Tín dụng tiêu dùng: Bài học từ Mỹ

S.L

Theo ông Nitin Jaiswal, chuyên gia kinh tế của kênh thông tin tài chính danh tiếng thế giới Bloomberg, tín dụng tiêu dùng là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và sau đó gây ra những hậu quả khôn lường ra toàn thế giới. Liệu đây là lời cảnh báo cho VN trong bối cảnh các ngân hàng (NH) đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng?

Vẫn còn rất hấp dẫn

Tín dụng tiêu dùng ra đời cùng với sự phát triển của hệ thống NH. Dù hình thức này hiện nay phổ biến trên thế giới, song lại khá mới mẻ ở VN. Năm 2007, lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở nước ta trở nên sôi động song những tháng đầu năm 2008, các NH đã thắt chặt hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh cả nước chung tay chống lạm phát. Tuy nhiên, trong tháng cuối năm ngoái, trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế cộng với chủ trương kích cầu của Chính phủ, các NH đã nới rộng cho vay tiêu dùng, chủ yếu trong các lĩnh vực: cho vay mua, xây, sửa chữa nhà, mua xe... Dù mạnh tay, song trong tình hình hiện nay, các NH chỉ mở cửa đối với khách hàng cá nhân đủ điều kiện, chứ không "mở toang" như trước.

Với số dân hơn 80 triệu người, dư nợ cho vay tiêu dùng của VN bình quân khoảng 900.000 đồng/người so với thu nhập quốc dân bình quân đầu người khoảng 17 triệu đồng/năm là khá thấp. Hơn nữa, với phần đa là dân số trẻ, năng động, thu nhập không ngừng được cải thiện, nên VN được đánh giá là một trong những thị trường có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thu hút được sự quan tâm không chỉ NH nội mà cả các NH nước ngoài, NH liên doanh. Vì thế, dù hiện nay, tình hình kinh tế tài chính toàn cầu đang ảm đạm, song nhiều tập đoàn tài chính lớn trên thế giới vẫn đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại VN.

Có đáng lo ngại?

Theo ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ các NH (thuộc NHNN), vào thời điểm kinh tế ổn định, nợ xấu trong mảng tín dụng tiêu dùng chỉ là 5-7%, nhưng khi kinh tế khủng hoảng, tỷ lệ này có thể lên đến 15-20%, nên sẽ là nguy cơ lớn đối với hệ thống NH. Còn theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội NH, cho vay tiêu dùng có tỉ lệ rủi ro cao hơn đối với cho vay DN rất nhiều, thế nên, các NH phải hết sức cân nhắc trong việc cho vay. Vậy việc mở rộng tín dụng tiêu dùng ở VN đến một thời điểm nào đó sẽ tồi tệ như ở Mỹ?

Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển NH (thuộc NHNN), đa số người dân Mỹ vay tiền NH để mua nhà với thời hạn hợp đồng 10 năm đến 30 năm; mua xe ôtô, đồ dùng gia đình từ 3-5 năm... Những năm gần đây, trước bối cảnh thị trường BĐS phát triển mạnh, các NH và tổ chức tín dụng đã bất chấp rủi ro cho vay cả những hợp đồng tín dụng nhà ở dưới chuẩn, thậm chí cho vay cả những khách hàng không có khả năng tài chính. Tính đến đầu năm 2009, tổng số nợ trên thẻ tín dụng ở Mỹ đã lên đến gần 900 tỉ USD. Nguy hiểm hơn, các tổ chức tài chính phố Wall còn gom các hợp đồng cho vay mua nhà này theo nhóm rủi ro làm tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu chứng khoán hóa (MBS) ra thị trường Mỹ và thị trường tài chính thế giới. Khi giá BĐS giảm mạnh, một số lớn hợp đồng tín dụng để đảm bảo cho MBS trở thành nợ xấu, MBS mất giá trên thị trường thứ cấp khiến cho NH và các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu này lỗ nặng hoặc mất khả năng thanh toán, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ ở Mỹ mà "hệ luỵ" toàn cầu.

Tuy nhiên, ở VN, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng không "ăn nhằm" gì so với Mỹ. Theo LienVietBank, dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng đến hết năm 2008 của NH này chỉ chiếm khoảng 5 - 6% trên tổng dư nợ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tiêu dùng của VIBank TP.HCM năm 2008 cũng chiếm khoảng 15% trên tổng dư nợ, trong đó có cả cho vay mua nhà trả góp... Hơn nữa, sau sự sụp đổ của hàng loạt NH của Mỹ, các NH nội đều sẽ áp dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro thận trọng hơn. Để vay được tiền, khách hàng phải chứng minh nguồn thu nhập ổn định, có tính thuyết phục và có đầy đủ căn cứ của mình. Nếu vay tiêu dùng dựa trên nguồn tiền lương, khách hàng phải có tài sản đảm bảo tiền vay, phải chứng minh được nguồn trả nợ... Một điều quan trọng nữa là hiện nay ở VN chưa "chứng khoán hoá" các khoản vay BĐS.

Nhiều chuyên gia cho rằng cho vay tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn càng phải thận trọng, các NH phải phân loại khách hàng một cách rõ ràng, trên cơ sở đó xác định lãi suất và hạn mức cho vay phù hợp với khả năng chi trả của khách. Ngoài ra, bài học ở Mỹ đó là cần tránh cho vay dưới chuẩn, cho vay cả những khách hàng không đủ khả năng tài chính. Ở VN nhu cầu tín dụng còn rất lớn, điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao hình thành cơ chế giám sát rủi ro phù hợp. Như vậy, vừa có thể kích cầu tiêu dùng chống suy thoái kinh tế, vừa tránh được những rủi ro về sau.