Thị trường tài chính Việt Nam - Một năm nhìn lại

ThS. Trịnh Thanh Huyền

(TCTC Online) Cùng với đà hồi phục của nền kinh tế thế giới (tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 4,8% trong năm 2010 - IMF) kinh tế Việt Nam trong năm 2010 cũng có tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước: quý I tăng 5,83%, quý II tăng 6,4%, quý III tăng 7,16%. Tuy nhiên, sang những tháng cuối của năm 2010, nền kinh tế lại bắt đầu xuất hiện một số diễn biến bất lợi. Thị trường tài chính Việt Nam bị thử thách liên tục trước những biến động khó lường của thị trường vàng, những căng thẳng trên thị trường ngoại hối, lạm phát tăng ở mức 2 con số...

Thị trường tiền tệ

       Thực hiện Chỉ thị số 2164/CT-TTg của Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước (NHNN) “Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tổng lượng tiền trong lưu thông nhằm đáp ứng yêu cầu ổn định vĩ mô và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, đi đôi với kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng”, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ với các ngân hàng được giữ nguyên ở mức 8%/năm; lãi suất tái chiết khấu cũng giữ nguyên mức 6%/năm trong suốt 10 tháng đầu năm 2010. Việc điều chỉnh tăng lãi suất của NHNN từ ngày 5/11/2010 đã đẩy lãi suất trên tất cả các thị trường tăng mạnh, đặc biệt là lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn đến cực ngắn. Trên thị trường liên ngân hàng, các NHTM giảm tối đa và thậm chí tạm ngừng đưa vốn ra thị trường khiến các NHTM nhỏ lao đao lo thanh khoản cuối năm. Bức tranh “lãi suất khủng năm 2008” hình như lại đang được vẽ lại vào tháng cuối cùng của năm 2010 khi lãi suất huy động được đẩy lên mức đỉnh điểm là 18%/năm. Đến thời điểm cuối tháng 12/2010, tình hình đã có phần dịu lại song mức lãi suất huy động của các ngân hàng trong tháng 12/2010 vẫn ở mức 14-15%, tức là cao hơn hẳn so với mức 150% lãi suất cơ bản (13,5%) và phần cao hơn đó được các NHTM xử lý bằng “lãi suất thưởng” - mức lãi suất không được ghi chính thức nhưng lại là “một phần không thể tách rời” của cuốn sổ tiết kiệm.

Trong suốt quý đầu tiên của năm 2010, thị trường ngoại hối thường xuyên căng thẳng với sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức lên đến 200VND/USD. Sang đến quý II, sức ép tỷ giá có dấu hiệu lắng dịu nhưng lại phát sinh một dấu hiệu bất thường là có thời điểm tỷ giá thị trường tự do thậm chí còn thấp hơn thị trường chính thức. Điều này cho thấy sự chênh lệch quá thấp giữa lãi suất cho vay bằng USD và VND đã tạo ra một lượng cung ngoại tệ ảo rất lớn ra thị trường, gây méo mó cung cầu ngoại tệ. Đến tháng 7/2010, tỷ giá VND/USD vẫn xoay quanh mức 19.000 VND/USD nhưng từ giữa tháng 10/2010 trên thị trường tự do đã có diễn biến tăng bất thường. Đến cuối tháng 10/2010, so với tháng trước đó, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do đã tăng khoảng 645 đồng, lên mức 20.325 VND/USD nhưng đến ngày 9/11/2010, con số này đã lên mức đỉnh là 21.200VND/USD. Trong tháng 10-11/2010, NHNN cũng đã liên tục can thiệp giảm bớt những căng thẳng trên thị trường bằng cách bán ra 220 triệu USD nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thiết yếu hay thành lập Tổ công tác liên Vụ theo dõi tình hình bán và cho vay thanh toán hàng nhập khẩu, song do nhập siêu vẫn ở mức cao cộng với nỗi lo VND mất giá do lạm phát cao, giá vàng tăng và công tác quản lý ngoại hối còn gây tâm lý găm giữ ngoại tệ nên tỷ giá USD trong tháng 11/2010 luôn ở mức cao hơn đáng kể so với tháng 10; chênh lệch tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá chính thức doãng rộng, có thời điểm lên tới 1.6000 VND/USD.

Tháng 12/2010, thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện rõ ở sự sụt giảm mạnh của tỷ giá trên thị trường “chợ đen”; doanh số mua ngoại tệ của các NHTM đã có sự gia tăng đáng kể nhờ nguồn cung ngoại tệ tăng lên. Theo thống kê của Vụ Quản lý Ngoại hối – NHNN, tính đến cuối tháng 11/2010, nguồn thu ngoại tệ từ kiều hồi đã đạt mức 7,6 tỷ USD và ước tháng 12 sẽ tăng thêm khoảng 770 triệu, nâng tổng nguồn thu từ kiều hối cả năm 2010 lên hơn 8 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2009. Cùng với nguồn kiều hối gia tăng, luồng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam từ đầu năm đến nay thặng dư khoảng 800 triệu USD, giải ngân trong 11 tháng năm 2010 tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước

Thị trường vàng

            Sau sự bứt phá liên tục của giá vàng trong năm 2009, khá nhiều nhận định đưa ra là kịch bản giá vàng năm 2010 sẽ ít có những biến động lớn, mức giá cao nhất vì thế khó vượt 29 triệu đồng một lượng. Thế nhưng những gì diễn ra trên thị trường vàng năm 2010 dường như không đúng theo “kịch bản” này. Thị trường liên tục ghi dấu những mức kỷ lục do tình trạng mất cân bằng cung cầu khi nhu cầu mua vàng tích trữ, đầu tư và thanh khoản cao khiến thị trường vàng thế giới không thể ngồi yên và giá vàng trong nước vì thế cũng biến động theo. Nếu vào thời điểm đầu năm 2010, giá vàng trên thị trường Việt Nam dao động ở mức 26 triệu đồng/lượng (trên thị trường thế giới là khoảng 1.100 USD/ounce) thì đến đầu tháng 10/2010, con số này đã là 31,4 triệu đồng/lượng và đỉnh điểm là ngày 9/11 - “ngày hoảng loạn” khi giá vàng lúc 10h sáng lên tới 38,2 triệu đồng/lượng (giá thế giới có thời điểm đã lên mức đỉnh là 1423,70 USD/ounce) - một con số chưa từng tại Việt Nam (đỉnh cao của giá vàng năm 2009 là 29,3 triệu đồng/lượng). Năm 2010 vừa qua cũng là năm mà các biện pháp can thiệp nhằm ổn định giá vàng được các cơ quan chức năng ban hành liên tục. Chỉ riêng trong tháng 10 và 11, đã có tới 5 giải pháp đưa ra để bình thường hóa thị trường vàng trong nước. Đầu tiên là Thông tư 22 siết hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng tại các NHTM, tiếp đó là liên tục cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các đầu mối, can thiệp bình ổn tỷ giá USD, giảm thuế nhập khẩu vàng từ 1% về 0%, và tăng thuế xuất vàng từ 0% lên 10% kể từ tháng 1/2011. Trên thị trường thế giới, với mức tăng 26% kể từ đầu năm đến nay, kim loại quý này đã có tới ba trong bốn năm đạt mức tăng hai chữ số. Còn ở trong nước, giá vàng trong nước cũng tăng tới 46% so với cuối năm 2009. 

Thị trường tín dụng

            Năm 2010 là một năm không dễ dàng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Những bất ổn trên thị trường tài chính, thời hạn hoàn tất lộ trình tăng vốn pháp định lên mức 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP đã cận kề, TTCK ảm đạm, các cổ đông lớn là các tập đoàn lại thoái vốn... khiến áp lực của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ ngày càng thêm nặng. Theo báo cáo của NHNN, đến 1/12/2010, vẫn còn 19 NHTMCP chưa đảm bảo mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng mặc dù các ngân hàng này đã được NHNN và UBCKNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Điều đáng mừng đối với các ngân hàng là Chính phủ đã cho phép kéo dài thời hạn kế hoạch tăng vốn thêm 1 năm, đến 31/12/2011. Tuy nhiên, điều đó chỉ có nghĩa là kéo dài và vì thế, không ít ngân hàng đã chủ động tìm đến các nhà đầu tư ngoại như Mekong Bank, OCB...

            Đối với các ngân hàng lớn, tuy không phải chịu áp lực trên như nhưng áp lực huy động vốn là rất lớn, đặc biệt là nguồn vốn huy động dài hạn. Huy động vốn của các ngân hàng vẫn chậm và chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) và cực ngắn (dưới 1 tháng). Không chỉ khó huy động VND mà huy động USD cũng rất khó khăn. Không ít ngân hàng đã đưa lãi suất huy động USD lên đến mức 5,5%/năm nhằm giữ chân khách hàng và bù đắp nguồn ngoại tệ cho vay bởi tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ là khá cao. Dư nợ tín dụng ngoại tệ cao gấp nhiều lần so với dư nợ bằng VND. Sự mất cân đối này có thể tạo nên sự mất cân bằng cho hệ thống ngân hàng, gia tăng thêm áp lực lên VND và thậm chí có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ rồi chuyển VND để gửi ngược lại ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất. Mặc dù thị trường không thuận lợi như mong muốn nhưng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam năm 2010 vẫn đạt được những kết quả tương đối khả quan. Các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đều đạt được so với mục tiêu đề ra. Tính đến cuối tháng 10/2010, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ước tăng 22,81% so với cuối năm 2009 và tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước tăng 22,5% so với cuối năm 2009.

            Tính riêng kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, khá nhiều ngân hàng đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. MB cũng cho biết đã hoàn thành 77% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm (1.700 tỷ đồng) sau 7 tháng… Đến hết tháng 11/2010, lợi nhuận trước thuế của EIB đã đạt 95,8%. Bên cạnh đó, cũng còn không ít ngân hàng không đạt được mục tiêu lợi nhuận bởi thời gian còn lại chỉ có 3 tháng mà chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng kinh doanh mới chưa đạt được 50%. 

Bảng 1: Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2010 của một số ngân hàng

TT

Ngân hàng

LNTT     (tỷ đồng)

% kế hoạch năm

TT

Ngân hàng

LNTT      (tỷ đồng)

% kế hoạch năm

1

ACB

2000

55

6

SacomBank

1929

63,9

2

HDBank

221

73,67

7

SCB

544

78

3

ABB

546,2

86,7

8

TrustBank

148

78

4

DongABank

515

46,85

9

VietcomBank

4090

70

5

OceanBank

520

-

10

EximBank

1600

68

            Tuy nhiên, điều quan trọng là các NHTM Việt Nam cũng như cơ quan quản lý là NHNN đều đã ý thức được sự cần thiết phải thực hiện những dự phòng tài chính cho các khoản tín dụng đang tồn đọng và có nguy cơ khó đòi, những dự phòng quan trọng nhằm kiểm soát và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tín dụng. Hệ thống đang hành động hướng đến mục tiêu an toàn hơn và lành mạnh hơn, với sự tăng cường giám sát rủi ro từ phía các cơ quan quản lý vĩ mô và một sự tự nguyện dành ưu tiên cho các mục tiêu an toàn từ phía các ngân hàng. Theo Báo cáo của Thống đốc NHNN tại phiên giải trình do Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội sáng 25/12 thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến cuối năm 2010 vào khoảng 2,5%, các chỉ tiêu tiền tệ năm 2010 cơ bản phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo an toàn hệ thống và phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.

        Năm 2010 vừa qua đã chứng kiến sự bứt phá của các ngân hàng nước ngoài bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đã có thêm 4 chi nhánh ngân hàng và 2 công ty tài chính nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động trong năm 2010 này. Như vậy, với sự hiện diện của 71 tổ chức tín dụng nước ngoài và 48 văn phòng đại diện, các ngân hàng nước ngoài đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thông qua việc mở rộng mạnh mẽ hệ thống mạng lưới. Tính đến hết quý III/2010, tổng tài sản của khối ngoại đạt 420.531 tỷ đồng, tăng 30,8% so với thời điểm tháng 12/2009, chiếm 11,25% tổng tài sản của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Thị trường chứng khoán

            Năm 2010 thực sự là một năm khó khăn với thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK). TTCK đã có những đợt sụt giảm mạnh. Chỉ số HNX-Index đã có thời điểm giảm xuống dưới mốc 100 điểm còn Vn-Index tuy không giảm xuống mức thấp như năm 2009 nhưng ngày 23/8/2010, cũng chính thức mất mốc 450 điểm xuống còn 447,92 điểm và giá trị giao dịch toàn phiên chỉ đạt 508,97 tỷ đồng - một con số thấp chưa từng thấy. Trong tháng 12 vừa qua, thị trường cũng đã có nhiều phiên sắc xanh chiếm ưu thế nhưng đến giữa tháng 12/2010, mốc 500 điểm vẫn chưa được chính phục.

Những áp lực trong năm 2011

Với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 đã được Quốc hội thông qua: tăng trưởng GDP 7-7,5%, lạm phát không quá 7%, tăng trưởng xuất khẩu 10%, nhập siêu không quá 18% tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP, có thể nhìn thấy rõ thay vì hướng ưu tiên tới mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam sẽ quan tâm nhiều hơn tới ổn định kinh tế vĩ mô - nền tảng căn bản và cực kỳ quan trọng nếu Việt Nam muốn tiếp tục tăng trưởng cao, tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế. Và như vậy, áp lực đối với thị trường tài chính năm 2011 là không hề nhỏ.

Thứ nhất, Áp lực về quy mô vốn và khả năng huy động vốn đối với các ngân hàng.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của hệ thống ngân hàng thời gian qua trong việc tăng vốn để cải thiện năng lực tài chính và nâng cao sức cạnh tranh của chính mình. Trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất châu Á mới công bố gần đây (The Asian Bankers 500, 2010-2011 Edition) đã có tới 19 đại diện ngân hàng Việt nam so với 4 đại diện của năm trước. Tuy nhiên, điều đó hình như vẫn chưa đủ. Quy mô vốn của nhiều NHTM Việt nam vẫn còn quá nhỏ nên áp lực tăng vốn trong năm 2011 sẽ khiến các ngân hàng khó khăn hơn rất nhiều bởi những các kênh tăng vốn của ngân hàng hiện đều vướng. Thị trường chứng khoán thời gian này đã không còn là mảnh đất màu mỡ đối với các ngân hàng trong việc huy động vốn. Cộng thêm với quy định về việc hạn chế các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đầu tư đa ngành, nhất là vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng hay quy định các TCTD chỉ được nắm tối đa 11% vốn điều lệ của các TCTD khác khiến cho việc tìm vốn của các ngân hàng đã khó càng thêm khó.

Thứ hai, Áp lực về tỷ giá

Hiện có quá nhiều sức ép đặt ra đối với tiền VND. Không ít chuyên gia nước ngoài cho rằng VND đang trong chu kỳ giảm giá. Tiền đồng mất giá làm cho chỉ số lạm phát tồi tệ hơn và làm nguội thị trường chứng khoán. Năm 2010 vừa qua là một minh chứng rõ ràng của tình trạng này. Chênh lệch tỷ giá trên thị trường chợ đen so với thị trường chính thức năm quaTuy nhiên, áp lực của tỷ giá, của thị trường ngoại hối không chỉ nằm ở mức giá của VND so với USD mà là ở chỗ chúng ta xử lý và điều hành như thế nào. Điều quan trọng là phải có định hướng rõ rệt để các nhà đầu tư và người dân có thể lường trước được. Bởi nếu chính sách không rõ ràng thì người dân do dự và họ sẽ có cách tự bảo vệ bằng việc mua vàng hay đôla và khi đó, cơ hội hoạt động của các “tin đồn” càng có đất phát triển. Đây là điều chính phủ cần giải quyết sớm bởi nếu không số người tin vào đồng nội tệ sẽ càng giảm đi và vấn đề đô la hoá không thể xử lý được.  

Thứ ba, Áp lực về lạm phát

Năm 2010, thế giới cơ bản đã chấm dứt khủng hoảng và bắt đầu tăng trưởng trở lại. Nền kinh tế thế giới năm 2011 vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro của thời kỳ hậu khủng hoảng toàn cầu. Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2010 của Quỹ tiền tệ Quốc tế nhận định kinh tế thế giới đang hồi phục ở nhiều mức độ khác nhau và các nền kinh tế lớn vẫn đang chậm chạp bò ra khỏi suy thoái. Báo cáo này cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới và tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn trong năm 2011 đều thấp hơn năm 2010. Các nền kinh tế Châu Á, song hành với tốc độ hồi phục và tăng trưởng kinh tế khá nhanh, nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ bắt đầu có động thái thắt chặt tiền tệ nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Điều này sẽ có tác động không thuận lợi đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt nam còn chứa đựng nhiều bất ổn. Trong khi phần lớn thế giới lạm phát thấp hoặc giảm phát thì Việt nam đang đối mặt với lạm phát (năm 2010 ở mức 11.75%), vì lẽ đó mức lãi suất tiết kiệm và cho vay cũng đang đứng ở mức rất cao trong khi ở các trung tâm kinh tế thế giới lãi suất dường như bằng không. Những nghịch lý này nếu không kịp thời điều chỉnh và xử lý thì sẽ gây ra hậu quả tiêu cực đến sự phát triển lâu dài và bền vững.

Thứ tư, Áp lực từ các cam kết hội nhập

Theo cam kết WTO, từ ngày 1/1/2011, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ được thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ như ngân hàng Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng Việt nam sẽ phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các ngân hàng nước ngoài không những có bề dày kinh nghiệm, có năng lực quản trị, có trình độ công nghệ và nguồn vốn khổng lồ. Đây là một áp lực rất lớn đáng kể đối với các ngân hàng “nội”. Lợi thế về mạng lưới và hiểu biết tâm lý khách hàng của các ngân hàng trong nước sẽ giảm dần khi các ngân hàng nước ngoài thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường trong nước.

Áp lực và những khó khăn đòi hỏi những quyết sách chính xác của Chính phủ trong năm mới 2011. Những gì đã đạt được trong năm 2010 sẽ là cơ sở để đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mới (2011 - 2015) mộtacách vững vàng và hiệu quả./.