Thời gian tới sẽ là cơ hội lớn cho ngành bất động sản

Theo Lý Tuấn/nhadautu.vn

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh. Theo ông Trung, thời gian tới sẽ là cơ hội lớn cho ngành bất động sản (BĐS) Việt Nam, vấn đề là chính sách của Chính phủ làm sao để tạo được điều kiện thuận lợi, minh bạch giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư… góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xu hướng phát triển 

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, nếu như trước năm 2010, thị trường BĐS hầu hết phổ biến các dự án căn hộ chung cư và đất nền/nhà ở thấp tầng, thì từ năm 2010 bên cạnh các sản phẩm BĐS nhà ở truyền thống, các sản phẩm BĐS thương mại, dịch vụ, bán lẻ, du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp... (như các loại hình shophouse, officetel, condotel, căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng...) đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các chủ đầu tư lẫn các nhà đầu tư.

Theo ông Trung, Việt Nam sở hữu bờ biển dài và rất nhiều địa danh nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch cả trong và ngoài nước. Đây là ngành công nghiệp không khói đã và đang phát triển rất tiềm năng và bền vững, đem lại nhiều việc làm, tăng thu nhập, tăng nguồn thu thuế cũng như thúc đẩy phát triển hạ tầng tại địa phương.

"Không khó hiểu về xu hướng sản phẩm BĐS du lịch trong thập niên 2010, đó là nhu cầu thật và đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội. Đến nay, khi đại dịch qua đi và nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ, chúng ta có thể dự đoán nhu cầu về sản phẩm BĐS du lịch trong đầu thập niên 2020 sẽ tiếp tục tăng nếu sắp tới đây Chính phủ sớm có những điều chỉnh hoàn thiện hành lang pháp lý về loại hình này", Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh nhận định.

Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho rằng, Việt Nam với dân số hiện tại hơn 97 triệu dân thì áp lực về nhà ở, căn hộ ở tại các thành phố sẽ rất lớn đặc biệt là loại căn hộ cao cấp, căn hộ thông minh và nhiều tiện ích cho thế hệ 8X - 9X. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nhu cầu căn hộ bình dân sẽ giảm.

Thực tế người lao động trẻ tại các đô thị "vệ tinh" và tại các khu công nghiệp đang rất khó khăn về chỗ ở, các sản phẩm căn hộ thương mại giá bình dân với diện tích dưới 50m2 chưa được quan tâm trong khi nhà ở xã hội chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu.

"Nhu cầu về BĐS thương mại, dịch vụ, văn phòng và BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục duy trì song song với tốc độ hồi phục kinh tế thế giới, đặc biệt với làn sóng chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam đang được nhiều quốc gia quan tâm", ông Trung nói.

Giải pháp thúc đẩy 

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành được Quốc hội và Chính phủ ban hành áp dụng trong thập niên qua đã giải quyết được nhiều vấn đề và tạo cơ sở cho sự phát triển thị trường BĐS.

Tuy nhiên, các chính sách pháp luật vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh hết các loại hình BĐS "mới", việc vận dụng và giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong các vấn đề về quản lý đất đai, thủ tục đầu tư, thủ tục xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất dự án...

"Các chính sách pháp lý vẫn còn nhiều khoảng trống và bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, góp phần làm giảm nguồn cung và đẩy giá bán các sản phẩm BĐS tăng trong thời gian qua", ông Trung nhấn mạnh.

Qua đó, để giải quyết các vấn đề vướng mắc hiện nay, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch và bền vững, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, Chính phủ cần quan tâm thêm các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư dự án BĐS, quan tâm hướng dẫn thêm về việc giải quyết cho chủ đầu tư được triển khai, cũng như thủ tục xin giấy phép xây dựng và thẩm định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất.

"Như hiện nay vẫn có quan điểm phải chờ xong tiền sử dụng đất mới cho cấp giấy phép xây dựng. Hoặc các vấn đề về nghĩa vụ nhà ở xã hội, nên cho chủ đầu tư chọn phương thức thực hiện bằng tiền hay đầu tư nhà ở xã hội tại dự án thay vì quy định trường hợp bắt buộc theo quy mô dự án từ 10ha trở lên", ông Trung nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần cải cách phương thức xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án, "Đây là thủ tục rất phức tạp về phương pháp thẩm định do phải định tính dựa vào các giao dịch trên thị trường, dẫn đến tình trạng kéo dài và thiếu minh bạch, các sai phạm của cơ quan thẩm quyền trong thời gian qua", ông Nguyễn Đình Trung nói và cho biết, đến nay vấn đề cũng chưa có giải pháp nào thật sự thuyết phục.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, nhiều doanh nghiệp cũng đã có ý kiến trong việc cải cách phương thức xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án.

"Do đó, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ xem xét phương án xác định tiền sử dụng đất theo đơn giá đất do nhà nước quy định nhân hệ số để nhanh gọn trong quá trình xác định giá; lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi bán cho bên mua cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định", ông Châu nói.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tháo gỡ những bất cập về việc giao đất xen cài trong dự án phát triển nhà ở; hoàn thiện khung pháp lý đối với các loại hình BĐS mới.