Vốn ngân hàng “đi săn”dự án

Theo Đầu tư Chứng khoán

Thị trường bất động sản đang chờ đợi sự đột phá từ dòng vốn ngân hàng. Nhưng thực tế, “bộ lọc” dự án giải ngân của ngân hàng vẫn khép khá chặt.

BIDV dự kiến sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
BIDV dự kiến sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
Lọc từ định hướng

Trong thời gian tới, Chính phủ và NHNN sẽ có các chính sách để kích thích tăng trưởng tín dụng ở phân khúc nhà ở, chẳng hạn như giảm lãi suất cho vay và tăng giải pháp hỗ trợ cho cá nhân có nhu cầu nhà ở thực sự. Đây cũng là phân khúc mà các ngân hàng thương mại (NHTM) nhận định là “rất có tiềm năng”, song thời gian qua do tính chất đầu cơ trên thị trường bất động sản đã làm cho tín dụng bất động sản có những rủi ro nhất định. Nợ xấu rơi vào bất động sản nhiều, nhưng trước bối cảnh thị trường bất động sản sụt giảm hiện nay, để xử lý tài sản đảm bảo bằng cách phát mãi là điều không dễ dàng.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, việc giải quyết khó khăn cho bất động sản sẽ tạo cơ hội tốt cho các ngân hàng, nhất là khi nợ xấu ngân hàng hiện nay tập trung nhiều ở bất động sản. Tín dụng bất động sản dần chuyển từ mục đích đầu cơ, đầu tư sinh lời sang mục đích đầu tư thực sự.

Tuy nhiên, theo ông Trung, điều đó không có nghĩa là các ngân hàng sẽ ồ ạt đẩy vốn vào lĩnh vực này mà sẽ hết sức thận trọng, nhất là trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng, rủi ro rình rập…

Tổng giám đốc một ngân hàng khác cho hay, với chính sách mở đối với tín dụng bất động sản mà NHNN cho biết, sẽ tái cấp vốn qua các NHTM Nhà nước khoảng 20.000 – 40.000 tỷ đồng cho vay cá nhân có nhu cầu về nhà ở với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, theo vị tổng giám đốc trên thì việc kỳ vọng tín dụng bất động sản tăng mạnh trong năm 2013 là rất khó. Bởi tăng trưởng tín dụng năm nay được khống chế 12% và khả năng NHNN sẽ tiếp tục áp “trần” dư nợ cụ thể cho từng ngân hàng.

Một trong những lý do khác ngăn cản tín dụng bất động sản năm 2013 là nợ xấu. Bên cạnh nợ xấu đã phát sinh thì các dư nợ nhóm 1, tức nợ hoạch toán ở trạng thái bình thường cũng đang đối mặt với khó khăn.

Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho rằng, nợ quá hạn hiện nay của các ngân hàng khá cao và bản thân ACB cũng không tránh khỏi. Tỷ lệ nợ xấu của ACB tính đến nay là dưới 3%, trong đó nợ nhóm 3 - 5 là 3%. Vì thế, đòi hỏi các NHTM phải kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng.

 Rào cản nữa là lãi suất, hiện lãi suất cho vay với lĩnh vực này đã giảm mạnh so với trước, song đối với khách hàng cá nhân vẫn trên dưới 15%/năm. Chẳng hạn, tại BIDV, lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân mua nhà ở công bố ở mức 12%/năm, nhưng cũng chỉ ưu đãi trong 3 tháng đầu, sau đó sẽ điều chỉnh lên 14 – 15%/năm và thậm chí còn cao hơn so với mức này. Tương tự, tại ACB, SeABank, HSBC… lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà cũng không thấp hơn.

…tới dự án cho vay

Để kích thích thị trường bất động sản phục hồi trong những tháng cuối năm cũng như kỳ vọng đẩy được tăng trưởng dư nợ, phá băng thị trường nhà đất và giải quyết được nợ xấu, các nhà băng tung ra nhiều gói vốn cho lĩnh vực này.

BIDV cho biết, sẽ triển khai một loạt giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2015, BIDV dự kiến sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong đó, khoảng 19.500 tỷ đồng sẽ được BIDV cho vay cá nhân để mua, thuê mua nhà xã hội,…

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà cho biết, Ngân hàng cũng yêu cầu khách hàng vay phải có nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định, đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ vay trong thời gian vay vốn. Đồng thời, nguồn vốn sẽ ưu tiên triển khai dự án ở địa bàn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương...

Đối tượng được BIDV hướng tới cũng theo định hướng của Chính phủ là cấp vốn cho các cá nhân có thu nhập thấp, trung bình, không đủ điều kiện được giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội nhưng có nhu cầu về nhà ở; chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng đã xuống cấp hư hỏng, diện tích bình quân dưới 8 m2 sàn/người; hộ gia đình thuộc diện tái định cư mà chưa được Nhà nước bố trí đất ở, nhà ở tái định cư (áp dụng với khách hàng thuộc đối tượng nói trên mua nhà diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2)…

Tương tự, ACB dành hạn mức 5.000 tỷ đồng cho cá nhân mua nhà trong 20 năm và ân hạn vốn đến 12 tháng. Vietinbank dành 5.000 tỷ đồng cho cá nhân vay mua nhà lãi suất cố định 3 tháng đầu là 12%/năm; VIB với hạn mức 1.000 tỷ đồng cho vay mua nhà, lãi suất 9,9%/năm trong 3 tháng đầu …

Theo khảo sát, tiến độ giải ngân của hầu hết các gói mà nhiều nhà băng tuyên bố khá chậm. Nguyên nhân cũng không nằm ngoài các vấn đề đã đề cập phía trên, đặc biệt là sự ngần ngại của khách hàng về chính sách lãi suất. Đồng thời, người mua nhà còn tâm lý kỳ vọng thị trường nhà, đất và lãi suất giảm thêm trong thời gian tới mới quyết định mua nhà để ở.

Theo đánh giá của một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, biện pháp của Chính phủ đưa ra khá cụ thể, chẳng hạn như đối tượng nào có nhu cầu về nhà ở thật sự, chứ không phải là đầu cơ. Mặt khác, dù tín dụng được đưa ra để hỗ trợ, NHNN cũng phải rất thận trọng, tiền cung ứng nhưng với mức độ hợp lý, không ồ ạt.

Chính vì vậy, phân khúc nhà thương mại không nằm trong đối tượng được hỗ trợ, muốn hút được dòng vốn ngân hàng, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của chủ đầu tư về giá, về dịch vụ chăm sóc khách hàng….