TTCK Việt Nam: Một tuần ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thế giới

Theo Vietstock

TTCK thế giới sụt giảm mạnh trong tuần; chỉ số Dow Jones đã mất 444.99 điểm vào ngày 20/11, đóng cửa tại mức 7,552.29. Khủng hoảng tài chính giờ đây đã lan sang hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành bán lẻ, sản xuất ô tô và các mặt hàng không thiết yếu. Tình trạng thất nghiệp ở Mỹ đã tiến dần đến mức cao nhất kể từ năm 1982. Các chuyên gia của OECD cho rằng, kinh tế toàn cầu ít có cơ hội phục hồi cho đến nửa cuối năm 2009, trong đó tốc độ suy thoái mạnh nhất rơi vào quý 4/2008 và quý 1/2009.

 

Bi quan kinh tế tài chính thế giới

Kinh tế thế giới tại tiếp tục một tuần lễ u ám. Suy thoái, thất nghiệp, xuất khẩu sụt giảm là mối ám ảnh của các quốc gia toàn cầu. Thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh trong tuần; chỉ số Dow Jones đã mất 444.99 điểm vào ngày 20/11, đóng cửa tại mức 7,552.29.

Khủng hoảng tài chính giờ đây đã lan sang hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành bán lẻ, sản xuất ô tô và các mặt hàng không thiết yếu. Viễn cảnh của ngành công nghiệp thế giới đang rất ảm đạm. Ngành công nghiệp ô tô, vốn có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU đang rơi vào tình trạng khó khăn, lao động bị sa thải hàng loạt và đang cần đến sự trợ giúp khẩn cấp từ chính phủ. Doanh nghiệp trong ngành tài chính cũng không sáng sủa hơn, cổ phiếu các doanh nghiệp liên tục giảm và các công ty phải cắt giảm nhân sự. Điển hình, cổ phiếu của tập đoàn Citigroup mất lần lượt là 23% và 26.41% giá trị vào ngày thứ 4 và thứ 5 tuần này. Tập đoàn này cũng cắt giảm 14% nhân sự. Tình trạng thất nghiệp ở Mỹ đã tiến dần đến mức cao nhất kể từ năm 1982. Các chuyên gia của OECD cho rằng, cùng với triển vọng không chắc chắn, kinh tế toàn cầu ít có cơ hội phục hồi cho đến nửa cuối năm 2009. Dự đoán năm 2009, mức suy thoái tại Mỹ là 0.9%, Nhật Bản 0.1% và các nước thuộc khu vực đồng Euro là 0.5%, trong đó tốc độ suy thoái mạnh nhất rơi vào quý 4/2008 và quý 1/2009.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Nhật Bản tiếp tục rơi vào suy thoái sâu, đồng Yên lên giá mạnh so với USD và các đồng tiền khác trên thế giới. Xuất khẩu trong tháng 10 của Nhật giảm đến 7.7% so với tháng trước. Quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng ngại khi tốc độ tăng trưởng công nghiệp của nước này đã giảm sút liên tục từ 16% hồi tháng 6 xuống còn 11.4% trong tháng 9 và 8,2% trong tháng 10, thấp nhất trong 7 năm qua.

Giá dầu thô trên thế giới liên tục giảm trong tuần này, mức giá thấp nhất đã dưới 45USD/thùng do giới đầu tư dự đoán nền công nghiệp thế giới trên đà suy giảm làm cho nhu cầu dầu thô đã sụt giảm mạnh. Giá vàng trên thế giới có dấu hiệu tăng trở lại khi giá vàng giao tháng 12 tăng lên 12.7 USD/oz và ở mức 748.7 USD/oz, xuất phát dự đoán FED cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0.75% và đồng USD ngừng tăng giá.

Thị trường chứng khoán trên thế giới liên tục giảm điểm trong tuần vừa qua, chỉ duy nhất một ngày trong tuần là vào thứ 3 thị trường chứng khoán Châu Âu và Mỹ tăng nhẹ. Ngay sau đó vào ngày thứ 4 và thứ 5 thị trường chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt giảm 3-7%. Chỉ số S&P 500 đã giảm 52% trong năm 2008, giá trị vốn hóa của 500 tập đoàn trong chỉ số này còn gần 7.000 tỷ USD, mức thấp nhất trong 11 năm qua. Gói kích thích kinh tế gần 600 tỷ USD của Trung Quốc cũng chỉ làm cho TTCK Trung Quốc tăng 2 ngày trong tuần, các TTCK còn lại ở Châu Á liên tục giảm điểm.

Trước tình hình đó, chính phủ các nước liên kết cứu vãn nền kinh tế và tài chính thế giới. Tổ chức 20 nước công nghiệp phát triển nhất - G-20 đã nhóm họp để bàn các giải pháp đối phó với tình hình khủng hoảng, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới cũng đang nỗ lực giúp các quốc gia trên thế giới đối phó với khủng hoảng. Trong tuần này Liên minh Châu Âu (EU) lập kế hoạch tung ra gói thúc đẩy kinh tế 130 tỷ EURO, dự kiến thông qua ngày 10/12 tới nhằm vực dậy nền kinh tế trong khối. Nhiều khả năng ECB và BoE, FED tiếp tục hạ lãi suất cơ bản trong thời gian tới.

Kinh tế trong nước: Đối mặt khó khăn chung

Kinh tế trong nước đón nhận một số tin hỗ trợ như giá xăng dầu tiếp tục giảm 1,000 đồng/lít vào hôm thứ 6 tuần trước, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay. Điển hình là Vietcombank đã hai lần giảm lãi suất trong tuần này và hiện tại còn 12%. BIDV cũng có chương trình cho vay ưu đãi với doanh nghiệp vừa và nhỏ có thị trường tiêu thụ ổn định, hoặc doanh nghiệp thuộc các ngành năng lượng, xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc chữa bệnh, thu mua lúa gạo, xuất khẩu với lãi suất tối đa chỉ còn 14%/năm. Ngày 20/11 NHNN tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống chỉ còn 11%, lãi suất tái cấp vốn 12% và lãi suất chiết khấu 10%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng giảm thêm 2%. Mặc dù vậy, những thông tin tích cực đó hầu như không có tác động gì đến thị trường chứng khoán trong nước.

Ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn phải thu hẹp sản xuất, doanh số sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao và đang đứng trước nguy cơ phá sản. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp mua nguyên vật liệu lúc giá cao bây giờ giá nguyên liệu giảm rất mạnh nên phải chịu lỗ và trích lập dự phòng hàng tồn kho lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn khi giá và sức cầu của nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh. Hiện tượng phá sản các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, lĩnh vực thâm dụng lao động, bắt đầu diễn ra, điều này sẽ tác động xấu đến tình trạng thất nghiệp và các vấn đề an sinh xã hội.

Cùng với tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế, trong tuần qua cũng xuất hiện nhiều thông tin đáng lo ngại khi một số hiệp hội của một số ngành như bảo hiểm, taxi, thép, sữa liên kết không giảm giá hoặc nâng giá một cách bất hợp lý, đi ngược với xu thế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Mặc dù giá dầu thế giới đã giảm khá mạnh nhưng với chính sách thuế và tình trạng kinh doanh xăng dầu trong nước như hiện nay nên giá xăng dầu trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Những yếu tố bất lợi đó càng gây thêm khó khăn cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Tỷ giá USD-VND tại các NHTM trong tuần tương đối ổn định, dao động quanh mức 16,970 VND/USD, trên thị trường tự do dao động quanh mức 17,400 VND/USD. Giá vàng trong nước không có nhiều biến động. Vàng JSC quanh mức 16.38triệu đồng/lượng, tiếp tục duy trì cao hơn thế giới từ 1 đến 1.1 triệu đồng/lượng.

Khủng hoảng tài chính đã lan sang hầu hết các lĩnh vực kinh tế làm cho nền kinh tế thế giới tiếp tục trên đà suy giảm. Những khó khăn của các doanh nghiệp càng lớn và sẽ tác động ngược lại hệ thống tài chính, xã hội. Nguy cơ về một vòng xoáy khủng hoảng đang hiện diện. Tình trạng kinh tế thế giới tiếp tục xấu và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Kinh tế trong nước đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản. Thị trường đang rất cần các giải pháp đồng bộ khác như gói kích thích kinh tế, chính sách giảm thuế và các biện pháp điều tiết thị trường một cách hợp lý. Xu hướng chung kinh tế trong nước tiếp tục phải đối phó với nhiều khó khăn trong thời gian tới.

TTCK Việt Nam: Thiết lập đáy mới

Thị trường đóng cửa với cả năm phiên giảm điểm liên tục cho thấy sự bi quan và nỗi lo sợ của các nhà đầu tư. Giao dịch ảm đạm trong ba phiên đầu và sôi động trở lại vào hai phiên cuối tuần với sự tăng lên đáng kể trong giá trị giao dịch.

VN-Index đóng cửa tại mức 318.96 điểm, giảm 33.11 điểm (tương ứng giảm 9.4%) so với cuối tuần trước. Không hề xuất hiện các con sóng lên trong tuần, nỗ lực bật dậy của VN-Index chỉ diễn ra trong giây lát và nhanh chóng bị dập tắt bởi nguồn cung mạnh mẽ.

Giao dịch tuần này tách thị trường ra làm 2 phần: Ba ngày đầu tuần các lệnh mua khá dè dặt và chỉ đặt ở mức giá thấp trong khi các lệnh bán chỉ chấp nhận mức giá cao khiến cho sự lệch pha từ tuần trước tiếp tục kéo dài. Có vẻ như các bên đang cố gắng đánh giá lại mức giá hợp lý của các công ty niêm yết.

Hai ngày cuối tuần đã có sự thay đổi lớn về phía cung, lệnh bán không còn kiên nhẫn chờ đợi sự quay đầu của VN-Index và chấp nhận bán mạnh ở mức giá thấp. Chính sự thay đổi này đã tạo nên sự sôi động trong giao dịch, tính thanh khoản được cải thiện đáng kể. Nhưng điều này cũng khiến cho nhà đầu tư cảm giác bất an: Tại sao lực cung lại chấp nhận bán mạnh ở mức thấp hơn so với 3 ngày trước đó? Diễn biến giao dịch realtime qua các phiên cho thấy khoảng cách mức giá cao nhất và thấp nhất trong ngày rất nhỏ, chênh lệch nhiều nhất 7 điểm. Thêm nữa, khung thời gian cho mức giá cao nhất tồn tại rất ngắn, chứng tỏ thị trường vẫn mất niềm tin và tiếp tục quan điểm “giá lên là bán”.

Thói quen theo dõi các thị trường chứng khoán lớn quay trở lại khi khắp thế giới vẫn xuất hiện thêm các tin tức vĩ mô xấu. Và do đó, sự sụt giảm mạnh của các thị trường lớn tiếp tục gây áp lực lên thị trường chứng khoán trong nước. Đặc biệt khi S&P chỉ còn 752.44 điểm, giảm 6.7% và là mức thấp nhất kể từ năm 1997 đến nay; Dow Jones chỉ còn 7,552.29 điểm, mất 5.6%. Sự trượt dốc của 2 chỉ số này là kết quả mất niềm tin và thái độ bi quan về nền kinh tế. Và dường như diễn biến giao dịch cho thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện lại ngay kết quả của các thị trường lớn. Sự giảm giá cổ phiếu trong nước được chấp nhận từ rất sớm qua các phiên giao dịch.

Mức đáy 322.8 điểm vừa qua đã chính thức bị xuyên thủng dễ dàng ngay từ đợt 1 phiên giao dịch cuối tuần xuống còn 315.5 điểm. Khối lượng và giá trị giao dịch bình quân trong tuần giảm sút mạnh, chỉ còn 11,715,848 cổ phiếu/phiên tương ứng 296.37 tỷ đồng/phiên, mất 13.97% và 21.34% so với bình quân tuần trước.

Khuyến nghị đầu tư: Rủi ro khá lớn

Các mốc chỉ số, thống kê, lãi suất của thế giới và Việt Nam liên tục bị phá vỡ trong một khung cảnh xấu báo hiệu cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp tục kéo dài. Các phân tích kỹ thuật cũng không cho thấy các tín hiệu khả quan. Mặc dù xuất hiện một số điểm sáng nhỏ nhoi tại một số cổ phiếu, chúng tôi tin rằng đầu tư vào giai đoạn này sẽ phải nhận một mức rủi ro khá lớn.