Tiền đang chảy về “siêu Tổng công ty”

Theo VnEconomy

Rót vốn và sinh sôi, “siêu tổng công ty” đang đón những dòng chảy lợi nhuận và những khoản giá trị đầu tư lớn lên trông thấy.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang tạo sự khác biệt: đều đặn cập nhật kết quả kinh doanh và thông tin cụ thể tình hình các dự án. Khác biệt, bởi từ trước đến nay các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty lớn, không có thói quen đó.

Tất nhiên, sự chủ động có thể xét đến đặc thù hoạt động của “siêu tổng công ty” và có động lực để công bố. Ở thời điểm này, với SCIC là những khoản vốn đang sinh sôi, những kế hoạch đầu tư tự tin.

Đã có dáng dấp một nhà đầu tư lớn

Phải mất ba năm kể từ ngày ra đời, một vế hoạt động của SCIC (bên cạnh đại diện và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) là đầu tư mới chính thức định hình và mang dáng dấp của một “ông lớn”. Đầu tư ở đây được nhìn ở thế chủ động, mang tính chiến lược, khác với kiểu là công cụ tình thế và có phần thụ động như ở “cuộc giải cứu” thị trường chứng khoán năm 2008.

Theo ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC, trọng tâm hiện nay của Tổng công ty là thoái vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần thiết phải giữ, duy trì tỷ lệ nắm giữ, nhưng hoạt động đầu tư mới cũng được đề cao ở giá trị tạo nền cho hướng đi chiến lược trong tương lai.

Ngày 25/9 vừa qua, thêm một khoản đầu tư của “siêu tổng công ty” có địa chỉ mới, thông qua việc mua 45 triệu cổ phần (tương đương 9% vốn điều lệ) của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng. Tính từ đầu năm, SCIC đã có 4 khoản rót vào ngành điện với tổng vốn xấp xỉ 2.000 tỷ đồng (cùng với Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Thủy điện Thác Bà và Nhiệt điện Quảng Ninh).

Ông Tá tiết lộ: “Cho đến thời điểm này, hiệu quả kinh tế dự kiến của các khoản đầu tư trên là khá hấp dẫn và thuyết phục”. Còn theo tìm hiểu kết quả sau 9 tháng đầu năm 2009, riêng 2 khoản đầu tư vào dự án điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và điện Thác Bà với tổng trị giá đầu tư 1.099 tỷ đồng, hiện giá trị đã tăng gấp 2 lần.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, SCIC cũng đã tham gia đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chủ trì xây dựng dự án Trung tâm Tài chính và Triển lãm Thủ Thiêm; dự án Viện Đào tạo quản trị cao cấp Việt Nam; dự án Tháp Tài chính, khu Đại sứ quán Nga (Hà Nội); tham gia Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng và năng lượng trên cơ sở hợp tác với Ngân hàng Ngoại thương…

Hiện SCIC đang nghiên cứu khả năng hợp tác với Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) để tham gia đầu tư một số dự án đạm và xây dựng dàn khoan.

Những bước đi trên cho thấy SCIC đang mang dáng dấp của một nhà đầu tư lớn. Tất nhiên, “siêu tổng công ty” này có nhiều lợi thế về vốn, vị thế ở một số khía cạnh khi tiếp cận các dự án. Điều đó đi cùng với trách nhiệm về hiệu quả của đồng vốn đầu tư.

Đồng vốn đã hiệu quả?

Tiền đang chảy về “siêu tổng công ty”, có thể thấy rõ qua dữ liệu những tháng gần đây. Nhưng vẫn khó để đánh giá toàn diện và cụ thể về hiệu quả đồng vốn SCIC rót vào thị trường, vào các dự án. Như câu hỏi về lời lãi thực tế của “cuộc giải cứu” thị trường chứng khoán năm 2008 vẫn còn để ngỏ; nhiều khoản đầu tư đã có giá trị gấp 2 – 3 lần nhưng thuộc về dài hạn; loạt kế hoạch chốt lời đang ở phía trước và gắn với các điều kiện của thị trường…

Còn trong 9 tháng đầu năm, dòng lợi nhuận cụ thể là 1.415 tỷ đồng trước thuế. Con số này đang chờ góp thêm từ các khoản lợi nhuận tại 37 doanh nghiệp đang trong kế hoạch cụ thể hóa thời gian tới.

SCIC cho biết, thời gian qua, nhằm tránh tình trạng “pha loãng” phần vốn Nhà nước tại những công ty hoạt động kinh doanh hiệu quả, Tổng công ty đã mua cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại 37 doanh nghiệp với giá trị tổng vốn đầu tư là 221 tỷ đồng. Hiện thị trường đang có nhiều dấu hiệu tích cực, SCIC đang tính toán để hiện thực hóa lợi nhuận từ dòng chảy này.

Tính chung, đến nay, “siêu tổng công ty” đã thực hiện đầu tư khoảng 1.530 tỷ đồng vào 163 doanh nghiệp thành viên. Khoản đầu tư mới này hiện có giá trị gấp 2 – 3 lần, theo báo cáo SCIC công bố.

Ngoài các nguồn đầu tư đã nhìn thấy lãi, báo cáo của SCIC cho biết hiện việc quản lý phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cũng đang có kết quả khả quan. Tổng số vốn Nhà nước mà SCIC tiếp nhận là 6.925 tỷ đồng (chưa tính Vietcombank), giá trị thị trường hiện nay là khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần.

Theo đánh giá của Tổng công ty, nguồn vốn trên cũng đã phát huy hiệu quả đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Số liệu thống kê về các doanh nghiệp đại diện cho 80% giá trị vốn do SCIC nắm giữ cho thấy, kể từ sau khi chuyển giao về tổng công ty này, các doanh nghiệp đều tăng trưởng khá trên cả 3 khía cạnh: vốn, quy mô, hiệu quả hoạt động; bình quân vốn điều lệ tăng trưởng 36%, doanh thu tăng 44%, lợi nhuận tăng 105%... Đáng chú ý là 75% số doanh nghiệp thành viên của SCIC hiện có quy mô nhỏ, vốn dưới 10 tỷ đồng.

*Tính đến 25/9/2009, SCIC đã tiếp nhận tổng cộng 901 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn Nhà nước 6.933 tỷ đồng, trong đó đã tái cơ cấu bán hết phần vốn Nhà nước tại 192 doanh nghiệp (danh mục còn lại 709 doanh nghiệp). Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2009, số doanh nghiệp thực hiện bán vốn thành công tăng 1,7 lần so với cả năm 2008 (97 so với 58 doanh nghiệp bán trong năm 2008). Giá trị giá trị thực tế thu về là 375 tỷ đồng trên giá trị sổ sách 222 tỷ đồng - đạt tỷ lệ gấp 1,69 lần mệnh giá.