Tín dụng bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ

Ánh Ngọc

Thời gian qua, tín dụng bất động sản đang có mức tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, mức tăng này cũng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản có thể quay lại.

Thị trường bất động sản đang có tín hiệu hồi phục tích cực. Nguồn: internet
Thị trường bất động sản đang có tín hiệu hồi phục tích cực. Nguồn: internet

Phục hồi mạnh mẽ

Từ đầu năm đến nay, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, tín dụng đã có những bước phục hồi mạnh mẽ. Tính đến ngày 20/9, tín dụng toàn hệ thống đã đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay với khoảng 10,8% (cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 6,6 và dự báo có thể tăng 17% trong năm 2015 với quy mô ước đạt khoảng 340.000 tỷ đồng.

Trong đó, tín dụng bất động sản là lĩnh vực đang có mức tăng trưởng cao hơn con số trung bình của toàn hệ thống. Thị trường bất động sản đang có tín hiệu hồi phục tích cực với nhiều dự án có khả năng hồi sinh, vì vậy các ngân hàng sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn. Nhờ vậy, tính đến đầu tháng 9/2015, tín dụng bất động sản đã tăng 13%.

Như vậy, tín dụng bất động sản đã có sự phục hồi mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, có tác động tích cực cho cả nền kinh tế và các ngân hàng. CBRE Việt Nam cũng đưa ra dự báo trong 3 tháng còn lại của năm 2015, tín dụng với lãi suất thấp có thể vẫn là một trong những đòn bẩy của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tín dụng bất động sản tăng cao trở lại là nhờ chiến lược kinh doanh của các ngân hàng khi cho vay mua nhà được đánh giá là có nhiều tiềm năng. Bởi vậy, nhiều ngân hàng tích cực giải ngân cho các dự án và tung ra nhiều ưu đãi cho người mua nhà. Nhờ đó đã góp phần đưa dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản, khích thích thị trường phát triển.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tín dụng rất cần thiết để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiều ngành kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, cũng cần có những biện pháp kiểm soát triệt để để không tái diễn tình trạng bong bóng bất động sản như trước đây.

Thận trong nguy cơ bong bóng

Trước lo ngại của dư luận thời gian qua về mức tăng trưởng nhanh của tín dụng bất động sản và nguy cơ bong bóng bất động sản quay trở lại, các chuyên gia cho rằng, dù tăng trưởng cao hơn bình quân toàn hệ thống, song tín dụng bất động sản mới chiếm tỷ trọng 8% tổng tín dụng toàn hệ thống và hoàn toàn chưa đáng lo ngại.

Thêm vào đó, hiện nay, dòng vốn tín dụng chủ yếu được chuyển sang nhu cầu thực của người mua nhà nên rủi ro từ tín dụng bất động sản sẽ ít hơn nhiều so với dòng vốn chảy vào đầu cơ.

Tuy nhiên, cho vay bất động sản luôn được cảnh báo là có hệ số rủi ro cao nhất và bong bóng bất động sản có thể quay lại bất cứ lúc nào. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng như các ngân hàng cần thận trọng hơn trong quá trình vay và cho vay bất động sản.

Theo đó, các doanh nghiệp không nên lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Ngược lại, các ngân hàng cũng cần lường trước những rủi ro của việc đẩy vốn vào bất động sản, tăng cường kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích. Đa phần các khoản cho vay địa ốc là trung và dài hạn, vì vậy, các chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần chú trọng tới việc kiểm soát để cân đối nguồn vốn cũng như rà soát dòng lãi suất tầm nhìn trung và dài hạn.