Vì sao nhà ở hạng sang tại Việt Nam vẫn có sức hút lớn?

Theo An Vũ/reatimes.vn

Tốc độ tăng giá nhà ở cao cấp tại các thành phố trên thế giới đang chững lại, trong khi đó, phân khúc nhà ở hạng sang tại Việt Nam duy trì sức hút với khách mua quốc tế nhờ giá tăng ổn định và lợi nhuận hấp dẫn.

Người nước ngoài, các đại gia Việt Nam… được cho là khách hàng tiềm năng của những căn hộ hạng sang. Nguồn: internet
Người nước ngoài, các đại gia Việt Nam… được cho là khách hàng tiềm năng của những căn hộ hạng sang. Nguồn: internet

Theo kết quả nghiên cứu từ Savills, tốc độ tăng giá nhà ở cao cấp giảm đáng kể trong nửa cuối 2018 tại các thị trường hàng đầu trên thế giới, ghi nhận mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, chỉ số giá nhà trong 2018 thấp hơn so với năm 2017, chỉ ở 2,3%. Tốc độ tăng trưởng giá thuê cũng đồng thời giảm, ghi nhận lợi suất cho thuê trung bình của phân khúc nhà ở hạng sang thấp nhất trong 10 năm qua với 3,2% tại các thành phố lớn trên thế giới.

Theo bà Sophie Chick, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Savills: “Giá trị bất động sản nhà ở cao cấp đang có tốc độ tăng chậm hơn và ổn định hơn, chúng ta có thể kỳ vọng thị trường sẽ không lặp lại mức tăng bình quân hai chữ số như thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.

Theo bà phân tích, vào năm 2007, khi dân số toàn cầu trở nên giàu có và cạnh tranh săn tìm các bất động sản chiến lợi phẩm tại các thành phố trên thế giới, chỉ số nhà ở cao cấp tăng 15,4% theo năm. Nhưng hiện nay khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, người mua sẽ tìm kiếm sự ổn định trong việc sở hữu và sử dụng bất động sản dài hạn tại các thành phố mà những cá nhân giàu có trên thế giới muốn đến sinh sống và làm việc, và đây sẽ là yếu tố quyết định giá trị nhà ở cao cấp.

 “Chắc chắn rằng những người giàu có trên thế giới sẽ muốn nắm giữ ít nhất một bất động sản nhà ở hạng sang trong danh mục đầu tư của mình, vừa để tích lũy giá trị, vừa là nơi để làm việc và vui chơi giải trí”, bà Sophie Chick cho biết. 

 Vì sao nhà ở hạng sang tại Việt Nam vẫn có sức hút lớn?  - Ảnh 1

Chỉ số giá nhà tại các thành phố (Nguồn: Savills)

Trong bối cảnh này, Savills nhận định giá căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok, mặc dù tốc độ tăng trưởng ở TP.HCM cao hơn khi so sánh với các thị trường này.

Theo ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam: “Mức giá trung bình nhà ở cao cấp tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng chậm hơn, sự tăng giá này sẽ phần nào phản ánh về những tiêu chuẩn phát triển cao hơn, nhu cầu nhà ở mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa nhanh, sự bùng nổ của tầng lớp trung và thượng lưu cũng như cơ sở hạ tầng thuận lợi”.

Cụ thể, giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM đang giữ mức trung bình khoảng 5.500 - 6.500 USD/m2, bằng một phần rất ít so với Hồng Kông - nơi mà nhà ở luôn ở mức giá đắt đỏ kỷ lục. Bên cạnh đó, các biện pháp hạ nhiệt đã khiến thuế nhà ở tại nhiều quốc gia trở nên cao hơn trong khi mức thuế này tại Việt Nam lại tương đối thấp, hấp dẫn người mua trong và ngoài nước, đem lại lợi nhuận ổn định.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ khi chính sách sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có hiệu lực vào năm 2015. Hơn nữa, với sự thiếu hụt rõ rệt dự án cao cấp tại các đô thị lớn, người mua có thể thấy được tiềm năng tăng vốn dài hạn rõ rệt từ phân khúc này. Cuối cùng, với khoản lợi nhuận cho thuê vượt quá 5%, nhà ở hạng sang là một kênh đầu tư hấp dẫn so với lợi nhuận đang sụt giảm ở những thành phố khác trong khu vực.

Ông Neil MacGregor nhấn mạnh: “Sự xuất hiện ngày một nhiều của những cơ hội đầu tư dài hạn trong phân khúc nhà ở cao cấp, đặc biệt là khi các chỉ số kinh tế vẫn phát triển vượt trội, người mua hoàn toàn sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị đầu tư. Mặc dù chặng đường để thị trường bất động sản Việt Nam đạt đến đỉnh cao như Hồng Kông và Singapore còn dài nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bùng nổ tầng lớp trung lưu và giá cả phải chăng, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước, trở thành mãnh hổ tiếp theo của Châu Á.

Bộ Xây dựng đã có công văn 342 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cụ thể, Bộ Xây dựng, yêu cầu báo cáo thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc theo dõi, quản lý tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo Điều 79 nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật nhà ở. Theo giới phân tích, bản báo cáo này sẽ có tác động đến việc thu hút các nhà đầu tư gia nhập thị trường bất động sản, trong đó có phân khúc bất động sản hạng sang.