Ngày 24/9/2009, đánh dấu một mốc son với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt chính thức được vận hành trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Trước thời điểm đó, khái niệm TTCK ở Việt Nam, dù đã phát triển được gần 10 năm (ra đời tháng 7/2000) nhưng mới chỉ đúng có một nửa. Và phải kể từ mốc son quan trọng kể trên, TTCK Việt Nam mới phát triển đầy đủ, đúng nghĩa với sự tồn tại song hành của hai thị trường quan trọng là cổ phiếu và trái phiếu.

Ba năm đã trôi qua nhưng nhìn lại, những gì thị trường trái phiếu làm được thật sự khó tin. Tính đến tháng 8/2012, đã có 430 mã TPCP được niêm yết với tổng giá trị niêm yết đạt hơn 320.000 tỷ đồng, đạt hơn 14% GDP và tăng gần 2 lần so với thời điểm chuyển đổi. Kể từ tháng 5/2010, hình thức đấu thầu đã chuyển dần sang đấu thầu lô lớn, đạt thành công nhất ở kỳ hạn 5 năm, từng bước khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún của một số mã trái phiếu Chính phủ, giúp hình thành dần hệ thống mã trái phiếu chuẩn có tính hấp dẫn và thanh khoản cao. Bởi vậy, quy mô phát hành bình quân theo mã trái phiếu đã tăng từ 55 tỷ đồng lên xấp xỉ 3.900 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn chuẩn 5 năm đã tăng từ mức 10 tỷ đồng, lên xấp xỉ 3.800 tỷ đồng, góp phần mở rộng thị trường, tạo sự đột biến về thanh khoản.

Hoạt động đấu thầu TPCP tại HNX đã được tổ chức khá thành công; các thông tin thị trường được cung cấp kịp thời và liên tục đến cơ quan quản lý, thành viên và nhà đầu tư thông qua một mạng lưới hạ tầng thông tin đa dạng, đã khiến các phiên đấu thầu được vận hành chuyên nghiệp và an toàn, góp phần huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước, đồng thời hỗ trợ thị trường tiền tệ bình ổn cung tiền, lãi suất... Tỷ lệ trúng thầu TPCP trên khối lượng gọi thầu TPCP cũng tăng một cách vững chắc từ 20% trước khi chuyển đổi lên 75% trong năm 2012. Riêng năm 2011, dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường đấu thầu TPCP vẫn huy động được 81.716 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2012, tổng khối lượng trái phiếu huy động được lên tới 112.064,15 tỷ đồng, trong đó, trái phiếu do KBNN phát hành được 79.224,15 tỷ đồng, do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành được 19.960 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành được 12.880 tỷ đồng. Chỉ riêng trong tháng 8/2012, tháng đầu tiên áp dụng đấu thầu điện tử TPCP tại HNX, thị trường này đã thu hút được rất nhiều thành viên tham gia bởi những tiện ích mà hệ thống mang lại, đặc biệt, có phiên đấu thầu đã thu hút đến 12 thành viên, giúp tổng khối lượng trái phiếu huy động được riêng tháng 8/2012 đạt 15.850 tỷ đồng, tăng 81,14% so với tháng 7. Tính trong 3 năm qua, hoạt động đấu thầu tại HNX đã huy động được hơn 240 nghìn tỷ đồng TPCP. Đặc biệt kể từ ngày 24/8/2012, tín phiếu KBNN - một công cụ nợ rất linh hoạt của Chính phủ, sau 17 năm “ngủ yên” trong hệ thống ngân hàng đã được HNX đưa lên giao dịch trên thị trường thứ cấp, tạo thanh khoản và tăng sức hấp dẫn với loại chứng khoán chuyên biệt này…

Có thể nói sự phát triển nhanh, mạnh, vững chắc của thị trường TPCP làm ngạc nhiên không chỉ nhiều cơ quan quản lý nhà nước mà cả các tổ chức tài chính quốc tế. Theo Báo cáo theo dõi trái phiếu do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 10/9/2012, thị trường trái phiếu Việt Nam có bước tăng trưởng cao nhất châu Á. Theo ADB, tại Việt Nam, thời điểm cuối tháng 6/2012, tổng giá trị trái phiếu phải thu tính bằng tiền đồng đạt 455.900 tỷ đồng, tương đương 21,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với thời điểm cuối tháng 3/2012 và tăng 28,5% so với thời điểm cuối tháng 6/2011.

Với vai trò là đơn vị nhận trọng trách tổ chức đấu thầu và đưa vào giao dịch, có thể khẳng định HNX là nhân tố then chốt giúp thị trường TPCP có bước phát triển vượt bậc trong ba năm vừa qua. Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc HNX lại không hề ngạc nhiên với những bước lớn mạnh “thần tốc” của thị trường TPCP. Ông Dũng cho biết, thành công hôm nay là bước chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bài bản và có tính tổ chức chặt chẽ của HNX kể từ thời điểm HNX mới thành lập, đi vào vận hành với tên gọi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HoSE). Ngay sau khi khai trương, HoSE lúc đó đã triển khai đấu thầu trái phiếu để huy động vốn cho ngân sách nhà nước và Trung tâm đã sớm nhìn ra nhiệm vụ cũng như chuẩn bị xây dựng một lộ trình cho việc vận hành và phát triển thị trường này. Đặc biệt, sau khi Bộ Tài chính có Quyết định số 2267/QĐ-BTC ngày 20/6/2006 chuyển toàn bộ hoạt động đấu thầu TPCP về HoSE, hoạt động trên đã thực sự được đẩy mạnh và đi vào nền nếp để rồi có sự ra đời chính thức của thị trường ngày 24/9/2009 và những bước tiến của ngày hôm nay.

Không bằng lòng với những gì đạt được, toàn thể cán bộ, viên chức của HNX đang nỗ lực không ngừng để đưa những ứng dụng mới nhằm nâng cao tính hấp dẫn cho thị trường TPCP mà tiêu biểu là Đề án xây dựng đường cong lợi suất nhằm phát triển chỉ báo đo lường tình hình và dự báo sự phát triển của thị trường. Hiện nay, Đề án đã cơ bản hoàn thành phần mềm tính toán và đang trong giai đoạn thử nghiệm, tiến tới triển khai chính thức vào đầu quý III/2012… Có thể khẳng định, đây là bước tiến mới, đánh dấu tuổi thứ ba của một thị trường đang có những đóng góp tích cực vào sự ổn định kinh tế vĩ mô trong năm bản lề của nền kinh tế.

Bài đăng trên Tài chính Đầu tư 9 - 2012

Thị trường trái phiếu: Chặng đường ngắn, bước đi dài…

VIỆT HÙNG

(Tài chính) Ba năm đã trôi qua kể từ thời điểm Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt lên vận hành (ngày 24/9/2009) thị trường quan trọng này đã có bước phát triển vượt bậc. Một chặng đường ngắn nhưng với riêng thị trường trái phiếu đã có những bước tiến rất dài…

Xem thêm

Video nổi bật