún, không đáp ứng các điều kiện về hạ tầng xã hội. Đồng thời, đề nghị các địa phương đánh giá lại nhu cầu thực tế về nhà ở, phát triển dân cư để đề xuất mức tiếp nhận đầu tư phù hợp, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai”.