Vì sao nhà ở xã hội vẫn “dậm chân tại chỗ”?

Theo Như Trang/thoibaonganhang.vn

Tuy lượng cầu lớn nhưng nhiều người dân không hào hứng với phân khúc nhà ở này, còn doanh nghiệp không mặn mà. Nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra là do một số cơ chế để hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện được nhà ở còn bất cập.

Cần nhân rộng mô hình Khu đô thị Đặng Xá. Nguồn: internet
Cần nhân rộng mô hình Khu đô thị Đặng Xá. Nguồn: internet

Khu đô thị Đặng Xá do Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) làm chủ đầu tư được xây dựng với nhiều phân khu khác nhau như nhà ở thương mại, biệt thự liền kề, nhà ở xã hội cùng nhiều công trình công cộng khác. Đặc biệt, năm 2015, các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp và nhà ở xã hội (NOXH) với 23 tòa chung cư gồm hơn 3 nghìn căn hộ đã được đưa vào hoạt động đi kèm với một hệ thống hạ tầng khá đồng bộ, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng nghìn gia đình thu nhập thấp.

Đây được coi là khu NOXH tiên phong của Thủ đô, sau nhiều năm, Đặng Xá vẫn là hình mẫu phát triển cho nhiều khu đô thị giá rẻ khác, bởi nó có vị trí địa lý khá tốt khi nằm gần quốc lộ 5, quốc lộ 1B. Người dân dễ dàng di chuyển vào trung tâm thành phố qua cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy. Mật độ xây dựng không quá cao. Đường nội khu rộng rãi, thông thoáng cùng hệ thống hạ tầng khá đồng bộ, từ nhà trẻ, trường mầm non, khu thể thao, dịch vụ, nhà hàng, siêu thị, bệnh viện, cây xanh cảnh quan, tạo môi trường xanh, sạch và nâng cao đời sống của cư dân nơi đây.

Cùng với đó, khu NOXH Đặng Xá là chủ trương hợp lòng dân, phù hợp với hoàn cảnh còn khó khăn về nhà ở của đa số cán bộ công nhân viên làm việc ở Hà Nội nhưng không đủ tiền để mua nhà ở thương mại, được vay với lãi suất ưu đãi, được trả góp kéo dài trong nhiều năm, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, sau khi gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng kết thúc vào năm 2016, các doanh nghiệp bất động sản không còn mặn mà với đầu tư NOXH, còn người thu nhập thấp không tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Con số này cho thấy, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp là rất lớn.

Song có một nghịch lý là, nhiều dự án NOXH hiện nay được mở bán lại không đắt khách, thậm chí có những dự án chào bán hàng chục lần mà vẫn ế, như dự án NOXH Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) của CEO Group, qua 19 đợt mở bán vẫn chưa bán hết dù có giá dưới 10 triệu đồng/m2. Còn dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư cũng phải mở bán đến lần thứ 11. Hay Dự án nhà ở xã hội tại ô đất 5.B2 (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) được Công ty TNHH Thăng Long phát tiển, lại chưa thể bán hết tổng số 504 căn hộ qua 7 lần mở bán…

Tuy lượng cầu lớn nhưng nhiều người dân không hào hứng với phân khúc nhà ở này, còn doanh nghiệp không mặn mà. Nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra là do một số cơ chế để hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện được nhà ở còn bất cập.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng cho rằng, do thiếu nguồn vốn hỗ trợ, chính quyền địa phương chưa quan tâm, nhất là tạo quỹ đất, trong khi nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập thấp từ ngân sách còn hạn chế. Theo quy định của Luật Đầu tư công, việc bố trí, hỗ trợ ngân sách phải đưa vào kế hoạch trung hạn, nhưng trong danh mục hỗ trợ của các chương trình dự án giai đoạn 2016-2020 chưa có danh mục hỗ trợ về nhà ở, khiến việc triển khai vốn hỗ trợ các dự án NOXH thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Thêm nữa, Luật Nhà ở yêu cầu trên cơ sở chương trình phát triển nhà ở của địa phương, UBND cấp tỉnh phải tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm trên địa bàn bao gồm kế hoạch phát triển NOXH. Luật cũng quy định UBND cấp tỉnh phải quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng NOXH để cho thuê. Nhưng trên thực tế, hầu như các địa phương chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng NOXH để cho thuê, kể cả loại nhà thuê mua, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá thấp…

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến nay cả nước có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NOXH. Hiện, đã có 248 dự án hoàn thành với tổng diện tích hơn 5,17 triệu m2 sàn, quy mô khoảng 103.500 căn hộ. Các dự án còn lại chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng. So với mục tiêu đề ra việc phát triển NOXH đến nay mới đạt khoảng 41,4%.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án còn lại, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, lựa chọn, tổng hợp danh mục các dự án NOXH đang triển khai dở dang, có thể tiếp tục triển khai trong năm 2020 để các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và danh mục các dự án nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Từ thực trạng trên, Chính phủ cũng đã quyết định bố trí 3 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, trong đó phân bổ 1 nghìn tỷ đồng tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2020, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm.

Đặc biệt, dành 2 nghìn tỷ đồng cấp bù lãi suất, phân bổ cho 4 ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank. Với nguồn vốn này, 4 ngân hàng thương mại có thể có khoảng 60 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua NOXH trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đồng thời với đó, hiện, Bộ Xây dựng đang được Chính phủ giao nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Trên cơ sở ý kiến, đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất phương án sửa đổi nội dung này cụ thể theo nguyên tắc đảm bảo giá bán NƠXH phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp, đồng thời cũng phải đảm bảo khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư NƠXH, để xin ý kiến xã hội rộng rãi.