Thị trường tài chính tiêu dùng trên đà phát triển mạnh

PV.

Trong một vài năm gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đang có những dấu hiệu kỳ vọng sẽ bứt phá trong thời gian tới.

Tăng trưởng mạnh

Cho vay tiêu dùng (CVTD) là hoạt động cung cấp các khoản vay cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nhằm phân biệt với hoạt động cho vay thương mại đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các khoản CVTD hiện nay do ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cung ứng, dưới các hình thức như cho vay mua xe, cho vay mua đồ dùng gia đình dưới dạng cho vay theo lương, cho vay qua thẻ tín dụng…

Trong những năm qua, hoạt động CVTD tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các công ty tài chính (CTTC). Dù còn ở mức khiêm tốn nhưng tổng dư nợ và tỷ trọng tín dụng tiêu dùng so với tổng tín dụng đối với nền kinh tế đều đã tăng đáng kể.

Thực tế, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Về thị phần, dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Hơn nữa, CVTD ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, dân số trẻ, năng động, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống TCTD ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ CVTD năm 2015 đã tăng trưởng rất mạnh so với cuối năm 2014. Cụ thể, tính đến tháng 9/2015, tổng dư nợ CVTD đã tăng tới 31,49% so với 31/12/2014. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2014, mức tăng trưởng tín dụng loại này chỉ 13,14%.

Cùng với tốc độ tăng trưởng trên, tín dụng tiêu dùng cũng gia tăng tỷ trọng trong tổng cơ cấu dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, từ mức 6,31% vào tháng 9/2014 lên 8,02% tính đến tháng 9/2015. Với quy mô tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại thời điểm tháng 9/2015, quy mô tín dụng tiêu dùng tương ứng với tỷ trọng trên là khoảng 357.000 tỷ đồng. Quy mô này cũng gần tương đương với dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản tại cùng thời điểm.

Thực tế thời gian qua, tín dụng tiêu dùng đã đáp ứng tốt nhu cầu hợp lý của người dân và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi. CVTD đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, hướng khách hàng đến một kênh cho vay chính thống có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, mà nếu không có kênh vay vốn này, nhiều người trong số họ do không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay thông thường sẽ phải tìm đến “tín dụng đen”, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội.

Đánh giá cụ thể về những lợi ích mà tài chính tiêu dùng đem lại, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay: CVTD nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, mang lại cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập trung bình thấp, bởi các đối tượng này thường bị các ngân hàng thương mại truyền thống từ chối cho vay vì khó chứng minh khả năng trả nợ.

Theo đó, CVTD góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho người dân, từ đó giúp họ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, tạo nền tảng sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác để đáp ứng nhu cầu tài chính của mình một cách tối ưu.

Bên cạnh đó, người dân đi vay tiêu dùng hợp lý, có kế hoạch tài chính lành mạnh sẽ quản lý được các biến động của thu nhập cá nhân, hợp lý hóa chi tiêu, do đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cá nhân và gia đình.

Ngoài ra, CVTD còn góp phần thu hẹp các hoạt động cho vay phi chính thức, giúp người dân có nhu cầu vay tiêu dùng không phải tìm đến các loại hình cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” có lãi suất quá cao, từ đó tránh được rủi ro. Đặc biệt, CVTD là một công cụ quan trọng kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Trong thời gian tới, thị trường CVTD được đánh giá sẽ còn phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức hơn nữa và hứa hẹn là thị trường giàu tiềm năng và hiệu quả nếu được khai thác đúng hướng. Hơn nữa, với lợi thế dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, cộng thêm nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định, Việt Nam được xem là thị trường có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cao.

Theo nhận định của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng thì hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng, phù hợp với xu thế chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu chính phủ và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng tư nhân.

Với số lượng TCTD tham gia CVTD ngày càng tăng, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm tín dụng có lãi suất thấp hơn và có nhiều ưu đãi, kết nối khép kín chu trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn, có nhiều ưu đãi hơn.

Cần hành lang pháp lý đủ mạnh để phát triển

Theo giới chuyên gia kinh tế, dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ chỉ thực sự phát triển khi có một hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để các bên liên quan trong quan hệ tín dụng này tuân thủ nghiêm túc các điều khoản cam kết, bên nào vi phạm sẽ bị xử lý một cách thích đáng.

Qua đó, tạo điều kiện cho các CTTC hoạt động, hình thành thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, thu hút đông đảo khách hàng tham gia. Khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động này nên theo hướng đảm bảo sự hài hòa giữa bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các TCTC. Theo đó, nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động CVTD của các TCTD; đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, cần có sự giám sát thị trường này một cách chặt chẽ, đưa ra các chế tài đối với các bên trong khuôn khổ pháp luật để tránh bị lạm dụng và không tạo ra những hệ lụy. Minh bạch hóa các điều kiện tín dụng, đặc biệt là lãi suất, cũng là giải pháp quan trọng để bảo vệ người đi vay khỏi các sai sót và bất công trong việc tính toán lãi vay.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các CTTC cũng phải chú trọng nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ CVTD. CTTC cần phải có tư vấn tốt cả trước và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, bởi nhiều khách hàng thường có thói quen không tìm hiểu hết các quy định, nghĩa vụ, kèm theo ý thức trả nợ kém, nên có thể dẫn tới những phản ứng tiêu cực, một chiều, gây bất lợi trong dư luận.

Ngoài ra, bản thân người đi vay cũng phải là những người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn loại hình dịch vụ CVTD. Đặc biệt là cần tìm hiểu đầy đủ thông tin và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để chọn lựa những loại hình CVTD chính thống, nhằm tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động CVTD cần phải theo hướng đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường CVTD phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các TCTD cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mục tiêu giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi quyết định tham gia vay tiêu dùng.