Việt kiều sở hữu nhà trong nước: Thị trường bất động sản ra sao ?

Theo Hà Nội mới

Nghị định 71/NĐ-CP vừa chính thức có hiệu lực, cho phép người Việt định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam được phép sở hữu nhà ở không hạn chế số lượng.

Tháo nút thắt

Theo Nghị định 71/NĐ-CP-quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở - người Việt định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở như người dân trong nước, không hạn chế về số lượng, nếu còn giữ quốc tịch Việt Nam (người mang hộ chiếu Việt Nam và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam). Ngoài ra, người gốc Việt Nam về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước cũng được sở hữu nhà không giới hạn số lượng. Đối tượng chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam là người có gốc Việt Nam nhưng không thuộc các diện nêu trên và có giấy miễn thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Bộ Xây dựng cho biết, quy định mới này "thoáng" hơn rất nhiều so với quy định trước đây (năm 2001) khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hầu hết các quyền như người dân trong nước (kể cả cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở thương mại đối với những khu vực được phép bán nền), chỉ trừ việc bảo lãnh và góp vốn. Trước khi có quy định mới, sau 9 năm cho phép kiều bào mua nhà theo Nghị định 81/CP, chỉ có hơn 140 Việt kiều mua nhà trong nước theo con đường chính thống do thiếu quy định cụ thể về thủ tục. Trong khi đó, số người Việt Nam đang sinh sống khắp nơi trên thế giới, gồm cả những người định cư lâu dài, những người cư trú trong thời gian nhất định... lên tới 3 triệu. Đã từng có trường hợp do cơ quan có trách nhiệm không xác nhận rõ người đó là Việt kiều đủ điều kiện mua nhà, nên nhiều địa phương "bảo đảm an toàn" bằng cách chẳng giải quyết trường hợp nào cả. Nhiều Việt kiều có nhu cầu, khả năng mua nhà đành mượn tên người thân đứng tên chủ sở hữu và không ít trong số đó nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp.
Thị trường bất động sản có chịu tác động?
Theo Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch gốc, tức là có quyền được sở hữu nhà ở không hạn chế số lượng như người Việt trong nước. Vì vậy, ngay từ giai đoạn soạn thảo, quy định cởi mở này được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để đông đảo kiều bào trở về nước mua và sở hữu nhà hoặc hợp thức quyền sở hữu nhà của mình mà không phải nhờ người khác đứng tên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu thị trường bất động sản trong nước có chịu ảnh hưởng lớn khi quy định chính thức có hiệu lực? Theo ông Trần Minh Quý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị -UDIC, việc sửa đổi quy định tạo điều kiện để Việt kiều mua nhà là tín hiệu tốt cho hoạt động kinh doanh đối với các DN xây dựng. Song mặt khác, bất cứ chính sách tăng nhu cầu nào cũng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường, nhất là khi thị trường còn thiếu chuyên nghiệp và bị chi phối mạnh bởi tâm lý người mua như ở Việt Nam. Ông nhận định, đối tượng Việt kiều được coi là có thu nhập và yêu cầu cao nên phân khúc nhà cao cấp sẽ được chú ý nhiều hơn.
Theo một cán bộ của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị - (HUD Housings), nếu lấy con số dự báo 100.000 người có nhu cầu mua nhà, nhân với số diện tích tối thiểu của một căn hộ chung cư cao cấp là 120m2, sẽ là một khối lượng diện tích xây dựng rất lớn. Hơn nữa, Việt kiều thường tập trung đông ở thành phố lớn, nơi vốn đang rất cần nhà ở. Nhưng nếu tiếp nhận tốt, việc Việt kiều mua nhà trong nước sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn và chính sách này sẽ gắn bó người Việt định cư ở nước ngoài với Tổ quốc.
Trên thực tế, mặc dù rất nhạy với mọi thông tin, nhất là về chính sách, song quy định mới này không có tác động lớn đến thị trường bất động sản hiện tại. Bởi theo nhiều chuyên gia, thị trường chỉ biến động với những việc cụ thể, chẳng hạn như mở rộng địa giới hành chính Hà Nội hay thông tin đưa trung tâm hành chính lên Ba Vì. Còn việc Việt kiều về nước mua nhà không thể cùng một lúc 100.000 người cùng mua. Thậm chí, dự báo con số thực có nhu cầu mua nhà trong nước thấp hơn so với thống kê của cơ quan chức năng. Đại diện Bộ Xây dựng nhận định, các điều kiện cụ thể, rõ ràng sẽ tránh gây phiền hà khi áp dụng, đồng thời loại trừ nghi ngại tình trạng đầu cơ đẩy giá nhà lên cao.

  Quy định về việc Việt kiều được mua nhà
Người mang hộ chiếu Việt Nam phải còn giá trị, kèm theo sổ tạm trú hoặc xác nhận đăng ký tạm trú của công an phường, xã nơi người đó cư trú. Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài, hộ chiếu phải còn hạn, kèm theo giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam và thẻ tạm trú hoặc có dấu chứng nhận đóng vào hộ chiếu cho phép tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.
Trong trường hợp người gốc Việt Nam phải kèm theo giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, giấy tờ chứng minh thuộc diện được sở hữu nhiều nhà ở (như giấy chứng nhận đầu tư, người có công, nhà văn hóa - khoa học, người kết hôn với công dân trong nước...) và có thẻ tạm trú hoặc dấu đóng vào hộ chiếu chứng nhận được tạm trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên.