Thu hút, quản lý, sử dụng ODA: Nhìn từ Malaysia và Indonesia

ThS. Nguyễn Thị Tình

(Tài chính) Việc sử dụng nguồn nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) không phải lúc nào cũng có hiệu quả ở mọi quốc gia. Thực tế thành công ở Malaysia và Indonesia sẽ giúp Việt Nam có những kinh nghiệm cần thiết khi thu hút, quản lý và sử dụng ODA.

Thu hút, quản lý, sử dụng ODA: Nhìn từ Malaysia và Indonesia
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Lý giải sự thành công tại Malaysia

Từng là một nước thuộc địa của Anh, sau khi giành được độc lập năm 1957, Malaysia đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: nghèo đói, thất nghiệp cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém và thiếu vốn trầm trọng để đầu tư phát triển.

Từ những năm 1970, Malaysia nhận được viện trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà tài trợ chính là Nhật Bản, Liên hiệp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nguồn viện trợ này đã góp phần quan trọng giúp Malaysia giải quyết vấn đề đói nghèo và tái phân phối lại thu nhập.

Từ những năm 1980, viện trợ nước ngoài lại đóng vai trò lớn trong việc gia tăng về các kỹ năng chuyên môn, về lập kế hoạch dự án, thực thi và đánh giá dự án, phân tích chính sách, phát triển thể chế, phát triển kỹ năng trong công nghệ và lĩnh vực nghiên cứu triển khai. Viện trợ nước ngoài, với vai trò như vậy đã trở thành đòn bẩy đưa Malaysia vượt qua điểm xuất phát thấp của nền kinh tế.

Thành công trong việc sử dụng nguồn viện trợ ODA ở Malaysia xuất phát từ việc tập trung hóa trong quản lý nhà nước. Văn phòng Kinh tế Kế hoạch cùng với Bộ Ngân khố đóng vai trò chủ yếu trong việc lập kế hoạch và quản lý hành chính đối với nguồn viện trợ nước ngoài. Văn phòng này đảm nhận các chức năng chủ yếu là đưa ra mục tiêu, chính sách, kế hoạch ở cấp trung ương; chịu trách nhiệm phê duyệt chương trình dự án và quyết định phân bổ ngân sách phục vụ mục tiêu phát triển quốc gia. Còn Bộ Ngân khố chịu trách nhiệm điều phối những vấn đề liên quan đến tài chính và kế toán. Việc thực hiện các dự án liên quan đến ODA, cùng việc đánh giá kết quả thực hiện, cũng như có các kiến nghị thay đổi nếu cần thiết, đều được hai cơ quan này phối hợp rất hiệu quả. “Trái tim” của Văn phòng Kinh tế Kế hoạch là Bộ phận lập Kế hoạch kinh tế. Bộ phận này tập hợp những nhân sự có trình độ và dày dặn kinh nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến ODA. Bộ phận này còn đóng vai trò là Ban thư ký Chương trình Viện trợ kỹ thuật nước ngoài của Malaysia, cố vấn cho Uỷ ban Đầu tư nước ngoài.

Trong việc phân cấp quản lý ODA, Malaysia có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý. Giữa các cơ quan này có sự phối hợp chặt chẽ và có chung một quan điểm là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các ban quản lý dự án để thực hiện các dự án đúng tiến độ, áp dụng các thủ tục trình duyệt nhanh gọn nhằm giảm bớt phí cam kết. Những hợp phần nào trong dự án khó thực hiện, Chính phủ Malaysia chủ động đề nghị với nhà tài trợ hủy bỏ hợp phần đó.

Hiện nay, Malaysia áp dụng khá thành công công nghệ thông tin trong công tác theo dõi, giám sát các cơ quan liên quan đến quản lý vốn ODA bằng cách đưa toàn bộ các đề nghị thanh toán lên mạng. Nhờ cách quản lý minh bạch như vậy, nên Malaysia trở thành một trong những “điểm sáng” về chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc phân cấp tốt trong quản lý tài chính cũng là một lý do tạo nên sự thành công của Malaysia trong việc thu hút, quản lý và sử dụng ODA. Những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án tại Malaysia cũng được giải quyết ngay tại các bang, do ban công tác phát triển bang và hội đồng phát triển quận, huyện xử lý, chứ không phải trình lên tận Chính phủ, hay các bộ chủ quản. Sự phân cấp này trong quá trình thực hiện dự án sẽ giúp cho tiến độ dự án không bị ngưng trệ vì chờ phê duyệt. Các đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với chủ dự án khi có bất cứ sai sót nào xảy ra trong quá trình thanh tra. Phân chia quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng như vậy không những nâng cao hiệu quả của đồng vốn ODA, mà còn giúp nâng cao trình độ quản lý của các cán bộ ở cấp địa phương.

Bên cạnh đó, còn những nguyên nhân khác dẫn tới thành công trong quản lý và sử dụng ODA ở Malaysia. Đó là:

 - Sự phối hợp giữa nhà tài trợ và nước nhận viện trợ trong trong hoạt động kiểm tra, giám sát các dự án ODA, mà nội dung đánh giá tập trung chủ yếu vào việc so sánh hiệu quả của dự án với kế hoạch, chính sách và chiến lược, nâng cao công tác thực hiện và chú trọng vào kết quả.

- Có sự tham gia của khu vực tư nhân vào thực thi dự án đặc biệt trong các dự án kết cấu hạ tầng, năng lượng và công nghiệp.

- Đặc biệt là văn hóa chịu trách nhiệm của các cán bộ quản lý ở Malaysia.

Công tác quản lý và sử dụng ODA ở Indonesia

  Sau ba thế kỷ rưỡi dưới ách đô hộ của thực dân Hà Lan, Indonesia đã giành được độc lập vào ngày 17/8/1945. Cũng giống như Malaysia, Indonesia bắt đầu công cuộc xây dựng kinh tế từ nghèo đói và lạc hậu. Ngay từ giai đoạn 1965-1998, Indonesia đã nhận được các khoản đầu tư lớn của các nhà đầu tư nước ngoài và khoản vay lớn từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA tại Indonesia bị đánh giá là không hiệu quả. Điển hình là việc sử dụng và quản lý ODA trong lĩnh vực hạ tầng. Mặc dù chiếm phần lớn tổng vốn ODA vào Indonesia, nhưng đến nay, kết cấu hạ tầng ở Indonesia vẫn còn yếu kém. Một nguyên nhân không thể không nói tới là nạn tham nhũng hoành hành ở Indonesia.

  Để thay đổi tình hình, khắc phục được hạn chế, từ đầu những năm 2000, Indonesia cũng điều chỉnh về quy trình thu hút, sử dụng và quản lý ODA như sau:

  - Hàng năm các bộ, ngành chủ quản phải lập danh mục các dự án cần hỗ trợ ODA, gửi đến Bộ Kế hoạch quốc gia (BAPPENAS) để tổng hợp. Bộ Kế hoạch quốc gia thường có quan điểm độc lập với bộ chủ quản, dựa trên lợi ích tổng thể của quốc gia để xem xét, thẩm định các dự án ODA. Đến nay, rất nhiều dự án bị Bộ Kế hoạch quốc gia từ chối, đã thể hiện rõ tính độc lập, chủ quyền của Indonesia trong quan hệ quốc tế. Ngay cả địa điểm ký các dự án ODA cũng thay đổi. Nếu trước đây thường ký tại Hoa Kỳ (trụ sở của WB) hoặc Philippines (trụ sở của ADB), thì đến nay hầu hết các dự án đều được ký tại Jakarta để tránh việc đoàn đàm phán của Indonesia bị đối tác nước ngoài gây ảnh hưởng.

- Việc thuê các luật sư giỏi để tư vấn cho Chính phủ trong quá trình đàm phán, thu hút và sử dụng ODA đang ngày càng trở thành xu hướng phổ biến ở Indonesia, nhất là đối với các dự án ODA có sử dụng vốn vay lớn.

  - Chính phủ Indonesia tuyên bố nguyên tắc chỉ vay tiếp dự án mới khi đã thực hiện xong dự án cũ, thể hiện rõ quyết tâm sử dụng thật sự hiệu quả và giải ngân đúng tiến độ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh nguyên tắc, vay ODA phải đảm bảo độ an toàn cao. Đối với các dự án ODA có sử dụng vốn lớn, yêu cầu phải có chuyên gia tư vấn là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo tính hiệu quả của dự án.

  - Bộ Tư pháp Indonesia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút, quản lý và sử dụng các dự án ODA, vì Bộ Tư pháp là cơ quan đưa ra ý kiến về pháp lý đối với các dự thảo Hiệp định vay vốn nước ngoài. Mục đích của cơ chế điều phối này là tránh sự trùng lặp trong hoạt động hợp tác.

  Tháng 12/2003, để khắc phục tình trạng tham nhũng, Chính phủ Indonesia đã huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn ODA. Indonesia đã thành lập Uỷ ban quốc gia về chống tham nhũng, ngân sách hoạt động chủ yếu do Nhà nước cấp, ngoài ra còn thu hút được sự quan tâm tài trợ của nhiều đối tác nước ngoài thông qua PGRI (Quan hệ đối tác trong lĩnh vực cải cách quản trị quốc gia Indonesia). 

Và, những kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

  Trên cơ sở nghiên cứu hai 2 quốc gia Indonesia và Malaysia, tác giả xin đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam trong thu hút, quản lý và sử dụng ODA. Cụ thể là:

Thứ nhất, đảm bảo tính chủ động trong tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA: Indonesia đã từng phải trả giá cho những hạn chế trong nhận thức về tiếp nhận ODA, từ đó dẫn đến hai xu hướng tiêu cực: (1) Để cho các đối tác nước ngoài thông qua các dự án ODA áp đặt các điều kiện tiên quyết nhằm gián tiếp hoặc trực tiếp gây ảnh hưởng tới công việc nội bộ của quốc gia; (2) Chấp nhận cả những dự án ODA không có tính khả thi, dẫn đến tăng nợ nước ngoài mà không đem lại lợi ích gì cho đất nước. Đây thực sự là điều đáng phải chú ý vì thực tế ở nước ta hiện nay cũng có lúc, có nơi do yếu kém về nhận thức hoặc do các nguyên nhân khác đã chạy đua “xin” dự án ODA bằng mọi giá.

  Bên cạnh đó, cần tăng cường tính chủ động trong tiếp nhận ODA. Thực chất vốn ODA là sự ưu đãi của đối tác nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế dành cho các nước có nền kinh tế kém phát triển hơn, vì thế nước tiếp nhận viện trợ cũng có thể mạnh dạn đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản không hợp lý và đi ngược lại lợi ích của quốc gia.

Thứ hai, có cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ các dự án ODA: Từ thực tiễn quản lý ODA ở Malaysia và Indonesia, việc thu hút ODA không khó bằng việc quản lý và sử dụng hiệu quả ODA. Nếu không có cơ chế quản lý và giám sát nghiêm ngặt đối với các dự án ODA, thì sẽ dẫn đến tình trạng dự án chậm tiến độ, sử dụng nguồn vốn lãng phí, tình trạng tham nhũng xuất hiện và chất lượng các dự án ODA không cao.

  Công tác quản lý, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, liên tục qua hình thức kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý; phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và điều ước quốc tế về ODA.

  Đánh giá dự án có thể được tiến hành vào các thời điểm khác nhau của dự án như đánh giá ban đầu được tiến hành ngay sau khi bắt đầu thực hiện dự án; đánh giá giữa kỳ vào giữa thời gian thực hiện chương trình, dự án; đánh giá kết thúc tiến hành ngay sau kết thúc dự án và đánh giá tác động tiến hành trong vòng 3-5 năm kể từ ngày đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Thêm vào đó, việc đánh giá dự án phải được tiến hành bởi các chuyên gia độc lập được thuê tuyển, có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết.

  Kiểm toán là một công việc quan trọng để tăng tính giải trình, tính công khai và minh bạch của chủ đầu tư, ban quản lý dự án để xem xét việc sử dụng vốn ODA có tuân thủ những quy định về mua sắm công, định mức chi phí quản lý dự án... hay không?

Thứ ba, tăng cường công tác phân cấp trong quản lý ODA: Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của cả hai nước Malaysia và Indonesia về việc huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (xã hội dân sự) vào quá trình thu hút, quản lý và sử dụng ODA (cụ thể là thu hút sự tham gia của các viện nghiên cứu). Thêm vào đó, việc phân cấp quản lý phải có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý để mỗi cấp quản lý thấy được nghĩa vụ và quyền lợi, cũng như dám chịu trách nhiệm trước những sai sót do mình gây ra.

Thứ tư, thận trọng tiếp nhận các nguồn vay ODA: Bài học kinh nghiệm của Malaysia cho thấy, nước này chỉ vay ODA cho các dự án thật sự cần thiết, có mục tiêu đã được xác định là ưu tiên và ngân sách trong nước không huy động được. Mặt khác, cần tăng cường năng lực các cơ quan của Chính phủ trong việc quản lý các nguồn ODA, từ khâu thu hút đến khâu sử dụng, tuyệt đối tránh tham nhũng, lãng phí, bởi ODA cũng là một nguồn của ngân sách nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2013). Nghị định 38/2013/NĐ-CP, ngày 23/4/2013 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ

2. Vũ Thị Kim Oanh (2002). Những giải pháp chủ yếu nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội

3. Uông Chu Lưu (2006). Báo cáo khảo sát về hệ thống pháp luật và tư pháp tại một số nước, Nxb Tư pháp, Hà Nội

4. Tôn Thanh Tâm (2002). Kinh nghiệm của các nước và bài học đối với Việt Nam về quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Tạp chí Ngân hàng, số 1+2/2002