Tuyên chiến với dự án “treo”

Theo Minh Xuân/saigondautu.vn

Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết hơn 5 năm qua với nhiều biện pháp kiên quyết xử lý, TP đã thu hồi 576 dự án do chủ đầu tư chậm triển khai, gây lãng phí đất đai với tổng diện tích khoảng 5.900ha.

Trong số diện tích đất đã bị thu hồi, TP đã cho bán đấu giá một số khu đất, thu về cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
Trong số diện tích đất đã bị thu hồi, TP đã cho bán đấu giá một số khu đất, thu về cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, đã có gần 130 dự án treo được xóa, với tổng diện tích gần 1.500ha. TP cũng đã xóa quy hoạch treo và chấm dứt gia hạn chủ trương chấp thuận đầu tư đối với 20 dự án tại khu đô thị mới Nam TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, người dân trong khu vực đã xóa dự án treo sẽ được khôi phục những quyền lợi về nhà, đất theo quy định. Theo đó, người dân sẽ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp giấy phép xây dựng tạm trong 5 năm, nếu khu vực đã có quy hoạch chi tiết (1/500); hoặc được cấp giấy phép xây dựng chính thức nếu có quy hoạch phân khu (1/2.000). 

Việc tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong những dự án vừa được xóa quy hoạch treo cũng sẽ được thực hiện theo quy hoạch. Đáng chú ý, nhà và đất của người dân trong các khu vực vừa xóa quy hoạch treo sẽ được cấp giấy chủ quyền, để thực hiện các quyền lợi hợp pháp về tài sản của mình. Đây là điều bà con trong vùng quy hoạch treo bao năm đã khắc khoải đợi chờ.
Thực tế, trong suốt thời gian dài, các dự án treo tại TP. Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, làm chậm quá trình phát triển kinh tế, cũng như gây lãng phí nguồn lực đất đai. Số liệu thống kê vừa được Sở Tài nguyên môi trường (TN-MT) TP công bố, cho thấy trên địa bàn có tới 1.300 dự án đang bị treo. Đây là những dự án được cấp phép từ lâu và quá hạn triển khai, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành xây dựng.
Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định, đất đô thị giao doanh nghiệp thực hiện dự án 24 tháng, và chỉ được gia hạn thêm 1 lần 24 tháng, nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi. Thế nhưng các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi do sự thiếu cương quyết của chính quyền. 
Hàng trăm dự án treo, có những dự án kéo dài đến 26 năm đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP. Hồ Chí Minh. Rất nhiều doanh nghiệp xin dự án để xí phần, không triển khai hoặc triển khai ì ạch gây lãng phí quỹ đất đồng thời gây bức xúc cho người dân có đất nằm trong vùng dự án.
Năm 2014, TP. Hồ Chí Minh đã có đợt xóa sổ dự án treo đầu tiên bằng việc xử lý thu hồi, hủy bỏ 536 dự án chậm triển khai với diện tích hơn 5.300ha (trong đó có 469 dự án chấp thuận địa điểm đầu tư và 67 dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất). Mới đây, UBND TP đã yêu cầu Sở TN-MT lập tổ công tác rà soát, xem xét thu hồi các dự án chậm, không thể triển khai.
Qua rà soát 2.758 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất, Sở TN-MT xác định có 215 dự án chậm triển khai. TP giao sở này trong quý IV này phải tập trung đề xuất xử lý 215 dự án đó.
Liên quan đến dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa, lãnh đạo UBND TP thông tin sắp tới, TP sẽ tổ chức đấu thầu dự án này và có ít nhất 4 nhà đầu tư lớn sẽ thực hiện dự án, trong đó có nhà đầu tư đồng ý ứng 3 tỷ USD để triển khai. Hiện nay, Sở KH-ĐT đang đưa ra những tiêu chí để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. 
Hiện TP. Hồ Chí Minh còn hơn 500 dự án treo, nhiều dự án không thể triển khai tiếp. Từ 2019, chính quyền sẽ thu hồi đất nếu sau 3 năm nhà đầu tư không triển khai xây dựng. Tuy nhiên, để làm được điều này, chỉ quyết tâm của người lãnh đạo TP chưa đủ.
Bởi lẽ, từ lâu nay TP đã nhiều lần tuyên chiến với các dự án treo, quy hoạch treo. Nhưng thực tế việc triển khai thực hiện của các cơ quan chức năng và địa phương còn thiếu quyết liệt, thậm chí không thực hiện. Trước tình hình này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các quận, huyện lập ngay các tổ liên ngành rà soát tất cả dự án chậm tiến độ. UBND cũng yêu cầu lãnh đạo quận huyện phải thường xuyên đi cơ sở để kiểm tra, kiểm soát thái độ, tác phong làm việc của cán bộ.  
Trước mắt Sở TN-MT sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát tình hình các dự án chậm triển khai hơn 10 năm, nhằm xóa bỏ tận gốc các dự án chậm triển khai, dự án treo. UBND các quận huyện sẽ niêm yết công khai thông tin dự án thu hồi hoặc dự án được gia hạn để người dân giám sát, đồng thời giải quyết quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật. Kỳ vọng, khi trên thoáng, dưới thông, các dự án treo tại TP sẽ không còn nữa.