TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo cơ chế cho người mua nhà ở xã hội

Theo daibieunhandan.vn

Sáng 27/2 tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ tại TP Hồ Chí Minh”.

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet.
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet.

Hội thảo nhằm huy động lực lượng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp BĐS tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội; nhà ở thương mại giá rẻ; xây dựng lại các chung cư cũ; di dời, tái định cư, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch thành phố. Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và lãnh đạo nhiều sở, ban ngành liên quan.

Báo cáo tại hội thảo, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, TP. Hồ Chí Minh đang rất thiếu nhà ở xã hội cho thuê và loại căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (giá thuê từ 1 - 3 triệu đồng/tháng).

Các ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các trường đại học khác, các khu lưu trú công nhân do Ban Quản lý Khu công nghệ cao và doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố hiện nay mới chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở được khoảng 13%, còn lại khoảng 87% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh.

Dự báo, nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn.

Cũng theo ông Châu, các khu nhà ở xã hội cần phải có hệ thống hạ tầng và kết nối giao thông thuận tiện. Trên thực tế sẽ có nhiều khu nhà ở xã hội quy mô vừa và nhỏ nhưng cần coi trọng quy hoạch phát triển các khu nhà ở xã hội kết hợp với nhà ở thương mại giá rẻ thành khu đô thị chuẩn thấp, có quy mô diện tích đủ lớn (từ 50ha trở lên).

“Cùng với đó, nhà ở xã hội phải hình thành được các dịch vụ và tiện ích đồng bộ như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, công viên, khu vui chơi giải trí, thương mại, dịch vụ, tạo được một số công ăn việc làm tại chỗ, và có không gian sống thoải mái, an ninh cho cư dân sinh sống tại nơi đó” - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Rất nhiều doanh nghiệp tham dự hội thảo phản ánh về việc quá trình xin cấp phép, làm thủ tục cho một dự án bị kéo dài, làm ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian, công sức và làm đội chi phí, ảnh hưởng tới giá thành xây dựng. Đại diện Công ty Thiên Phát cho biết, doanh nghiệp này có dự án đề xuất đã 7 năm đến bây giờ mới được chấp thuận. Đại diện Công ty Địa ốc Hoàng Quân cũng “than” thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu.

Có dự án 2 năm chưa thể thực hiện được cũng chỉ vì vướng vào vòng luẩn quẩn nói trên. Doanh nghiệp này nêu ra một số đề xuất như: minh bạch, công khai trong chuyện đấu thầu, đấu giá quỹ đất; tạo cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, trong đó Sở Xây dựng phải là đầu mối; giải quyết vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp; tạo điều kiện về lợi nhuận theo pháp luật quy định để nhà đầu tư có động lực làm dự án với số lượng nhiều và lâu dài.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, chính quyền phải hỗ trợ bằng cách gia tăng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, số người); giảm lãi vay ngân hàng; giảm các thủ tục đầu tư dự án nhà giá rẻ; đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội khu dân cư từ vài chục đến vài trăm hecta giao cho các doanh nghiệp thi công. Ngoài ra, chính quyền, các cơ quan ban, ngành cũng cần yêu cầu các công ty điện lực, cấp nước phải đầu tư hệ thống cấp điện nước thay cho doanh nghiệp để giảm chi phí.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh không áp dụng một cách máy móc mô hình nhà ở xã hội của Bình Dương, vì đặc thù mỗi nơi khác nhau. Nhưng, cần phải quyết tâm làm nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân có nơi sinh sống và học cách làm sáng tạo của Bình Dương. Nhà ở xã hội phải được hưởng hạ tầng chung của nhà ở thương mại và chất lượng cũng tương đương với nhà ở thương mại với đầy đủ tiện tích.

Theo Bí thư Thành ủy, làm nhà ở xã hội cũng là góp phần tăng trưởng kinh tế. Cần có liên kết chuỗi để cho ra những sản phẩm nhà ở có giá hợp lý, cùng tính toán mức giá, hạ giá như thế nào đó để người dân dễ dàng sở hữu nhà. Không phải cứ làm nhà nhỏ là có giá rẻ mà phải áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới để hạ giá thành.

Bên cạnh đó, khi người dân mua nhà ở xã hội, lúc họ có đủ điều kiện về tài chính, muốn chuyển nơi ở mới tốt hơn thì cũng nên tạo cơ chế thoáng cho họ mua bán, không nhất thiết cứ phải là 5 năm mới được bán. “Người mua nhà ở xã hội cũng có quyền bán mà không chịu sự ràng buộc gì cả, miễn là họ cũng tìm được đúng đối tượng mua nhà là người có thu nhập thấp, có đủ điều kiện mua nhà xã hội” - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh.  

Tại hội thảo, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng nêu trách nhiệm của UBND TP. trong việc tạo quỹ đất côn cho doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Đồng thời hỗ trợ về mặt cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối.