Thực hư cơn sốt đất tăng giá đến 1 tỷ đồng/m2 tại trung tâm TP. Đà Lạt

Theo Chu Ký/nhadautu.vn

Sau khi chính quyền phê duyệt "Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình", "cò" đất đã đẩy giá đất tại trung tâm TP. Đạt Lạt lên đến 1 tỷ đồng/m2.

 Một góc của tuyến đường Lê Đại Hành và Nguyễn Thị Minh Khai tại phường 1, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Một góc của tuyến đường Lê Đại Hành và Nguyễn Thị Minh Khai tại phường 1, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

"Cò đất" đẩy giá, đất tại trung tâm Đà Lạt lên 1 tỷ đồng/m2

Thời gian gần đây, giá đất tại trung tâm TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) liên tục tăng đột biến. Nếu như cách đây 5 năm, giá mỗi m2 đất chỉ từ 30-40 triệu đồng thì nay đã tăng dao động từ 150-300 triệu đồng/m2.

Giá đất Đà Lạt bị cò "hét giá" lên 1 tỷ đồng/m2

Đặc biệt, sau khi UBND TP. Đà Lạt đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt "Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt" vào ngày 15/3/2019, giá đất tại đây còn được "cò" đất "thổi" giá lên đến 1 tỷ đồng/m2.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, khu vực quy hoạch nói trên có diện tích khoảng 30 ha (thuộc phường 1, TP. Đà Lạt), với phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường 3/2, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước gần cầu Ông Đạo (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản).

Thực tế hiện trên các mạng xã hội và một số sàn giao dịch bất động sản tại TP. Đà Lạt, giá đất rao bán vẫn chỉ dao động ở mức từ 150-300 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá đất nầy vẫn được nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng là tăng rất cao so với thời gian khoảng 5 năm trước.

Nguyên nhận của việc đất tại các khu trung tâm TP. Đà Lạt đang có dấu hiệu bị "thổi phồng" giá quá mức là bởi "cò" đất. Giá đất cao gấp 3-4 lần so với giá trị giao dịch thực tế. Có trường hợp những mảnh đất ở vị trí đắc địa được rao bán lên đến 1 tỷ đồng/m2. Chính việc đồn thổi này đã dẫn đến những biến động trong hoạt động mua bán, sang nhượng nhà đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản tại TP. Đà Lạt.

Thực hư giá đất bị "cò thổi phồng"

Để biết thực hư về hiện tượng này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thảo - một người chuyên kinh doanh về bất động sản tại TP. Đà Lạt, hiện tại người này cũng đang rao bán khu đất có diện tích 115 m2, trên đường Nguyễn Chí Thanh, phường 1, Thành phố Đà Lạt với giá 23 tỷ đồng (tương đương 200 triệu/m2).

Về những khu đất nằm tại trung tâm Đà Lạt như đường Phan Bội Châu, Bùi Thị Xuân… có giá lên đến 1 tỷ đồng/m2, ông Thảo khẳng định đó chỉ là những tin đồn của một số "cò" đất, cũng như việc "hùa" theo của một số người dân sinh sống tại các khu vực đó nhằm thổi giá để thu hút các nhà đầu tư.

"Thực tế giá đất vẫn chỉ giao động từ 200-300 triệu/m2. Nếu, có tăng chỉ tăng nhẹ, chỉ trừ một số khu đất đất có vị trí đặc biệt được "hét giá" từ 400-500 triệu đồng/m2 nhưng rất hiếm có người giao dịch", người đang ông nói.

Tại buổi giao ban báo chí định kỳ tháng 6/2019, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết "Giá đất tại trung tâm TP. Đà Lạt được đồn thổi lên đến 1 tỉ đồng/m2 là điều vô cùng phi lý, không có căn cứ. Cơn sốt ảo giá đất này rất tai hại và gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư khi muốn vào Đà Lạt tìm cơ hội sản xuất - kinh doanh...".

Cũng tại đây, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng cho hay, việc này được Tỉnh ủy rất quan tâm và chỉ đạo các sở - ngành liên quan như: Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Trung tâm Phát triển nhà đất Đà Lạt... vào cuộc rà soát, tìm hiểu để đề xuất cụ thể lên UBND tỉnh Lâm Đồng có hướng chấn chỉnh và sớm thông tin rộng rãi cho người dân.

Ngoài ra, liên quan đến việc điều chỉnh giá đất, ông Nguyễn Minh Thuần, Phụ trách Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho hay giá đất không thể dễ dàng bị thay đổi trước những thông tin đồn thổi của các đối tượng "cò" đất được lan truyền trên truyền thông gần đây.

Bởi, mỗi địa phương đều có một bảng giá đất và một bảng hệ số điều chỉnh giá đất, các thông số này đều được cập nhật hàng năm theo biến động của thị trường. Bảng giá đất được xem là bản lề, giá gốc để thị trường công nhận và đưa ra mức giá giao dịch cụ thể.

Cũng theo ông Thuận, để điều chỉnh được bảng giá đất phải có 2 yếu: Thứ nhất, giá đất phổ biến trên thị trường phải tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất. Thứ hai, sự thay đổi này phải diễn ra liên tục trong 180 ngày trở lên. Ngoài ra, giá đất cũng có thể được thay đổi trong trường hợp có sự điều chỉnh về quy hoạch.