Tiền Hải - Thái Bình: Dân khó mua dự án phân lô bán nền vì giá cao

Theo Kảnh Kiên/baotainguyenmoitruong.vn

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tiền Hải (Thái Bình) lập khá nhiều dự án khu dân cư phân lô bán nền. Tuy nhiên nhiều người dân nơi đây phản ánh họ muốn mua đất ở mà không được vì giá đất bị đẩy lên rất cao.

Khu dự án 256 lô đất được đấu giá với giá khởi điểm là 153,6 tỷ và giá trúng đấu giá chỉ tăng thêm hơn 300 triệu đồng. Nguồn: internet
Khu dự án 256 lô đất được đấu giá với giá khởi điểm là 153,6 tỷ và giá trúng đấu giá chỉ tăng thêm hơn 300 triệu đồng. Nguồn: internet

Theo tìm hiểu của phóng viên thời gian qua nhiều dự án đất ở giãn dân được triển khai tại các xã và thị trấn huyện Tiền Hải. Quỹ đất chủ yếu là thu hồi đất ruộng của bà con nông dân rồi chuyển đổi thành đất ở.

Sau khi xã và huyện làm xong hạ tầng sẽ được phân lô bán nền. Tuy nhiên dự án đất được bán trọn gói cho doanh nghiệp. Theo đó, những người dân tại địa phương có nhu cầu đất ở phải mua qua những người đầu cơ đất với giá rất cao.

Theo ghi nhận tại xã Tây Giang (huyện Tiền Hải), có 2 dự án khu dân cư. Một dự án gọi là Khu dân cư Trái Diêm được làm từ lâu và đất hầu như đã bán hết. Một dự án khác ở trước UBND xã Tây Giang đang được triển khai. Cả 2 khu đất này đều được chính quyền địa phương bán cho ông Đào Văn Đại (GĐ Công ty Phú Thăng Long).

Khu dự án 256 lô đất được đấu giá với giá khởi điểm là 153,6 tỷ và giá trúng đấu giá chỉ tăng thêm hơn 300 triệu đồng.

Trong vai người đi mua đất, hỏi bất kỳ ai, chúng tôi cũng được trả lời rằng muốn mua đất thì phải liên hệ ông Đại (Công ty Phú Thăng Long). Chúng tôi thắc mắc tại sao đất lại về tay ông Đại hết như vậy, người dân nói rằng họ chỉ biết có khu dự án được lập sau đó về tay ông Đại.

Qua hướng dẫn của người dân, chúng tôi gặp một người môi giới tên P. Người này giới thiệu: "Em là người bán đất giúp cho anh Đại." Theo đó, bà P. cho chúng tôi xem bản đồ phân lô toàn bộ khu dự án đất ở trước UBND xã Tây Giang cũng như các loại giấy tờ pháp lý khác về đất đai ở đây.

Bà P. cho biết, những lô đất đẹp, ở dọc mặt đường ra thị trấn đã có người mua hết rồi. Hiện chỉ còn các lô đất nằm phía trong và mặt đường liên xã. Tùy vị trí mà đất có giá khác nhau với diện tích khoảng 100m2. Giá một lô đất trung bình khoảng 10-13 triệu đồng/m2. Chỗ mặt đường có thể lên hơn 20 triệu đồng/m2.

"Nếu các anh đồng ý mua, em đưa đến làm hợp đồng với công ty anh Đại đàng hoàng. Anh yên tâm." - Người phụ nữ nói.

Liên hệ với số điện thoại văn phòng giao dịch đất của Công ty Phú Thăng Long, chúng tôi cũng nhận được thông tin mua bán đất ở khu dự án này. Nhân viên ở đây giới thiệu, ngoài Khu dân cư Trái Diêm và khu trước UBND xã Tây Giang, công ty còn một khu dự án khác ở xã Tây Lương cũng đang mở bán.

Sau khi làm xong hạ tầng và phân lô, dự án đã được bán cho doanh nghiệp và đất có giá cao ngất so với chút tiền đền bù đất ruộng trước đó

Trao đổi với PV, ông Tạ Văn Thuần (Chủ tịch UBND xã Tây Giang) cho biết, việc này thuộc thẩm quyền của UBND huyện, xã không đủ thẩm quyền. Ông Thuần cho rằng, dự án đã chuyển nhượng cho ông Đại thì việc mở bán cho người dân khi nào là quyền của ông Đại.

Tuy nhiên PV thắc mắc dự án khu dân cư mà người dân địa phương không hề nhận được thông tin nào, mở bán cũng không có thông báo. Ông Chủ tịch xã lúc này lại nói rằng có thể dự án chưa được mở bán. Doanh nghiệp phải hoàn thành tất cả thủ tục mới bán và được thông báo công khai.

Một số người dân sống xung quanh cho biết, khu dự án trước UBND xã Tây Giang trước đây là đất ruộng của họ. Giá đền bù đất ruộng thời điểm này chưa đến 40 triệu đồng/sào (360m2).

Một phụ nữ nói rằng thời điểm thu hồi đất cho dự án này cách mấy năm, bà chỉ được đền bù khoảng vài ba chục triệu đồng/sào. Lúc đó, nhiều gia đình không đồng ý cho thu hồi đất cũng không được. Mặc dù thu hồi đất ruộng thì rẻ nhưng khi chuyển đổi mục đích sang đất ở thì họ muốn mua lại khó như lên trời.

Trước đây, chính quyền các địa phương cho úp thầu thì người dân địa phương còn có cơ hội. Bây giờ chính quyền bán luôn cả dự án cho doanh nghiệp khiến giá bị đẩy lên cao không tưởng, người dân muốn mua cũng đành ngậm ngùi đứng nhìn. Chính vì vậy, người dân ở đây muốn mua lại mảnh đất của chính mình canh tác bao đời thì phải bỏ ra số tiền gấp hàng trăm lần so với số mà họ nhận được đền bù.

Trong cuộc làm việc mới đây của UBND huyện Tiền Hải và phóng viên, ông Bùi Đức Thàn (Phó GĐ TT Phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải) cho biết, dự án trước cổng UBND xã Tây Giang được lập năm 2017. Theo công văn của tỉnh năm 2017, việc đấu giá trọn gói hay đấu lẻ từng lô tùy thuộc tình hình thực tế mà từng địa phương căn cứ quyết định. Đây là dự án của UBND huyện và UBND huyện Tiền Hải đồng ý cho đấu giá trọn gói.

Theo ông Thàn, nếu đấu lẻ sẽ không bao giờ đấu hết được. Không thể thu được tiền để phục vụ ngân sách của huyện. Vì người dân chỉ muốn mua những lô ngoài mặt đường, còn phía trong thì không ai mua. Trung tâm phát triển quỹ đất và công ty đấu giá đã thực hiện đầy đủ quy trình đấu giá, thông tin công khai minh bạch trên đài phát thanh.

Ông Thàn cho biết, dự án gồm 256 lô đất được phát giá khởi điểm để đấu giá là 153 tỷ 617 triệu đồng. Ông Đào Văn Đại (Công ty Phú Thăng Long) là người trúng với giá 154 tỷ, chênh hơn 300 triệu đồng. Tất cả người đấu thầu đều với tư cách cá nhân.

"Sau khi trúng đấu giá, việc chuyển nhượng hay cho ai là quyền của người trúng. Người dân không hiểu có thể cho rằng việc này có sự tư lợi nào đó." - Ông Thàn nói.

Ông Vũ Huy Hoàng (Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải) xác nhận đến nay, ông Đại đã nộp hết toàn bộ số tiền đấu giá vào ngân sách. Theo quy định, khi người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ thì nhà nước phải cấp sổ và ông Đại có quyền rao bán công khai.

Ông Hoàng cũng giải thích việc người dân thắc mắc khi thu hồi đất, họ chỉ được đền bù mấy chục triệu/sào nhưng muốn mua lại đất ở thì hàng tỷ đồng. Theo lãnh đạo huyện, đây là điều dễ hiểu bởi khi thu hồi là đất nông nghiệp còn khi bán ra là đất ở. Hơn nữa, ông Đại là người trúng đấu giá thì việc bán ra theo giá thị trường là quyền của người trúng. Trong quy định, không có cơ chế nào ưu tiên dành cho bà con có đất ruộng bị thu hồi ở dự án. Vì vậy họ phải mua đất theo cơ chế thị trường.