Trào lưu “Tây hóa” các dự án bất động sản: Sính ngoại liệu có hay?

Theo Diệu Anh/baoxaydung.com.vn

Hiện nay, thị trường bất động sản phát triển ngày càng mạnh mẽ, hàng loạt khu chung cư lớn nhỏ từ hạng sang đến bình dân mọc lên, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho hàng trăm nghìn người. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư đặt tên nước ngoài cho các khu chung cư khiến người dân gặp không ít khó khăn trong quá trình gọi tên, sử dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cách đặt tên gọi một dự án thường toát lên đặc điểm nhận dạng về vị trí, dòng sản phẩm, cảnh quan, phong cách thiết kế, đối tượng khách hàng… Không những thế, tên gọi dự án còn là một trong những yếu tố tiếp cận và thu hút người mua đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng đang bị “bủa vây” trước hàng trăm tên gọi các dự án nghe na ná nhau, hoặc tiếng Việt tiếng nước ngoài lẫn lộn, khó nhớ, khó đọc…

Hiện nay, phần lớn các dự án, khu nhà ở từ nhỏ đến lớn đều đặt tên theo tiếng Anh, thậm chí cả tiếng Pháp, có những dự án còn đặt tên dài loằng ngoằng và rất khó nhớ như Roman Plaza (Hà Nội), Angela Boutique Serviced Residence (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh), River Garden Executive Residences (Quận 2, TP. Hồ Chí Minh), New Generation Apartment (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), The Era Royal Plaza (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh), Somerset Chancellor Court (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), hay XI Riverview Palace (Quận 2, TP. Hồ Chí Minh), Centana Grand Saint Simeon (Bà Rịa – Vũng Tàu); hay nửa Tây nửa ta như Berriver Long Biên (Hà Nội), Florence Mỹ Đình (Hà Nội); hoặc tên các dự án na ná nhau như Dream Home Palace và Dream Home Residence, Dream Home Luxury Apartment…

Việc đặt tên các dự án như trên khiến nhiều người dân đọc sai, đọc nhầm, thậm chí không thể nhớ tên nơi mình đang ở vì không phải ai cũng thành thạo ngoại ngữ.

Trên thực tế, không ít những tình huống “dở khóc, dở cười” với cư dân sống ở các khu chung cư có những cái tên đọc đến “trẹo cả lưỡi”.

Những tình huống này thường rơi vào trường hợp người có tuổi. Điển hình như trường hợp của ông Minh Hải (Hà Nội), sau thời gian dài tìm mua nhà, ông Hải khá hài lòng với căn hộ cao cấp tại Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). Nhưng khi về ở rồi, ông không thể nhớ nổi cái tên nghe rất Tây của dự án để khoe với người thân, bạn bè. Ông cũng không thể đọc được bởi không biết tiếng Anh mà chỉ nói được địa chỉ của dự án.

Tương tự như trường hợp của mẹ anh Trung sống ở chung cư Goldenland Building (Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) đã nhiều năm nay nhưng bà vẫn không thể nhớ nổi cái tên chung cư nơi mình ở. Mỗi lần có người thân từ quê hỏi địa chỉ hay đến thăm thì bà cũng đành chịu vì không biết nơi mình đang ở cụ thể tên là gì.

Bên cạnh đó, nhiều người dân ở các khu chung cư có tên nước ngoài, đặc biệt là các dự án có tên dài còn gặp rắc rối khi đi làm các thủ tục giấy tờ như chứng minh nhân dân, visa, hộ chiếu…. Do những loại giấy tờ này quá bé nên ở phần ghi địa chỉ, riêng cái tên của khu chung cư cũng đã chiếm hết, tên phường/xã, quận/huyện không còn đủ chỗ để ghi tiếp. Cũng có những trường hợp chỉ cập nhật được mỗi số căn hộ, tên đường, phường mà không còn đủ chỗ để ghi tên chung cư, khu phố…

Việc đặt tên cho các dự án nhà ở quy định rõ tại Điều 19, mục 1, chương III Luật Nhà ở 2014: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.

Nhưng thực tế hiện nay vẫn có tình trạng các dự án đua nhau đặt tên nước ngoài, gây ra không ít khó khăn, rắc rối cho người dân sinh sống ở các khu chung cư này.