Tiền chênh trên thị trường bất động sản không còn "khủng" như trước đây?

Theo kinhdoanhnet.vn

(Tài chính) Đó là nhận định của ông Vũ Kim Giang Giám đốc sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Thái Minh Quang. Theo đó, ông Giang cho biết: Các dự án hiện nay trên thị trường đều có tiền chênh. Tuy nhiên, mức độ giá chênh không còn quá cao như trước đây. Nguyên nhân là do các sản phẩm bán trong thời điểm này đều có giá gốc gần sát với giá thị trường. Thế nên khi mua đi bán lại thì nó cũng chỉ chênh lên một chút để tạo tính thanh khoản. Thông thường, các dự án chỉ chênh lên khoảng 10% so với giá trong hợp đồng.

Tiền chênh trên thị trường bất động sản không còn "khủng" như trước đây?
Các dự án hiện nay trên thị trường đều có tiền chênh. Nguồn: internet

Vào thời điểm cuối năm, nhiều dự án chung cư ở Hà Nội đồng loạt “bung” hàng hoặc bán vét những căn hộ cuối cùng. Điều này khiến nhiều dự án có giá “chênh” cũng phải hạ nhiệt để "đẩy" hàng... Tại quận Hoàng Mai, một số dự án vốn nổi tiếng về giá chênh “khủng” đến hàng trăm triệu đồng mỗi căn hộ này cũng đã giảm nhiệt. Khi giá gốc phổ biến ở mức 14 - 15,5 triệu đồng/m2 thì giá chênh hiện chào bán trên thị trường cũng chỉ còn 20- 80 triệu đồng/căn.

Hàng loạt dự án khác cũng được bán vét hoặc tiếp tục mở bán để “hút” khách cuối năm như: Dự án Gemek Tower ở góc đường Đại lộ Thăng Long và Lê Trọng Tấn (Hà Đông) do Geleximco làm chủ đầu tư cũng vừa được mở bán với mức giá từ 13,1 triệu đồng/m2. Hay một số căn hộ thuộc dự án The one Residence của Gamuda Land Việt Nam (Hoàng Mai) cũng được tung ra thị trường với mức giá từ 988 triệu đồng/căn.

Tại quận Hà Đông, rất nhiều dự án trước đó đều thuộc phân khúc cao cấp nhưng đến khi mở bán nhiều chủ đầu tư đã phải đổi hướng xây dựng sản phẩm chỉ thuộc phân khúc bình dân, với giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, như: The Sparks Dương Nội, Văn Phú Victoria, hay HP Landmark Tower…

Dự án chung cư New Skyline tại Khu đô thị Văn Quán cũng đang được bán với mức giá 20,8 triệu đồng/m2. Hay những căn hộ cuối cùng của dự án Ellipse Tower nằm ngay mặt đường Quang Trung, đã xây xong thô cũng đang được bán với giá từ 18 triệu đồng/m2.

Mới đây, thị trường căn hộ bình dân sôi động hẳn lên khi một dự án tại Linh Đàm mở bán, với mức giá từ 13 triệu đồng/m2, được coi là hàng "hot" khu vực này. Tuy nhiên, trái ngược với cảnh xếp hàng chen lấn và mua chênh lên tới cả trăm triệu đồng như các dự án mở bán trước đó, mức giá chênh của dự án này có phần hạ nhiệt. 

Ghi nhận tại một sàn BĐS, mức chênh trung bình của dự án trên vào khoảng 30-50 triệu đồng/căn; đáng chú ý có những căn chỉ chênh từ 5-10 triệu đồng, thậm chí có nhân viên môi giới chào giá chỉ chênh 2 triệu đồng. Đây là mức giá chênh thấp kỷ lục, bởi ba tòa ngay bên cạnh chào bán cách đây ít tháng, mức giá chênh trung bình lên tới 50-100 triệu đồng. Một dự án khác cùng chủ đầu tư cũng tại Linh Đàm có mức chênh khoảng 200 triệu đồng ngay lúc mở bán, thậm chí có thời điểm lên tới 400 triệu đồng/căn.

Liên quan đến việc giá chênh một số dự án đã giảm nhiệt hơn thời gian trước, trao đổi với PV, ông Vũ Kim Giang, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Thái Minh Quang cho biết, tiền chênh trên thị trường trong thời gian vừa qua hầu hết không phải do nhà phân phối dự án đưa ra mà do quá trình mua đi bán lại trên thị trường. Ví dụ như dự án 283 Khương Trung, sở dĩ dự án này có mức chênh cao là do nó được bán cho cả những người là cán bộ được suất "ưu tiên", những người này được mua ưu đãi với giá gốc rất thấp. Sau đó, có thể do họ không có nhu cầu nên bán lại với giá của thị trường, từ đó giá chênh cũng theo đó mà hình thành.

Cũng theo ông Giang, nhiều dự án hiện nay trên thị trường đều có tiền chênh. Tuy nhiên, mức độ giá chênh của nó không quá cao như trước đây. "Nguyên nhân là do các sản phẩm bán trong thời điểm này đều có giá gốc nó đã gần sát với giá thị trường. Thế nên khi người ta mua đi bán lại trong một khoảng thời gian thì nó cũng chỉ chênh lên một chút để tạo tính thanh khoản cho thị trường. Thông thường, các dự án chỉ chênh lên khoảng 10% so với giá trong hợp đồng" - ông Vũ Kim Giang phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Toàn, Quản lý dự án tại Công ty môi giới bất động sản 24H lại cho rằng: Giá chênh giảm do giới đầu tư lúc đầu vào thị trường đã đua nhau “đẩy” dự án lên một mức giá khá cao, đến khi thị trường trầm lắng, nhu cầu mua giảm thì buộc giá chênh trên thị trường phải giảm. “Nếu dự án cứ giữ giá chênh cao sẽ khó bán khi nhu cầu thì không nhiều, các nhà đầu cơ cần thu hồi vốn nên phải giảm giá chênh. Hơn nữa, dù thị trường hiện nay có tốt hơn 1 năm trước nhưng tại thời điểm này nhu cầu thực cũng không có nhiều, các nhà đầu tư chủ yếu làm giá với nhau”, ông Toàn cho hay.

Song, theo vị này, nhà đầu cơ hiện cũng cầm chừng, chỉ đánh sóng vào một số dự án nhà thương mại giá rẻ mà người mua ở thực khó tiếp cận trực tiếp được từ chủ đầu tư mà phải mua qua các nhà đầu cơ. “Cả năm nay giao dịch cũng tốt hơn năm trước nhưng không phải do nhu cầu đầu cơ mà do việc vay vốn ngân hàng dễ hơn. Người dân có thể bỏ ra khoảng 200 triệu đồng có thể mua được căn hộ khoảng 1 tỷ đồng, số còn lại vay ngân hàng và trả dần hàng tháng. Tuy nhiên, mức độ mua nhà có tăng hơn trước nhưng thời điểm này nhu cầu thực lại ít hơn”, ông Toàn cho biết thêm.

Trước đó, nhận định về phân khúc chung cư, bà Ngô Thị Hương Giang, Quản lý cao cấp bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills cho rằng: Những dự án có tiến độ xây dựng tốt, vị trí thuận lợi và chủ đầu tư uy tín vẫn tiếp tục bán hàng tốt. Số lượng giao dịch tăng mạnh, số lượng dự án chào bán cũng tăng, giá bán không giảm mà bắt đầu xu hướng ổn định, thậm chí còn có dự án tốt giá bán còn tăng lên.