Thiếu khuôn khổ pháp lý cho mô hình căn hộ văn phòng

PV.

Đại diện Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất đối với mô hình căn hộ văn phòng (office-tel) là thiếu khung pháp lý do hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về quyền sở hữu và sử dụng cho mô hình này.

Thách thức lớn nhất cho mô hình căn hộ văn phòng là thiếu khuôn khổ pháp lý. Nguồn: internet
Thách thức lớn nhất cho mô hình căn hộ văn phòng là thiếu khuôn khổ pháp lý. Nguồn: internet

Đối tượng khách nào quan tâm?

Mô hình Office-tel được thiết kế chủ yếu để sử dụng với chức năng văn phòng, nhưng vẫn có thể ở được như một căn hộ. Theo nghiên cứu của Cushman & Wakefield Việt Nam, với tổng giá trị căn hộ phổ biến chỉ từ 1.5 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng thì đối tượng khách hàng chủ yếu là:

- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty startup/khởi nghiệp, có quy mô dưới 10 nhân viên giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí.

- Khách hàng có nguồn tiền nhàn rỗi, muốn đầu tư để sinh lời thay vì gửi tiết kiệm. Với mức sinh lợi từ khoảng 8% - 10% mỗi năm trên tổng giá trị căn hộ thì đây là một kênh đầu tư thực sự hấp dẫn.

- Chuyên gia nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam bởivị trí của các dự án đa phần tập trung tại các khu vực trung tâm/gần trung tâm, gần các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại lớn, thuận tiện cho việc đi lại, làm việc.

- Đa số các dự án office-tel khoảng 40% khách hàng là các công ty có nhu cầu mở văn phòng đại diện, 10 - 15% khách mua có nhu cầu ở thực tuy nhiên chỉ có nhu cầu ở tạm thời, còn lại là khách mua để đầu tư cho thuê lại.

Cushman & Wakefield Việt Nam cũng cho rằng, các căn hộ này thường chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng độc thân, gia đình ít người, công ty nhỏ. Tuy nhiên, khi diện tích căn hộ không còn đủ đáp ứng nhu cầu về diện tích sử dụng, chủ căn hộ vẫn có thể xem xét việc bán hoặc cho thuê lại.

Ông Alex Crane - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Bất động sản Thương mại Cushman & Wakefield tại Việt Nam khẳng định Công ty ông sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các doanh nhân là người sử dụng cuối nên quan tâm vào loại tài sản này. Trong thực tế, mô hình này đang được xây dựng trong các khu vực thương mại phát triển và được đề xuất như là một thay thế cho văn phòng thuần.

“Có một xu hướng toàn cầu rộng lớn hơn là văn phòng chia sẻ, và văn phòng dịch vụ độc lập đang được thúc đẩy phát triển từ nhu cầu của các công ty khởi nghiệp, các doanh nhân và những nhân viên làm việc giờ linh hoạt. Phân khúc này sẽ là một lồng ấp tiềm năng cho các thế hệ người mua/người thuê tiếp theo của văn phòng có kích thước nhỏ.”, ông Alex Crane nhấn mạnh.

Thách thức lớn nhất là khung pháp lý

Thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư của loại hình office-tel là các vấn đề về khung pháp lý. Các nhà đầu tư nên cân nhắc xác định rõ nguồn cầu đối với phân khúc này, xu hướng của thị trường thứ cấp (bán lại hoặc cho thuê) cũng như các chính sách về cam kết cho thuê/thuê lại từ chủ đầu tư.

“Sẽ có một vài ẩn số liên quan đến các tác động đầy đủ của mô hình này đến thị trường bất động sản cho đến khi các cấu trúc pháp lý đáng tin cậy được hình thành,” ông Alex Crane cho biết.

Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về quyền sở hữu và sử dụng căn hộ giữa mục đích làm việc và lưu trú, các quy định về việc sở hữu căn hộ office-tel đối với người nước ngoài.

Do vậy, một khung pháp lý rõ ràng sẽ giúp xác định rõ đối tượng khách hàng cũng như các cơ hội cho nhà đầu tư, giúp mô hình này thu hút người mua nhiều hơn.