Trả lại lãi suất cho thị trường

Đầu tư chứng khoán

Lãi suất đã giảm về mức cuối năm 2007 và vẫn còn sức ép giảm, nhưng sức ép về việc trả cơ chế vận hành lãi suất theo thị trường lại còn lớn hơn.

So với những tháng đầu và giữa năm, hiện lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng đã giảm khá sâu. Cụ thể, lãi suất tiền gửi mức cao nhất chỉ còn khoảng 9 - 10%/năm, trần lãi suất cho vay là 15%/năm. Lãi suất đã giảm nhưng lượng vốn cho vay ra vẫn không được nhiều. Để kích cầu tiêu dùng, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ còn tiếp tục hạ lãi suất cơ bản để kéo mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn nữa.

Theo các ngân hàng, hạ lãi suất cơ bản thì không vấn đề gì, nhưng hạ lãi suất cơ bản sẽ kéo trần lãi suất xuống thấp hơn nữa thì vẫn bó buộc ngân hàng, vẫn khó có thể triển khai dịch vụ cho vay tiêu dùng, đi ngược lại với mục tiêu kích cầu hiện nay.

Trao đổi với ĐTCK, Phó tổng giám đốc Eximbank Đào Hồng Châu đưa ra dự báo, nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục giảm thêm trong tháng này hoặc chậm nhất là vào đầu năm 2009. Mức thấp nhất trước mắt có thể là 9%/năm và khó có thể loại trừ khả năng sẽ giảm thêm.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cũng đưa ra nhận định, khả năng lãi suất cơ bản giảm chỉ còn là vấn đề về thời gian. Nhưng theo ông Hải, nếu với quan điểm giảm lãi suất để kích cầu cho vay, đặc biệt với lĩnh vực tiêu dùng trong lúc này chưa hẳn đã có tác dụng. Bởi theo ông Hải, rủi ro đối với các khoản vốn cho vay tiêu dùng luôn cao hơn so với tín dụng doanh nghiệp, rủi ro đối với khoản vốn cho vay tiêu dùng phải trích lập dự phòng đến 5%. Với mặt bằng lãi suất hiện nay, nhiều khoản vay tiêu dùng phải có lãi suất vượt mức trần 15%/năm thì mới có thể triển khai được.

Đây cũng là nhận định của nhiều ngân hàng khác. Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, nếu chỉ giảm lãi suất cơ bản thì mới giải quyết được một phần vấn đề là doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn rẻ hơn. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp hiện nay cũng không muốn vay, bởi việc mở rộng sản xuất đang khó khăn do thị trường suy giảm, đối tượng kích cầu chính là những người tiêu dùng thì ngân hàng khó triển khai được các sản phẩm do vướng trần lãi suất.

Nếu lãi suất cơ bản giảm dưới 10%/năm và tiếp tục quy định trần sẽ khó có thể khơi thông được vốn vào nền kinh tế. Đây là một trong những đánh giá của Nhóm nghiên cứu độc lập BIDV vừa đưa ra, nhóm này cũng đề xuất một giải pháp khá mạnh đó là cần hủy bỏ cơ chế "lãi suất trần" để sớm trở về cơ chế lãi suất thỏa thuận. Vì bản chất của lãi suất cơ bản là để định hướng chứ không phải là mức lãi suất làm căn cứ để ép buộc việc ấn định mức lãi suất cho tất cả các khoản vay có độ rủi ro khác nhau. Có như vậy, mới phát triển được cho vay tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Theo TS. Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, lãi suất cơ bản dần đi xuống sẽ giảm được áp lực cho những người cần vốn. Việc áp dụng trần lãi suất cho vay bằng 150% lãi suất cơ bản sẽ ngăn chặn được cho vay nặng lãi.

Nhưng TS. Nguyễn Quang A cũng thừa nhận, nếu hạn chế lãi suất đầu ra theo quy định trên thì lại bó các ngân hàng. Mặt khác, theo ông Quang A, trước đây khi lạm phát tăng cao ngân hàng siết chặt tín dụng. Hiện lạm phát đã giảm mạnh, kích cầu là biện pháp cần thiết để chống đà suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng, kích cầu phải làm sao ngăn chặn được tình trạng lạm phát bùng phát trở lại. Vì vậy, giảm lãi suất cơ bản phải đi kèm với giải pháp khơi thông vốn ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng còn quá thận trọng trong cho vay.

Đây cũng là đòi hỏi tất yếu để hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình triển khai tín dụng. Chính vì vậy, giải pháp cần thực hiện lúc này là giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời hài hòa được lợi ích cho các ngân hàng, bù đắp được rủi ro đối với các khoản vốn cho vay ra.

"Cho vay tiêu dùng của Việt Nam hiện chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, cần kiểm soát chặt khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu một nền kinh tế đang phát triển và tín dụng tiêu dùng bùng phát quá mạnh chắc chắn sẽ không tránh khỏi nguy hiểm. Nhưng nếu một đất nước mà tín dụng tiêu dùng không tăng trưởng thì khó khăn sẽ còn nhiều hơn", TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh.