TP. Hồ Chí Minh: Tương lai sẽ trở thành "mãnh hổ Á Châu"?

Theo An Vũ/reatimes.vn

Giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM trung bình khoảng khoảng 128 - 151,9 triệu đồng/m2, bằng 25% giá tại Đài Loan và chỉ bằng một phần nhỏ ở Hồng Kông. Liệu đây có phải là cơ hội để Việt Nam tận dụng lợi thế về giá cả cạnh tranh để hút khách nước ngoài?

Giá nhà mới tại khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh trung bình khoảng 5.500 - 6.500 USD/m2. Nguồn: internet
Giá nhà mới tại khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh trung bình khoảng 5.500 - 6.500 USD/m2. Nguồn: internet

Báo cáo mới đây của Savills cho hay, Singapore là một ví dụ điển hình về một thành phố đắt đỏ, hiện đại bậc nhất châu Á. Được xếp hạng là 1 trong 5 thị trường bất động sản hàng đầu thế giới, Singapore cũng được biết đến với sự phát triển cao cấp và đắt giá khi một căn hộ penthouse tại trung tâm có giá lên đến hàng chục triệu USD. Còn tại Hong Kong, để sở hữu một căn nhà mặt phố tầm nhìn hướng ra “nóc nhà” The Peak, người mua phải bỏ ra đến 48 triệu USD.

Những con số này đã khiến bộ phận Kinh doanh Quốc tế Savills TP. Hồ Chí Minh đặt ra câu hỏi: liệu việc định giá có thể được duy trì, hay các nhà đầu tư nên đánh giá lại chiến lược đầu tư của mình để đầu tư vào các thị trường khác như TP. Hồ Chí Minh chẳng hạn?

Savills lý giải, Việt Nam đã trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn với sự tăng trưởng kinh tế to lớn trong 10 năm qua. Các nhà đầu tư nên đánh giá lại chiến lược đầu tư của họ hoặc xem xét đầu tư vào các thị trường mới nổi như TP. Hồ Chí Minh, bởi giá trị gia tăng thật sự vượt trội nếu so sánh với các thị trường đắt đỏ kể trên.

Với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ những năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Hong Kong, Đài Loan, Trung Hoa… cuối cùng cũng quyết định tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam. Minh chứng là việc thiếu hụt hạn ngạch nước ngoài cho các dự án có vị trí tốt, chất lượng đạt tiêu chuẩn từ các chủ đầu tư uy tín.

Nhu cầu về bất động sản đầu tư tại thị trường Việt Nam đã tăng lên đáng kể từ năm 2015 khi luật nhà ở được mở ra cho các nhà đầu tư quốc tế. Người nước ngoài đang tập trung vốn đầu tư vào Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế về giá cả tương đối cạnh tranh khi so sánh Việt Nam với các quốc gia còn lại trong khu vực châu Á.

Giá nhà mới tại khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh trung bình khoảng 5.500 - 6.500 USD/m2 (tương đương khoảng 128 - 151,9 triệu đồng/m2), bằng 25% giá trị trung bình của BĐS tại Đài Loan, và chỉ bằng một phần nhỏ ở Hồng Kông – nơi giá nhà luôn ở mức cao tại mọi thời điểm. Trong khi đó, tại Đài Loan, chủ sở hữu tài sản phải chịu thêm thuế và phí, còn người mua tại Việt Nam chỉ cần trả 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) và thanh toán một lần 2% phí bảo trì.

Báo cáo của Savills nhận định, trong khi Việt Nam vẫn còn là nước đang phát triển, thì những người thuộc nhóm HNWI (cá nhân có giá trị tài sản ròng cao) vẫn tăng đáng kể trong 10 năm qua. Theo đó, với nguồn cung mới của các tòa nhà cao cấp được giới hạn trên toàn thành phố, dù giá cả duy trì ở mức cao nhưng những dự án có chất lượng lẫn vị trí tốt vẫn sẽ nhanh chóng được hấp thụ

Cũng theo báo cáo The Wealth Report do đơn vị tư vấn bất động sản tự do Knight Frank (thuộc Vương quốc Anh) công bố, những cá nhân có giá trị ròng cực cao (UHNWI) ở Việt Nam đã tăng trưởng đến 320% - đây là tỷ lệ cao nhất thế giới từ năm 2006 - 2016, theo sau là Ấn Độ và Trung Quốc. Chỉ số này dự kiến tăng khoảng 170% từ 2016 - 2020 và vẫn là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới giai đoạn này.

Savills dự báo, phân khúc bất động sản cao cấp có xu hướng tăng trưởng cao và cơ hội đầu tư dài hạn, sở hữu được tiềm năng tăng giá vốn bởi Việt Nam đang có sức bật kinh tế tốt. Nói cách khác, mặc dù chặng đường để phát triển như Hồng Kông và Singapore vẫn còn rất dài phía trước, nhưng Savills nhận định tương lai trở thành một “mãnh hổ Á châu” của Việt Nam vẫn đang trong tầm với, khi cộng hưởng bởi nền kinh tế vĩ mô ổn định, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều và đặc biệt là giữ được giá cả phải chăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia Savills, đây chính là thời đại của giới đầu tư châu Á, khi điều bất ngờ nhất chúng ta có thể thấy rằng sự xung đột của ý thức hệ và sự trưởng thành của một tầng lớp thượng lưu kiểu mới lại là sự thúc đẩy tốt nhất cho thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế châu lục nói chung.