Tín dụng bất động sản sẽ tập trung cho người mua

Theo Đầu tư Chứng khoán

Theo TS. Trần Du Lịch, mức lãi suất cho vay ưu đãi lý tưởng với người mua nhà ở xã hội là 6%/năm và thời hạn cho vay kéo dài ít nhất phải 5 năm.

Tín dụng bất động sản sẽ tập trung cho người mua
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Hội thảo “Giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ các tổ chức tín dụng” do Báo Xây dựng tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành. Các ý kiến đều nhất trí quan điểm, tín dụng nên tập trung cho người mua để giải quyết “đầu ra” cho thị trường.

Lạc quan về triển vọng của thị trường trong năm tới, TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn sức mua, vẫn thiếu những sản phẩm mà thị trường cần. Nhưng cái chết của thị trường chính là sản phẩm dở dang, chưa hoàn thiện quá nhiều”. Theo ông Lịch, mấu chốt của vấn đề giải quyết được đầu ra cho thị trường bất động sản đã được xử lý tại Nghị quyết 02/2013 vừa được Chính phủ ban hành. Chẳng hạn, theo Nghị quyết 02, Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội.

Mức lãi suất cho vay ưu đãi lý tưởng với người mua nhà ở xã hội, theo ông Lịch, là 6%/năm và thời hạn cho vay kéo dài ít nhất phải 5 năm.

Tại Hội thảo, câu chuyện nợ xấu lại một lần nữa được đề cập. Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế - tài chính, rất khó để đưa trần lãi suất huy động về dưới mức 8%/năm, bởi bài toán nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Nếu doanh nghiệp mong thị trường bất động sản vẫn được bơm vốn để nuôi sống thì đừng quá kỳ vọng vào lãi suất thấp. Hơn nữa, 20.000 - 40.000 tỷ đồng cho vay mua nhà mà kênh “bơm” tiền từ Ngân hàng Nhà nước theo hình thức tái cấp vốn như quy định tại Nghị quyết 02 thì lãi suất sẽ cao hơn là qua hình thức tái chiết khấu. Ông Ánh cho rằng, nhìn vào cơ cấu này, dòng tiền sẽ chỉ phục vụ đối tượng người mua.

Đồng quan điểm với TS. Vũ Đình Ánh, ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn Gia Định cho rằng, tập trung hỗ trợ người mua để tạo thanh khoản cho thị trường là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, quy định “cho vay với lãi suất phù hợp” tại Nghị quyết 02 còn quá chung chung. Chính phủ cần quy định rõ lãi suất là bao nhiêu %/năm, thời hạn bao lâu. Và nếu coi Nghị quyết 02 là toa thuốc cho thị trường bất động sản, thì các bác sĩ như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… cần sớm bắt tay vào chữa bệnh”, ông Thiều nói.

Đề cập đến những vướng mắc cụ thể trong vấn đề tín dụng cho người mua, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho biết, dự án của Hoàng Quân do BIDV tài trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp 15 năm nhưng khách hàng của Công ty vẫn khó vay tiền, bởi vướng quy định “chứng minh thu nhập”. Để tạo điều kiện cho người mua nhà tiếp cận được vốn, ngân hàng đã cho cơ chế doanh nghiệp bảo lãnh. Về phía Hoàng Quân, một số dự án Công ty đã làm xong các thủ tục vay tiền, nhưng ngân hàng vẫn không cho vay, bởi đó là đất thuê 50 năm, chứ không phải đất mua.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, các giải pháp mà Bộ Xây dựng đề xuất và thực hiện là nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản chứ không phải giải cứu thị trường này và dù “muốn cứu cũng không cứu được”. Với vấn đề con số thực của tồn kho bất động sản, Thứ trưởng Nam cho rằng, con số hàng tồn kho phụ thuộc vào quan điểm xác định như thế nào là tồn kho. Nếu tính hàng tồn ở phân khúc nhà đầu tư thứ cấp thì sẽ không thể có con số cụ thể, chính xác, vì cơ quan quản lý chỉ có thể lấy được số liệu báo cáo từ các chủ đầu tư.