Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm chỉ là tạm thời

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều nhà máy được đặt tại Trung Quốc đang âm thầm dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy sự sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian qua chỉ là tạm thời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), do tác động của dịch bệnh Covid-19, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản trong quý I/2020 sụt giảm mạnh, chỉ đạt 264 triệu USD, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 4 về thu hút vốn FDI (năm 2019 đạt 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2%, đứng vị trí thứ 2).

Nhiều dư địa

Hồi tháng 4, trong báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2020, Bộ Xây dựng đã đề cập đến việc vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm. Theo đó, trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo), nhưng vừa qua đã có chiều hướng đi xuống khá mạnh.

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho biết, tổng nguồn vốn FDI vào thành phố trong quý I/2020 đạt 310,82 triệu USD, giảm 58,32% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 3,6% tổng nguồn vốn FDI cả nước. Trong đó, ngành xây dựng bất động sản chỉ thu hút được 35 triệu USD, chiếm 11,3%, đứng vị trí thứ 2.

Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam về thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, mặc dù việc thu hút nguồn vốn FDI vào bất động sản sụt giảm, nhưng Việt Nam là quốc gia khống chế được dịch Covid-19 tốt nhất thế giới. Đây sẽ là điểm cộng để các nước thấy Việt Nam là điểm đến an toàn cả về chính trị, kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang đứt gãy, các quốc gia châu Âu, châu Mỹ đang tính đến các giải pháp rời nhà máy khỏi Trung Quốc trong thời gian tới, là cơ hội để Việt Nam đón nhận một "làn sóng" vốn FDI mới, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

“Dịch Covid-19 cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho sản xuất, mở ra thêm nhiều cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam...”, chuyên gia của Savills nhận định.

Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn mảng nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng, khi Việt Nam có dân số trẻ lớn, GDP tăng đều, có bờ biển khí hậu nhiệt đới ấm áp quanh năm… là những điều kiện để thu hút vốn vào các mảng bất động sản này.

Hơn hết, theo các chuyên gia của Savills, với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng đưa ngành du lịch phục hồi trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát. Ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, việc nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh chỉ là tạm thời, vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam.

Bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những mảng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm (Ảnh: TL)
Bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những mảng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm (Ảnh: TL)
 

“Điểm rơi” của các thương vụ hợp tác

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, mặc dù hoạt động bất động sản tăng trưởng chậm trong quý I/2020, các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp nội địa có uy tín.

Đặc biệt, thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản. Nhóm nhà đầu tư này nhắm tới cao ốc văn phòng, khách sạn và khu dân cư, trải khắp trên cả 3 miền, tập trung nhiều nhất vào Hà Nội và Tp.HCM. Từ năm 2019 đến nay đã có một số dự án lớn đang trong quá trình thương thảo, đàm phán chốt "deal" với tổng giá trị lên tới 0,5 tỷ USD.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhìn nhận, sự sụt giảm vốn FDI thời gian qua không thể phản ánh cả chu kỳ, khi những hợp đồng năm 2019 chưa được ký kết. Con số này khả năng sẽ được thực hiện trong năm 2020, khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn nhanh chóng tiếp cận thị trường bất động sản tại Việt Nam thì hình thức mua lại, sáp nhập thông qua sở hữu cổ phần, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp địa ốc trong nước... được xem là con đường ngắn nhất.

Hơn nữa, so với các nước trong khu vực như: Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi có lợi nhuận hấp dẫn nên sẽ tiếp tục được nhiều nhà đầu tư tìm đến.

“Mặc dù giai đoạn này thực sự là giai đoạn khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội đầu tư rất tốt, bởi Việt Nam hiện đang là cái tên thu hút đầu tư tại khu vực”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Ts. Sử Ngọc Khương phân tích, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang có lực cầu rất lớn. Dù vậy, thời gian qua, các nhà đầu tư trong nước phải đối mặt với khó khăn về tín dụng trong khi nhà đầu tư nước ngoài khó thâm nhập vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay là “điểm rơi” thích hợp cho cả đôi bên thực hiện các thương vụ hợp tác.

Xét theo từng loại hình, ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, các thương vụ mua lại, sáp nhập dự án bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được thúc đẩy nhanh hơn. Phân khúc được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong năm nay được dự báo là văn phòng và đất dự án để thực hiện các khu phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ.