Từ sự cố ACB, nhìn về bảo hiểm tiền gửi

Theo Nhịp cầu đầu tư

Tại sao DIV không ra mặt và lên tiếng để vừa bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền, vừa giúp được ACB?

Từ sự cố ACB, nhìn về bảo hiểm tiền gửi

Chuyện người dân vội vã đi rút tiền từ ngân hàng Á Châu (ACB) sau vụ bắt bầu kiên là điều bình thường. Chuyện đồng loạt rút tiền cũng rất phổ biến trên thế giới. Cuộc Đại khủng hoảng 1930 ở Mỹ cũng bắt đầu từ việc người dân ùn ùn kéo đến rút tiền khi không còn tin vào khả năng chi trả của ngân hàng.

Sau giai đoạn đó, Mỹ lập ra một tổ chức độc lập cung cấp các khoản bảo hiểm cho người gửi tiền. FDIC ra đời với hy vọng bảo vệ được niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính.

Ở Việt Nam, ít người quan tâm và cũng ít có nhân viên tín dụng nào đề cập đến vấn đề bảo hiểm trên mỗi hợp đồng gửi tiền vào ngân hàng. Chỉ gần đây, người dân mới biết đến Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV).

Tổ chức này ra đời từ năm 1999, bao gồm sự tham gia của toàn bộ các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính phi ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân. DIV có nhiệm vụ phải chi trả bảo hiểm cho khoản tiền gửi khi các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi xảy ra sự cố và giám sát thanh tra các hoạt động của các tổ chức này.

Quy mô của DIV vẫn còn khiêm tốn với nguồn thu chủ yếu đến từ phí bảo hiểm và đóng góp từ các tổ chức tín dụng. Theo số liệu của DIV, tính đến cuối năm 2011, tổng số phí thu được từ các tổ chức tham gia là 6.074 tỉ đồng, với mức tăng trung bình hằng năm trên 20%.

Quay trở lại với cuộc khủng hoảng gần đây của ACB, có một câu hỏi đặt ra là tại sao DIV không ra mặt và lên tiếng để vừa bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền, vừa giúp được ACB?

Nhưng có lẽ DIV không làm được điều đó. Hạn mức chi trả tối đa DIV đặt ra chỉ có 50 triệu trên mỗi tài khoản tiết kiệm. Một người gửi 1 tỉ đồng mà được đền bù 50 triệu đồng khi ACB có sự cố, rõ ràng không thể trông chờ DIV.

Do vậy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc cải thiện hạn mức chi trả sẽ tăng cường đáng kể niềm tin vào hệ thống tài chính.

Bài học từ FDIC của Mỹ cũng mang lại câu hỏi thứ hai là tại sao không tận dụng DIV để xử lý khối nợ xấu trong ngân hàng.

FDIC là cơ quan góp phần thanh lọc “ngân hàng độc hại” ở Mỹ. Bằng năng lực và sự tiếp cận nhanh chóng của mình, FDIC tiếp quản các ngân hàng nhiều nợ xấu, thanh lý tài sản hoặc đóng cửa các ngân hàng yếu kém nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của người gửi tiền.

Nguồn lực của DIV rõ ràng là chưa đủ sức để làm chuyện trên. Quy mô nguồn vốn quỹ hiện tại quỹ cũng không đảm bảo đáp ứng xử lý 2 ngân hàng quy mô trung bình đổ vỡ, như chính tổ chức này thừa nhận.

Nhưng tại sao lại không kết hợp giữa ý tưởng thành lập một công ty mua bán nợ với DIV để hoạt động tương tự như FDIC?

Nguồn thu cho quỹ xử lý các ngân hàng nhiều nợ xấu có thể tận dụng từ chính việc thu phí bảo hiểm từ các tổ chức tài chính. Hiện tại, hệ thống thu phí đồng hạng được áp dụng với mức 0,15% trên số dư tiền gửi được bảo hiểm. Hệ thống này mang tính cào bằng và không thể hiện được mức độ rủi ro của từng ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Do đó nếu triển khai thu phí bảo hiểm từng khoản tiền gửi theo mức độ rủi ro, các ngân hàng buộc phải tự bỏ tiền bảo hiểm thêm cho chính các khoản tiền gửi và có trách nhiệm hơn trong các khoản cho vay của mình.

Xem ra trách nhiệm tương lai của DIV là rất lớn. Tổ chức này sẽ phải học hỏi và thay đổi để có thể bảo hiểm tiền gửi người dân một cách đúng nghĩa.