Vân Đồn và cơ hội đột phá từ quy hoạch mới cùng sự đầu tư đồng bộ

Theo Nguyên Hà/reatimes.vn

“Viễn cảnh Vân Đồn” đến năm 2040 đã được Thủ tướng phê duyệt là khu kinh tế đa ngành, trung tâm du lịch sinh thái biển và là đầu mối giao thương quốc tế. Quy hoạch mới đã mở ra cơ hội lớn cho vùng đất “Rồng bay” này.

Phối cảnh dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City. Nguồn: internet
Phối cảnh dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City. Nguồn: internet

Quy hoạch mới "thắp sáng" tiềm năng Vân Đồn

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 được Thủ tướng phê duyệt, Vân Đồn có diện tích khoảng hơn 2.170km2. Trong đó, diện tích đất tự nhiên là gần 582km2, diện tích vùng biển là gần 1.590km2.

Về tính chất, Vân Đồn sẽ trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiêp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp. Nơi đây sẽ là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Vân Đồn cũng được quy hoạch trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, bền vững và có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

Với những tiềm năng, cơ hội phát triển đặc biệt, khu kinh tế Vân Đồn là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang - một vành đai” kinh tế Việt - Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi có thể hoạch định các dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư. Nhiệm vụ của Quảng Ninh là triển khai quy hoạch, giao cho các cơ quan có liên quan tập trung lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu, kêu gọi các nhà đầu tư có quy chế, quy định để quản lý quy hoạch này, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, xây dựng, thành lập ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 15/5 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập ban quản lý thí điểm khu kinh tế đa ngành Vân Đồn, cho thấy rằng, huyện đảo này đã sẵn sàng cho bước phát triển bứt phá mới trong thời gian tới.

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Xuân Trưởng, Giám đốc Kinh doanh Hải Phát Land nhận định, Vân Đồn là một huyện đảo có nét hoang sơ hiếm có, trong những năm gần đây được Chính phủ quan tâm đặc biệt, diện mạo Vân Đồn đã thay đổi rất nhanh. Các ông lớn bất động sản không hề e dè đầu tư vào Vân Đồn khi cơ sở hạ tầng đã rất hoàn thiện.

Cần những tổ hợp du lịch đẳng cấp

Từ huyện đảo nghèo, hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở đều thiếu thốn, đến nay, đô thị Vân Đồn đã hoàn toàn thay đổi, khang trang, hiện đại với các tuyến giao thông kết nối được mở rộng, đầu tư mới, các khu đô thị quy hoạch đồng bộ... Đây là những tiền đề quan trọng để xây dựng Vân Đồn thành khu kinh tế biển hiện đại, trung tâm tài chính - du lịch của khu vực trong tương lai.

Hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn trên cả nước như Vingroup, Sun Group, Tập đoàn CEO, FLC, HD Mon... đã sớm nhận ra tiềm năng lớn của Vân Đồn và sớm có mặt tại thị trường này. Nhiều dự án được rót vốn hàng ngàn tỷ đồng, hứa hẹn sẽ mang đến cho thị trường bất động sản nơi đây nhiều nguồn sản phẩm đa dạng và chất lượng.

Điển hình như Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO với quy mô 358,3ha tại xã Hạ Long (huyện Vân Đồn). Đây là khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các khách sạn quốc tế, phố thương mại, bến du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế, khu nghỉ dưỡng riêng tư trên đảo Sonasea Island Retreat…

Bên cạnh đó, Tập đoàn CEO cũng tích cực hoàn thiện phân khu Sonasea Vân Đồn Complex với quy mô hơn 1.000 phòng khách sạn. Hợp tác quản lý cùng Accor, Sonasea Vân Đồn Complex mang đến không gian lưu trú cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo nền tảng cho du lịch Vân Đồn cất cánh.

“Vân Đồn thu hút được nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và các doanh nghiệp cũng rất mạnh dạn khi đầu tư vào đây. Ví dụ như hạ tầng sân bay được đầu tư phát triển, hay các dự án của CEO Group cũng rất lớn”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định và nhấn mạnh, đầu tư vào các dự án đồng bộ ở Vân Đồn sẽ rất được các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian tới.

Theo vị chuyên gia, sự có mặt của các chủ đầu tư lớn sẽ mang đến cho thị trường bất động sản Vân Đồn nhiều nguồn sản phẩm phong phú, đa dạng và chất lượng. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản tại Vân Đồn đã và đang được địa phương chú trọng, thực hiện nghiêm túc, chắc chắn sẽ kiểm soát tốt và làm lạnh mạnh thị trường.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, để đầu tư bất động sản hiệu quả cao và sinh lời bền vững, nhà đầu tư cần phải đánh giá được lực hút khách của dự án mà mình đang xem xét, khả năng kinh doanh ổn định và tính bền vững của dự án. Dự án càng đầu tư đồng bộ, đa dạng thì càng có nhiều khả năng sinh lời tốt.

PGS.TSKH. Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế & Chính trị thế giới cũng nhìn nhận rằng, để phát triển dịch vụ du lịch đa dạng, nhất thiết phải tổ chức và đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch đa công năng, đa tiện ích, đặc biệt là tại các khu kinh tế chưa có hạ tầng du lịch phát triển như Vân Đồn.

Tổ hợp nghỉ dưỡng phải bao gồm khách sạn quốc tế, căn hộ nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển và trung tâm hội nghị quốc tế; Dãy nhà phố thương mại; Công viên rừng; Quần thể tiện ích dịch vụ và Tổ hợp các công trình phức hợp vui chơi đáp ứng mọi nhu cầu giải trí của du khách và mang đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc; Bến thuyền du lịch…

“Chắc chắn, những mô hình phát triển phức hợp “Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp quốc tế” khai thác đa chiều, trải nghiệm 04 mùa sẽ là mắt xích quan trọng làm nên sự tăng trưởng nhanh và bền vững cho các khu kinh tế đặc biệt”, PGS.TSKH. Võ Đại Lược nói.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, Việt Nam không nên thực hiện công nghiệp hóa kiểu cũ nữa mà nên đi theo con đường hiện đại hóa – ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ cao cấp mà Việt Nam có lợi thế. Trong đó, mấu chốt chính lợi thế khai thác dịch vụ du lịch tại những khu vực trọng điểm, giàu tiềm năng, như Vân Đồn (Quảng Ninh).