Thu nhập thấp có mua được nhà?

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được công bố để lấy ý kiến góp ý, Bộ Xây dựng đề cập đến việc thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, huy động vốn và cho vay phát triển nhà ở. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở nên cân nhắc.

  Thu nhập thấp có mua được nhà?
Một khu chung cư dành cho người thu nhập thấp tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet

Không khả thi?

Theo Bộ Xây dựng, nguồn vốn hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở thông qua nhiều kênh, gồm vốn tự có của chủ sở hữu tham gia thành lập, vốn đóng góp tiết kiệm hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay từ ngân hàng tiết kiệm nhà ở, vốn hỗ trợ từ Nhà nước (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Mục đích sử dụng vốn của ngân hàng tiết kiệm nhà ở là cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia đóng góp tiết kiệm tại ngân hàng vay để mua, cải tạo, sửa chữa nhà ở và mua trái phiếu chính phủ trong trường hợp vốn nhàn rỗi. Theo đó, khách hàng sẽ được vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại trong thời gian 10-15 năm hoặc lâu hơn.

Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng tổ chức, sắp xếp lại, sáp nhập, hợp nhất, hướng đến mục tiêu giảm số lượng ngân hàng thương mại trong nền kinh tế. Do vậy, việc phát triển thêm các ngân hàng chỉ làm rườm rà hệ thống. Đồng thời, các ngân hàng thưng mại trong hệ thống đang có rất nhiều sản phẩm ưu đãi cho vay mua nhà hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất rất cạnh tranh.

TS. Trần Du Lịch,
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tuy nhiên, khi đề xuất thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở được đưa ra, một số chuyên gia cho rằng không cần thiết, bởi lẽ hiện nay các ngân hàng không thiếu các sản phẩm tích lũy mua nhà, như OceanBank với sản phẩm Tích lũy an cư, chỉ cần gửi góp hàng tháng số tiền từ vài triệu đồng, sau vài năm, người dân có thể tính chuyện mua nhà. Hay chỉ cần tham gia Liên minh hợp tác xã, người dân có thể gửi góp tiền hàng tháng, được quy thành điểm để có số thứ tự ưu tiên mua nhà…

Và ngay hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã có ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng (VNBC). Như vậy, thành lập thêm ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ thừa.

Thực tế cách đây 4 năm, Bộ Xây dựng đã đề xuất thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở trình lên Chính phủ và dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2013.

Theo đó, người dân đóng 1% mức lương hàng tháng vào quỹ. Vấn đề là người đã có nhà sẽ không đóng góp, trong khi người chưa có nhà thường là đối tượng có thu nhập thấp, mức đóng góp không cao. Nếu quỹ được thực thi cũng phải mất rất nhiều năm người dân mới có thể mua nhà. Vì thế đến nay quỹ này vẫn còn nằm trên… giấy.

Nay Bộ Xây dựng lại đề xuất thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở liệu có khả thi? Hơn nữa, với ngân hàng tiết kiệm nhà ở, người dân không được vay ngay mà phải qua quá trình ít nhất 3 năm với mức tiết kiệm 50-70% số tiền dự định vay mới có thể vay được tiền. Điều kiện này còn khắt khe hơn vay vốn từ các ngân hàng thương mại.

Thêm vào đó, thu nhập người dân hiện nay vẫn ở mức trung bình thấp, trong khi chi phí đời sống khá cao. Thí dụ tổng thu nhập 2 vợ chồng 15 triệu đồng/tháng, chi tiêu cho cuộc sống khoảng 10 triệu đồng, mỗi tháng có thể dôi dư 5 triệu đồng.

Như vậy sẽ không ai đem tất cả số tiền này gửi vào ngân hàng tiết kiệm nhà ở trong nhiều năm liền, vì còn để phòng thân, đó là chưa kể đến mức lãi suất huy động của ngân hàng này dự kiến chỉ 3-5%/năm. Trong khi đó, hiện nay nhiều ngân hàng đang triển khai các chương trình tiết kiệm tích lũy để khách hàng dễ dàng gửi tiền để dành hàng tháng với lãi suất cao. Dù vậy theo tiết lộ của nhiều ngân hàng, lượng vốn huy động từ tiết kiệm tích lũy không đáng là bao và số lượng khách hàng tham gia không nhiều.

Nên tập trung giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm, giao cho các ngân hàng thương mại thực hiện. Nhưng đến nay, sau gần 5 tháng, gói 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được 555 tỷ đồng trên 1.654 tỷ đồng đã cam kết, chưa bằng 2% tổng nguồn vốn dự kiến.

Các ngân hàng cho rằng tốc độ giải ngân chậm bởi trong quá trình cho vay phát sinh nhiều vấn đề như thủ tục xác nhận nhà ở khó khăn, năng lực trả nợ của khách hàng còn hạn chế và đáng chú ý là quỹ nhà đáp ứng điều kiện cho vay theo quy định của Bộ Xây dựng không có nhiều. Với hàng loạt ý tưởng đề ra nhưng làm chưa tới, Bộ Xây dựng đã khiến không ít người dân thất vọng với ước mơ sở hữu một căn hộ. Vì thế, việc bộ này tiếp tục đề xuất thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối là điều không có gì bất thường.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, thay vì đưa ra những ý tưởng xa vời, khó thực thi, Bộ Xây dựng nên hướng đến việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, như cho phép điều chỉnh quy mô căn hộ, loại hình dự án, ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội để cơ hội sở hữu nhà ở của người dân thiết thực hơn.

Trước đây, khi Bộ Xây dựng đề xuất thành lập ngân hàng Xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng rất khó và Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định không đồng ý, bởi các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đều có hoạt động huy động và cho vay mua nhà, không cần thêm một ngân hàng chỉ chuyên hoạt động một lĩnh vực như vậy.

Thế nhưng, cuối cùng VNBC cũng ra đời khi TrustBank - 1 trong 9 ngân hàng yếu kém bị buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước - đã tiến hành tái cơ cấu thông qua việc bán hơn 84% cổ phần cho nhà đầu tư trong nước và đổi tên thành VNBC.

Vậy đã có VNBC, tại sao phải thành lập thêm ngân hàng tiết kiệm nhà ở? Nếu thực sự muốn người dân được vay mua nhà, Bộ Xây dựng có thể yêu cầu hỗ trợ cũng như phối hợp cùng VNBC để phát triển các sản phẩm huy động, cho vay mua nhà, thay vì thành lập thêm một ngân hàng mới. Còn trong thời điểm này, Bộ Xây dựng nên tập trung giải ngân gói 30.000 tỷ đồng để người dân có thể sở hữu nhà ở.