Tồn kho bất động sản: Giảm trên giấy, thực tế vẫn "ế"

Theo ndh.vn

(Tài chính) Chỉ cần dạo quanh các dự án đô thị nằm trên địa bàn Hà Nội thì thấy rằng, hàng tồn kho bất động sản còn quá lớn. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chưa về đáy.

Lượng hàng tồn kho của thị trường bất động sản hiện nay có thể lớn hơn rất nhiều so với con số khoảng 92.690 tỷ đồng. Nguồn: internet
Lượng hàng tồn kho của thị trường bất động sản hiện nay có thể lớn hơn rất nhiều so với con số khoảng 92.690 tỷ đồng. Nguồn: internet
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 2/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản của Việt Nam vào khoảng 92.690 tỷ đồng. Theo như những số liệu trên thì lượng tồn kho của thị trường bất động sản đều đã giảm so với tháng 12/2013.
 
Tuy nhiên, chỉ cần dạo quanh các dự án đô thị nằm trên địa bàn Hà Nội thì thấy rằng, hàng tồn kho bất động sản còn quá lớn. Hiện còn nhiều dự án đã hoàn thiện xong nhưng vẫn không có mấy khách hỏi mua như Dự án Tân Tây Đô, Lideco, Văn Phú, Văn Khê, An Hưng.
 
Phần lớn các dự án đô thị tại Hà Nội hiện nay đều được triển khai từ thời điểm 2009 - 2010 khi mà thị trường đang ở giai đoạn nóng nhất. Chính việc chào bán ở mức giá quá cao so với thu nhập của đại bộ phận xã hội đã khiến những chủ đầu tư phải trả giá đắt. Mặc dù các dự án đã được chủ đầu tư giảm giá kích cầu nhưng người hỏi mua không nhiều.
 
Thị trường chưa về đáy vì tồn kho quá lớn
 
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lượng hàng tồn kho của thị trường bất động sản hiện nay có thể lớn hơn rất nhiều so với con số khoảng 92.690 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng báo cáo.
 
Họ cho rằng, thống kê của Bộ Xây dựng là tập hợp từ báo cáo của các doanh nghiệp, mới chỉ dừng lại ở thị trường sơ cấp, trong khi đó lượng hàng còn kẹt, thực tế cũng là tồn kho ở thị trường thứ cấp rất khó thống kê và mức độ là không nhỏ. Nếu chỉ xác định giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư bán ở thị trường sơ cấp thì sẽ không chính xác. Rất nhiều nhà đầu tư gom hàng, đầu cơ và đang kẹt hàng chưa bán được cho người tiêu dùng thực sự. Đó cũng hàng tồn kho.
 
Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng: Thị trường có ghi nhận lượng giao dịch tăng trở lại nhưng chỉ là lượng rất nhỏ. Nhiều khả năng thị trường vẫn chưa chạm đáy vì hàng tồn kho còn rất nhiều và cần phải xả. Đến lúc hàng tồn kho xả thì đó có thể mới là đáy của thị trường.
 
Nếu chỉ xác định giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư bán ở thị trường sơ cấp thì sẽ không chính xác. Rất nhiều nhà đầu tư gom hàng, đầu cơ và đang kẹt hàng chưa bán được cho người tiêu dùng thực sự. Đó cũng hàng tồn kho.
 
Theo ông Trần Như Trung, Nguyên Phó Giám đốc Savills Việt Nam: " Phải đến giữa năm 2014, thậm chí qua năm 2014 chúng ta mới nên quay lại nhìn nhận, đánh giá thị trường được. Vì đáy chỉ được xác lập khi ta đã qua đáy".