Dự thảo Thông tư quy định Cấp chứng chỉ môi giới bất động sản:

“Thước đo” đảm bảo tính chuyên nghiệp nghề môi giới bất động sản

Theo Kim Thoa/baoxaydung.com.vn

(Tài chính) Dự thảo Thông tư Quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (BĐS) vừa được Bộ Xây dựng gửi đi lấy ý kiến đã nhận được nhiều hưởng ứng tích cực từ phía thị trường, người dân cũng như doanh nghiệp. Với nhiều điểm mới, các chuyên gia cho rằng, Thông tư sẽ là thước đo năng lực, hạn chế được những bất cập và đảm bảo tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường theo Luật Kinh doanh BĐS 2014.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Môi giới BĐS phải thông qua kỳ thi

Trong quá khứ, những hạn chế về cơ chế quản lý đã khiến nghề môi giới BĐS nở rộ như nấm mọc sau mưa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính minh bạch, chuyên nghiệp của thị trường. Để giải quyết thực tế này, Bộ Xây dựng đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách phù hợp, trong đó có Dự thảo Thông tư Quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS nhằm đảm bảo tính thống nhất theo Luật Kinh doanh BĐS vừa được Quốc Hội thông qua.

Dự thảo Thông tư Quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.

Theo dự thảo, để hành nghề môi giới BĐS, cá nhân phải thông qua một kỳ thi sát hạch.Về điều kiện dự thi, người đăng ký dự thi sát hạch để cấp chứng chỉ môi giới bất động sản phải có đủ các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có lý lịch rõ ràng; Có bằng trung học phổ thông trở lên; Có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản (nếu có); Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ và phí dự thi theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Trong kỳ thi, người dự thi phải thi sát hạch 5 môn bao gồm: Pháp luật về đất đai, về nhà ở, về đầu tư, về kinh doanh bất động sản; Thị trường bất động sản; Đầu tư kinh doanh bất động sản; Tổng quan về dịch vụ môi giới bất động sản; Quy trình và kỹ năng môi giới bất động sản. Trường hợp đã có giấy chứng nhận hoàn thành khoá học bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản thì chỉ sát hạch một môn về pháp luật (pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS). Và để đạt yêu cầu, những môn thi phải đạt từ 5 (năm) điểm trở lên chấm theo thang điểm 10 (mười) hoặc từ 50 (năm mươi) điểm trở lên chấm theo thang điểm 100 (một trăm).

Dự thảo cũng quy định, Hội đồng thi sẽ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thành lập và dự kiến, mỗi năm sẽ tổ chức ít nhất một kỳ thi.

Đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ

Sau khi tham dự kỳ thi, người dự thi phải có đủ số môn thi đạt yêu cầu sẽ đủ điều kiện được Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Theo quy định nêu tại Điều 21 và Điều 22 của Dự thảo, chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản sẽ được trao trực tiếp cho người được cấp chứng chỉ và không được cấp lại. Trường hợp bị mất, bị rách, bị cháy… thì được cấp giấy xác nhận đã cấp chứng chỉ, giấy xác nhận này có giá trị pháp lý để đăng ký và hành nghề môi giới BĐS.

Do vậy, để hạn chế rủi ro, người được cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản phải chấp hành các quy định được nêu tại khoản 4 của điều này: “a) Không được sửa chữa, tẩy xóa lên bề mặt hoặc nội dung của Chứng chỉ; b) Không được cho thuê, cho mượn hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng tên và Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản của mình để thực hiện các hoạt động liên quan đến hành nghề môi giới bất động sản; c) Không được sử dụng vào các mục đích khác mà pháp luật không quy định”.

Dự thảo cũng quy định, các cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản sẽ phải đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Đối với điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản, Điều 28 của Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ: “1. Sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đã được đào tạo về quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản; 2. Sàn giao dịch bất động sản là doanh nghiệp hoặc là đơn vị thuộc doanh nghiệp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp để hoạt động; Về cơ sở vật chất: diện tích sử dụng của sàn giao dịch phải từ 50m2 trở lên và có đủ trang thiết bị phù hợp để hoạt động kinh doanh”.

Đại diện một sàn giao dịch BĐS tại Lê Văn Lương (Nam Từ Liêm – Hà Nội) cũng cho biết: Việc áp dụng kỳ thi để cấp chứng chỉ môi giới BĐS sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm loại bỏ những “cò đất”, những sàn giao dịch bất động sản thiếu chuyên nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Dự thảo Thông tư cũng sẽ là “lá chắn” giúp ngăn chặn nguy cơ gây sốt ảo về giá nhà đất trên thị trường như thời gian trước đây.

Để kịp thời cho Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực từ 1/7 tới đây, hiện Bộ Xây dựng đang cho tiếp thu lấy ý kiến của các Bộ, ngành về Dự thảo Thông tư Quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Với nhiều quy định chặt chẽ, kỳ vọng dự thảo sẽ là thước đo năng lực, tính chuyên nghiệp và hạn chế được những yếu điểm, tạo đà cho thị trường BĐS phát triển bền vững.