Vay mua nhà ở xã hội: Dân khó vay, ngân hàng lúng túng

Theo Báo Lao động

Dù các ngân hàng khẳng định sẽ giải quyết cho cá nhân vay vốn mua nhà trong không quá 4-5 ngày làm việc, song thực tế để vay được vốn không hề đơn giản, bởi hàng loạt các vướng mắc phát sinh liên quan đến điều kiện vay và tài sản thế chấp.

Vay mua nhà ở xã hội: Dân khó vay, ngân hàng lúng túng
Nhà xã hội chung cư 171A Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Nguồn: Internet
Khó khăn đầu tiên để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất 6% là làm sao xác định được đâu là đối tượng thu nhập thấp và dựa vào căn cứ nào để xác định đúng đối tượng được vay nguồn vốn này. Nhiều chi nhánh ngân hàng cho đến thời điểm chiều ngày 4/6 vẫn chỉ nhận được các hướng dẫn chung chung về điều kiện vay và đối tượng vay vốn.

Cụ thể, theo như thông báo của BIDV, ngoài đối tượng khách hàng vay mua nhà ở thương mại, đối tượng thu nhập thấp được vay vốn lãi suất 6% là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, HTX, người nghỉ lao động theo chế độ và bao gồm cả người lao động tự do, kinh doanh cá thể.

Song thu nhập bao nhiêu được coi là thấp lại không được các ngân hàng quy định rõ, gây không ít khó khăn cho người đi vay, dù rằng trước đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Trần Nam - “hiến kế” có thể coi người có thu nhập không đến mức phải chịu thuế hoặc dưới 9 triệu đồng/tháng là đối tượng thu nhập thấp. Cán bộ chi nhánh một ngân hàng có địa chỉ tại Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, tốt nhất người dân nên đến chính quyền địa phương làm xác nhận về điều kiện nhà ở và đến cơ quan nơi đang công tác làm xác nhận thu nhập. Khi có được hai văn bản này, ngân hàng mới có thể bắt đầu xem xét cho vay.

Việc lấy đâu ra nguồn tài sản thế chấp cũng là vấn đề đau đầu với cả người đi vay lẫn người cho vay trong hai ngày đầu triển khai cho vay mua nhà ở xã hội. Ông Phan Đức Tú - Tổng Giám đốc BIDV - chia sẻ, các ngân hàng đều coi đây là cho vay thương mại nên các quy trình cho vay, thẩm định vay và tài sản thế chấp khi cho vay mua nhà ở xã hội cũng rất chặt chẽ. “Song nếu không có tài sản thế chấp, ngân hàng có thể chấp nhận cho vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay” - ông Tú nói.

Tuy nhiên, có một thực tế là người vay vốn mua nhà ở xã hội sẽ không được mua bán và thế chấp ngôi nhà này trong thời gian (10 năm) vay vốn. Giải quyết khó khăn này, theo ông Phan Đức Tú, sẽ cần phải có một hợp đồng ba bên giữa người mua nhà - đơn vị xây dựng nhà ở và ngân hàng. Bên xây dựng theo đó đồng ý cho người mua được thế chấp và người vay trong điều kiện không trả được nợ sẽ đồng ý cho đơn vị quản lý nhà được mua lại, bán cho người khác.

Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng Giám đốc Vietcombank - cũng nhìn nhận, cho đến bây giờ, tìm ở tất cả các văn bản đều không có nội dung quy định thu nhập bao nhiêu là thu nhập nhấp. “Chúng ta cứ nói với nhau thu nhập dưới 9 triệu đồng một tháng là thu nhập thấp là nói vậy thôi. Còn chúng tôi nhận định, cứ không đóng thuế thu nhập là thu nhập thấp và chỉ đạo các đơn vị kinh doanh tiếp cận các đối tượng khách hàng theo hướng này” - ông Thanh nói. Người đứng đầu ban điều hành Vietcombank cho rằng, gia đình có thu nhập bình thường 9 triệu trở xuống có thể vay mua được căn hộ dưới 50m2, còn nếu hai vợ chồng cùng có thu nhập dưới 9 triệu đồng, có thể vay mua được căn hộ lớn hơn.

Đối với đối tượng khách hàng doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, ông Nguyễn Phước Thanh khẳng định, ngân hàng sẵn sàng cho vay và thực tế trong các ngày qua cũng có một doanh nghiệp đến đặt vấn đề vay vốn. “Nhưng thực tế cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa có danh sách các dự án nào, doanh nghiệp nào nằm trong diện được vay vốn theo chương trình LS 6%. Cái này phải đợi Bộ Xây dựng phê duyệt. Chỉ khi Bộ Xây dựng đưa ra, chúng tôi mới tiến hành xem xét, tiếp cận, thẩm định rồi mới cho vay” – lãnh đạo Vietcombank trao đổi.

Ngoài nguồn tài sản thế chấp, các ngân hàng thực tế cũng đang rất lúng túng về trình tự thế chấp và xử lý tài sản đảm bảo trong quá trình cho vay nhà ở xã hội. Lãnh đạo cấp cao của một NH tham gia cho vay tiết lộ, cho đến nay vẫn chưa hề có hướng dẫn của NHNN và các bộ ngành liên quan về trình tự thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản đảm bảo là nhà ở xã hội để thu hồi nợ.