Tìm mua chung cư cao cấp: Người giàu... cũng khóc!

Nguyễn Cảnh - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Trong số khách hàng tìm tới bất động sản (BĐS) cao cấp, tỷ lệ người mua để ở thực sự đang gia tăng trông thấy. Tầm tiền 4 - 5 tỷ đồng, cần thay đổi không gian sống phù hợp hơn và sẵn sàng giao dịch khi gặp “hàng nét”, những “Thượng đế” đúng nghĩa này cũng gian nan chẳng kém người ít tiền.

Tìm mua chung cư cao cấp: Người giàu... cũng khóc!
Các dự án đang hẹn tiến độ có gì để khẳng định với “Thượng đế”? Nguồn: internet

Với đội ngũ môi giới, mảng mua bán luôn là “mỏ vàng” đáng chú ý nhất, nhờ tỷ lệ hoa hồng, phí dịch vụ cao hơn các hoạt động còn lại. Đặc biệt là phân khúc sản phẩm chung cư cao cấp - vốn được coi như nơi khẳng định đẳng cấp sống của người “lắm tiền nhiều của”. Nhiều cá nhân, gia đình sở hữu hầu bao vài tỷ đồng khi mới đạt ngưỡng 40 tuổi dần xuất hiện phổ biến với tư cách là khách hàng mua nhà. 

“Năng động, hiện đại và cũng rất thực tế, những đại gia trẻ tuổi này thường đặt ra tiêu chí rất rõ khi tìm mua BĐS cao cấp”, anh Phương, một nhân viên truyền thông kiêm môi giới địa ốc tại Hà Nội cho biết. 
    
Nhu cầu đã rõ

Khách hàng có nhu cầu thực (với loại hình chung cư cao cấp) xác định rất rõ thang điểm lựa chọn dự án. Điểm chung, người mua dạng này đều chủ động túi tiền mua ở khoảng 5 tỷ đồng. 

Phần nhiều trong số đó đều trẻ tuổi, đã lập gia đình và sống chung cùng bố mẹ. Vì vậy, với áp lực về mật độ, tiện lợi sinh hoạt của cả 3 thế hệ, họ đồng quy về phương án chung cư cao cấp có tối thiểu 3 phòng ngủ rộng, ánh sáng đầy đủ, gần nhà trẻ, tiện ích bảo đảm … 

Trong số nhiều gạch đầu dòng đòi hỏi về cuộc sống sau khi dọn về ở, “Thượng đế” cao cấp đặt yêu cầu bắt buộc: dự án đã hoàn thiện, bàn giao và hoàn hảo hơn nữa là có chia sẻ thực tế từ những chủ nhân sinh sống tại đó sau thời gian tối thiểu 6 tháng. 

Như vậy, “bài toán” chọn dự án mục tiêu của khách hàng cao cấp cơ bản cho ra các “nghiệm” sau: MuberryLane (Hà Đông), Thăng Long Number One (Viglacera làm chủ đầu tư), Dolphin Plaza, Mandarin Garden, Royal City, Golden Land, Diamond Flower Tower (ngã tư Hoàng Đạo Thúy - Lê Văn Lương), Hòa Bình Green, Hapulico Complex… 

Sơ sơ liệt kê như vậy, cũng đủ hàng cho người mua lựa chọn. Nhưng tìm hiểu chi tiết, để đi đến “chốt” hợp đồng hay đơn giản chỉ là đặt cọc căn hộ, những dự án nêu trên khó lòng “lấp đầy” đồng thời barem tiêu chuẩn của khách hàng mục tiêu. 

Đơn cử: thiết kế độ cao trần nhà quá thấp (!), cơ cấu sắp xếp các phòng trong căn hộ thiếu hợp lý, mật độ hộ gia đình sử dụng thang máy quá lớn cũng như độ thiếu an toàn về thiết bị, các phòng ngủ không đồng đều ánh sáng… 

Cuối cùng, nếu “may mắn” đáp ứng đồng thời một cách chi li những nhu cầu thực tế của khách hàng, thì hóa đơn mua nhà lại đè bẹp hầu bao của “Thượng đế”.

Đó là chỉ bàn tới những dự án đã xong và đi vào phục vụ cư dân, còn với những “siêu dự án” triệu đô mang trên mình ánh hào quang của Hoàng gia thì chẳng đến lượt. 

“Cứ hoàn công đúng tiến độ, hoạt động phục vụ dân cư một vài năm, rồi sau đó mới biết được dự án đó có “đáng sống - đáng mua” như quảng cáo hay không. Khi ấy, mua cũng chưa muộn…”, ông Tuấn, chủ một chuỗi cửa hàng nội thất - vật liệu xây dựng tại khu vực Hà Đông phân tích. 

Ảo tưởng và thực tế

Trong cuộc kiếm tìm chung cư cao cấp thỏa mãn các yêu cầu chung: diện tích tối thiểu 170m2, 3 phòng ngủ, không gian cộng đồng thoáng đãng, tiện đi làm - đi học cho bố mẹ lẫn con trẻ; rất nhiều khách hàng thừa nhận việc mua căn hộ để ở trọn vẹn 3 thế hệ (không đầu tư) đang rất gian nan. 

Vợ chồng anh Trung, cùng làm việc trong ngành chứng khoán, than phiền sau khi tới thăm căn hộ mẫu ở dự án Thăng Long Number One: “Cảm tình về thương hiệu doanh nghiệp, giá tiền, vị trí bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu khi xem căn hộ. Trần nhà quá thấp (chỉ 2,8m sau khi làm thạch cao); chiều ngang phòng ngủ quá nhỏ, nếu kê giường thì chỉ còn chưa đầy nửa mét để vào nhà vệ sinh; lại thêm cục nóng điều hòa đặt ngay tại ban công nên hạn chế phơi quần áo. Thế này thì ở căn nhà 3 tầng cũ còn tốt hơn. Nhưng lại lo sức khỏe, an toàn cho các cụ…”. 

Phản hồi của những khách hàng “hăm hở” tìm mua ở Royal City, MuberryLane hay DolphinPlaza cũng chẳng quá tích cực. MuberryLane khiến “Thượng đế” chán chường chính là thông số: 100 căn hộ chung 1 thang máy… Đáng buồn, đây là công trình đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước và do Singapore thiết kế. 

Một dự án khác được nhiều quan tâm, Euroland (cạnh MuberryLane) với sản phẩm “ưa thích”: chỉ cần chừng 4 tỷ đồng là sở hữu căn thô 224m2 cộng thêm khoảng sân ngót 60m2 (4 phòng ngủ), cộng chi phí hoàn thiện chưa tới 1 tỷ đồng là… ok. 

Nhưng khổ nỗi, không có bể bơi, nơi tập gym, chỗ chơi cho trẻ nhỏ, đặc biệt: đường từ dự án ra trục Lê Văn Lương đang “đi nhờ” đường Thanh Bình nên nạn tắc đường luôn diễn ra lúc cao điểm buổi sáng lẫn cuối giờ chiều. 

Cơ bản những dự án cao cấp “đã thành hình” trong trung tâm Hà Nội là như vậy. Chẳng hiểu, với khách hàng sẵn sàng mua với tầm tiền và thang điểm như trên, các dự án đang hẹn tiến độ có gì để khẳng định với “Thượng đế”, ngoại trừ yếu tố “hiếm/khan hàng” như giới truyền thông trau chuốt?!