Tìm thêm nguồn vốn cho nhà ở xã hội

Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn

Trước thực trạng khó khăn nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp và người thu nhập thấp vay để mua nhà ở xã hội, một số chuyên gia cho rằng nên chăng Chính phủ cần có một hình thức phù hợp hơn với người thu nhập thấp, đó là triển khai chương trình cho thuê nhà ở đối với người thu nhập thấp.

Chính phủ cần có một hình thức phù hợp hơn với người thu nhập thấp. Nguồn: Internet
Chính phủ cần có một hình thức phù hợp hơn với người thu nhập thấp. Nguồn: Internet

Gói ưu đãi cho vay nhà ở xã hội lãi suất thấp 30.000 tỷ đồng đã kết thúc từ năm 2016, nhiều người nghèo, người thu nhập thấp vẫn chưa tiếp cận được vốn này. Mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết sẽ giải ngân nguồn vốn cho người dân mua nhà ở xã hội ngay trong năm 2018, dự kiến 1.000 tỷ đồng. Đây được coi là tin vui đối với người thu nhập thấp, tuy nhiên số vốn này này chỉ như "muối bỏ bể".

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng này chính thức triển khai chương trình tín dụng ưu đãi để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng là doanh nghiệp và người dân có thu nhập thấp.

Vốn quá ít so với nhu cầu

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, đến năm 2020, ngân hàng được rót vốn trên 2.200 tỷ đồng. Riêng năm 2018, kế hoạch được phân bổ trên 500 tỷ đồng, ngân hàng sẽ huy động thêm 500 tỷ đồng. "Và như vậy kế hoạch cho vay của năm nay là 1.000 tỷ đồng", ông Lý nói.

Tổng số nguồn vốn 1.000 tỷ đồng đã được phân giao về các địa phương cho vay. Trong đó Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được phân nguồn vốn lớn nhất, mỗi nơi 15 tỷ đồng. Tính trung bình, 150 người có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay này.

Các thành phố khác như Thanh Hoá, Hải Phòng, Nghệ An được phân 10 tỷ đồng trở xuống, tuỳ theo điều kiện của từng địa phương. Đại diện NHCSXH cho biết nguồn vốn này chỉ cho người dân được vay theo quy định, không dành cho doanh nghiệp vay nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, tổng nhu cầu cho vay của các tỉnh là 5.000 tỷ đồng, trong khi chỉ có 1.000 tỷ đồng để cho vay là quá ít so với nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, cho rằng vay – thuê mua nhà ở xã hội, gói này chỉ giới hạn 1.000 tỷ đồng, so với nhu cầu thực tế là quá thấp. Hơn nữa, gói này chỉ dành cho người có nhu cầu mua nhà vay trực tiếp chứ không thông qua doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Lý cho rằng người vay vốn phải thực hành tiết kiệm trong thu nhập của mình để hoàn lại vốn. Do đó, người vay vốn phải gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, tạo nguồn vốn để trả nợ ngân hàng.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội vẫn được triển khai nhưng tiến triển rất chậm, nguyên nhân chính là do lượng vốn bố trí ngân sách cho NHCSXH trong giai đoạn 2018-2020 là 1.260 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được khoảng 13% so với yêu cầu của NHCSXH.

Tuy nhiên, chính sách nhà ở xã hội không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn mà còn đòi hỏi các bộ, ban ngành cùng đưa ra những giải pháp đồng bộ, cụ thể.

Chuyển hỗ trợ mua sang cho thuê

Theo ông Hoàng Văn Cường, chúng ta vẫn cần sự hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà thu nhập thấp như chương trình mà NHCSXH sắp triển khai tới đây. Tuy nhiên, Chính phủ cần mở một hình thức phù hợp hơn với người thu nhập thấp.

"Đó là không phải mua nhà, mà tôi cho rằng nên triển khai chương trình cho thuê nhà ở đối với người thu nhập thấp. Cần chuyển từ hỗ trợ mua nhà sang việc hỗ trợ cho thuê nhà. Chúng ta làm như thế, lượng tiền hỗ trợ cho một người mua nhà, có thể hỗ trợ cho hàng trăm người thuê nhà", ông Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng cần phải đẩy mạnh các phương pháp căn cơ và toàn diện hơn về vấn đề tín dụng, để ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần có sự tham gia của xã hội như của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, của các tổ chức tín dụng NHTM cũng như Chính phủ và người dân.

"Đối với nguồn lực xã hội, cần khuyến khích nhưng cũng cần có chính sách bắt buộc các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội bán, cho thuê", ông Hà đề xuất.

Trước đó, cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm khu đô thị Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư xây dựng và đã đánh giá cao doanh nghiệp này tiên phong trong việc xây dựng nhà ở xã hội với hơn 3.500 căn, đáp ứng chỗ ở cho hơn 10.000 người.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội tạo điều kiện cho Vigracera nói riêng và các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội nói chung về vốn cũng như quỹ đất để phát triển phân khúc nhà này.

Trước nhu cầu của người thu nhập thấp về nhà ở xã hội và khó khăn về nguồn vốn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng thay vì gói 30.000 tỷ đồng, Nhà nước cần có khoản tín dụng thường xuyên cấp cho các dự án nhà ở xã hội, như vậy sẽ yên tâm hơn khi đầu tư vào phân khúc nhà ở này

Vừa qua, Bộ Xây dựng vừa có văn bản 1248 báo cáo TTg Chính phủ đề xuất chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo gửi UBTV Quốc hội xem xét bổ sung vốn cho NHCSXH khoảng 3.000 tỷ đồng đến 2020.

Hy vọng đề xuất này sẽ sớm thông qua để gỡ khó cho dự án nhà ở xã hội để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống.