Vì sao thẻ tín dụng ít người dùng?

Theo Báo Công Thương

Tại các nước phát triển, việc dùng thẻ tín dụng để thanh toán trong giao dịch mua bán là chuyện phổ biến nhưng ở Việt Nam số người dùng thẻ tín dụng chỉ trên dưới 1% dân số cả nước.

Vì sao người Việt không chuộng sử dụng thẻ tín dụng mặc dù đây là một trong những phương tiện thanh toán có nhiều ưu điểm? Đây là câu hỏi mà các ngân hàng đang đau đầu tìm lời giải để phát triển mạng lưới thẻ của mình..
"Cuộc đua" khuyến mại của ngân hàng
 

Việc chú trọng phát triển lĩnh vực thẻ tín dụng đã được các ngân hàng chú trọng nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây cuộc đua giữa các ngân hàng về gia tăng tiện ích cũng như khuyến mãi cho khách hàng mở thẻ tín dụng càng trở nên khốc liệt.

Tại ngân hàng HSBC, từ nay đến ngày 30/9 khi khách hàng mở thẻ tín dụng sẽ được tặng 800.000đ và thêm nhiều tiện ích khác như: ngoài việc để thanh toán, tài khoản thẻ tín dụng của HSBC sẽ không bị tính lãi nếu chủ thẻ hoàn trả đầy đủ khoản vay trong vòng 45 ngày, chủ thẻ không cần phải thanh toán hết chỉ cần trả trước 5% của tổng số nợ và còn nhận được nhiều quà tặng khác. Thẻ rút tiền mặt được tại hơn 800.000 máy ATM của HSBC và tất cả máy ATM có logo của Visa/PLUS, chấp nhận tại trên 30 triệu điểm giao dịch rộng khắp thế giới và hơn 20.000 tổ chức tại Việt Nam. 

Ngân hàng Sacombank vừa phát hành thẻ tín dụng quốc tế Platinum hiệu Visa. Hàng loạt ngân hàng khác cũng đua khuyến mại cho người dùng thẻ như Ngân hàng Eximbank (tặng thẻ bảo hiểm kèm quà tặng), Ngân hàng ACB áp dụng công nghệ gắn chíp điện tử cho các thẻ tín dụng quốc tế theo chuẩn EMV (tiêu chuẩn chung cho các thẻ thanh toán Europay, Mastercart và Visa).  

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, các loại thẻ của ACB được chuyển đổi sang thẻ chíp bao gồm thẻ tín dụng MasterCard chuẩn, MasterCard vàng, Visa SCB vàng, Visa Prepaid, Visa debit Intermational và Visa Business. Thẻ chíp ngoài bảo mật thông tin tối đa, khách hàng còn được hưởng đến 7 loại bảo hiểm như bảo hiểm khi rút tiền từ ATM, bảo hiểm giao dịch gian lận, bảo hiểm khi chủ vắng nhà, mất bóp ví… 

Ngân hàng ANZ cũng khuyến mại cho khách mở thẻ và tích lũy tiêu dùng đến 10 triệu đồng sẽ được nhận 1 triệu đồng từ ngày 15/7 đến 30/9. Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính cá nhân ANZ Việt Nam và Khu vực Mê-kông cho biết, dùng thẻ ANZ khách hàng sẽ được hưởng những lợi ích như giảm giá và ưu đãi (đến 45%) tại hơn 400 điểm bán hàng ở Việt Nam và hơn 1.000 điểm bán hàng trong khu vực; không yêu cầu khách hàng có tài khoản tiền gửi, được hưởng tín dụng đến 45 ngày miễn lãi suất, có thể mua sắm qua mạng hoặc điện thoại…

Để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ, ngoài tính năng an toàn cao và các dịch vụ đi kèm và công nghệ quản trị rủi ro cao, ngân hàng Đông Á còn mở rộng dịch vụ SMS, đa dạng các kênh giao dịch thẻ và khuyến mại bằng cách tính chi phí sử dụng thẻ thấp.

Nhưng khách hàng chưa “mặn mà”

Mặc dù các ngân hàng đua nhau khuyến mãi, mời chào và tiếp thị tận nơi nhưng tỷ lệ mở tài khoản tại ngân hàng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với chuẩn quốc tế (mới có khoảng 6% số người có tài khoản tại ngân hàng), trong khi đó tại một số nước trong khu vực Asian như Singapore tỷ lệ người sử dụng thẻ tín dụng chiếm 95%, Malaysia 55% và Thái Lan khoảng 46%.
Theo giới ngân hàng, số thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ quốc tế phát hành ở Việt Nam đang tăng mạnh trong vài năm gần đây, tuy nhiên số người dùng thẻ mới chỉ chiếm khoảng hơn 1% so với dân số cả nước. Ngân hàng ACB đã phát hành 60.000 thẻ tín dụng quốc tế và 305.000 thẻ ghi nợ quốc tế; các ngân hàng khác đang sử hữu từ 15.000 đến 400.000 thẻ các loại, riêng thẻ quốc tế Visa phát hành tại Việt Nam khoảng hơn 1 triệu chiếc…Tiện ích của việc dùng thẻ trong thanh toán là rõ ràng nhưng khách hàng sử dụng thẻ chưa nhiều do đâu?
.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc dùng thẻ hiện nay trên lý thuyết là liên thông thanh toán giữa các ngân hàng nhưng thực tế không giao dịch được. Trong khi đó nhiều khách hàng đang dùng thẻ cho rằng, do đặc tính của các thẻ tín dụng do các ngân hàng phát hành khác nhau nên nhiều khách hàng cùng lúc có tới năm đến bảy chiếc thẻ khác nhau để trong ví, gây phiền hà và tốn công cất giữ. Bên cạnh đó, việc chấp nhận thanh toán thẻ hiện nay còn hạn chế, phần nhiều mới chỉ được thực hiện ở các công ty, trung tâm thương mại lớn nên chưa thuận tiện cho người sử dụng. 

Bà Trần Mai Trang, đại diện Coop Mart , đơn vị đầu tiên trong hệ thống siêu thị chấp nhận thanh toán bằng thẻ, cho biết: Việc dùng thẻ ngoài tiện ích của khách hàng, siêu thị còn tiết giảm được nhân công, công việc quản lý tiền và an toàn. Mặc dù tỷ lệ người dùng thẻ trong thanh toán khi mua hàng ở siêu thị đã tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng so với nước ngoài thì vẫn còn rất thấp.

Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc Phòng tín dụng cá nhân Ngân hàng Đông Á, lý giải: Tỷ lệ người dùng thẻ ở Việt Nam chưa cao là do ảnh hưởng thói quen dùng tiền mặt trong giao dịch, do tham khoản lợi trước mắt nên các đơn vị chấp nhận thẻ tại Việt Nam vẫn có nơi tính phí đối với khách hàng dùng thẻ tín dụng để thanh toán mặc dù Hiệp hội Thẻ tín dụng Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn việc này. Ngoài ra, còn do các tổ chức tín dụng và ngân hàng chưa đẩy mạnh mảng tín dụng tín chấp trong giai đoạn này.

Hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn trong giai đoạn ban đầu đề người dân làm quen với giao dịch thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng. Theo giới quản trị ngân hàng, các sản phẩm cho vay tiêu dùng, các sản phẩm quản lý tài chính, quỹ đầu tư, thẻ tín dụng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Mặt khác, các ngân hàng cũng đang ráo riết đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các dịch vụ nên thị trường tài chính sẽ có những cuộc cạnh tranh tìm khách hàng quyết liệt. Tuy nhiên đây là dự báo cho tương lai gần còn hiện tại thì tiềm năng vẫn chưa được sử dụng hết, trong đó có thị trường thẻ tín dụng.