Thực thi Luật Thủ đô đã đủ nghiêm?

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Luật Thủ đô quy định khu vực nội đô được xác định hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm đi vào thực hiện, dường như vấn đề thực thi Luật vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo quy hoạch, 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn gánh trách nhiệm hút dân số, chia sẻ gánh nặng dân với trung tâm. . Nguồn: Internet
Theo quy hoạch, 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn gánh trách nhiệm hút dân số, chia sẻ gánh nặng dân với trung tâm. . Nguồn: Internet

Mới đây, Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô cho biết tỷ lệ đất dành cho giao thông của Tp. Hà Nội nói chung còn quá thấp, tính đến năm 2018 mới chỉ đạt 8,65% diện tích đất đô thị (thế giới khoảng 25%). Bên cạnh đó, tốc độ tăng dân số luôn tăng cao hơn rất nhiều tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm.

Trung tâm vẫn bị áp lực

Báo cáo nêu rõ các quận như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Cầu Giấy có mật độ dân số cao nhất, trung bình đều trên 30.500 người/ km2. Điều này đã gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Theo Luật quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú.

Song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận trong thời gian qua những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng; tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.

Đơn cử, ở một số quận như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, nhiều dự án nhà cao tầng đã và đang được triển khai xây dựng như: Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp tại Liễu Giai, Đội Cấn; Tổ hợp trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tại trung tâm triển lãm Láng Hạ; Tòa nhà Hồng Kông Tower – Đê La Thành; Tổ hợp văn phòng cho thuê, căn hộ tại Vietronic – Nguyễn Chí Thanh; các dự án xây dựng trên nền đất của các CTCP Đầu tư xây dựng số 7, CTCP Bánh kẹo Hải Châu…

Trên đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các công ty như Cao su Sao Vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội…, nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.

Đặc biệt, theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, việc đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm. Nguyên nhân là do tiến độ di dời chậm, quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô.

Thực thi Luật Thủ đô đã đủ nghiêm? - Ảnh 1

5 đô thị vệ tinh chưa thu hút được dân từ trung tâm ra

Kỳ vọng đô thị vệ tinh

Liên quan đến vấn đề này, PGs.Ts Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, cho biết mục tiêu quan trọng khi quy hoạch các đô thị vệ tinh của Hà Nội là giãn dân nội đô sang các đô thị này.

Thậm chí khi quy hoạch, các nhà quản lý đã tính toán các đô thị vệ tinh cách trung tâm thành phố khoảng 25- 30km để đảm bảo tính độc lập tương đối của các đô thị này và cũng đáp ứng được các hoạt động hỗ trợ các phương tiện giao thông công cộng.

“Thực trạng là nội đô Hà Nội đang lâm vào quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề”, bà Thục đánh giá.

Trước đó, tại một phiên họp HĐND, UBND Tp. Hà Nội cho rằng do nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố khách quan như thiếu nguồn lực phát triển, nên việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều hạn chế.

Cũng liên quan đến vấn đề này, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chỉ rõ sở dĩ việc triển khai các đô thị vệ tinh vẫn trong tình trạng “trên giấy” là do các đô thị vệ tinh chưa đủ sức hấp dẫn.

Theo quy hoạch, 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn gánh trách nhiệm hút dân số, chia sẻ gánh nặng dân với trung tâm. Tuy nhiên, 5 đô thị này không làm được hệ thống kết nối, hạ tầng, không có dân cư sinh sống nên không thể thu hút dân từ trung tâm ra.

“Cần có các chính sách xây dựng 5 đô thị vệ tinh, trước hết là hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng, để người dân thấy sống ở đó hạnh phúc, tin tưởng, cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn thì mới có thể hút dân về đó sinh sống, giảm áp lực về giao thông, về nhà ở cho nội đô”, ông Tùng nhấn mạnh.

Trước đó, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 khu đô thị vệ tinh của Tp. Hà Nội trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong số 25 đồ án quy hoạch phân khu trong các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, Hà Nội đang tiến hành lập đồ án, dự kiến trong năm 2019 sẽ hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt khoảng 50% số lượng các đồ án, tỷ lệ 1/2.000 để thực hiện triển khai các quy hoạch chung đô thị vệ tinh.