Vốn ngoại âm thầm chảy

Theo ĐTCK

Tính đến cuối tuần qua, chuỗi ngày mua ròng liên tiếp của khối NĐT nước ngoài trên HOSE đã kéo sang con số 20, đạt 1.482 tỷ đồng theo phương thức khớp lệnh và có nhiều dấu hiệu cho thấy họ vẫn chưa dừng lại.

Thực tế, trong một số phiên, giao dịch của khối ngoại trở thành lực lượng dắt thị trường và NĐT trong nước bị cuốn theo. Trong bối cảnh sức cầu nội địa yếu ớt, động thái này là lực nâng đáng kể cho thị trường. Giới phân tích đã có các phỏng đoán về lý do và chủ thể đang mạnh tay mua vào.

NĐT nước ngoài tăng mua

Trong tháng 1, sàn HOSE có 152/199 mã (chiếm 76,4%) được khối ngoại tham gia mua hoặc bán, trong đó mua ròng 93 mã. Phiên mua ròng cao nhất của khối này dừng lại dưới 150 tỷ đồng, phiên thấp nhất vài tỷ đồng. Tính chung, chênh lệch mua - bán của NĐT nước ngoài trong tháng 1 là 567 tỷ đồng.

Về giá trị, khối ngoại chiếm 7,3% lượng mua và 5,6% lượng bán. Điều này cho thấy, dù NĐT nước ngoài mua ròng, nhưng khối NĐT nội mới thực sự là lực lượng dẫn dắt thị trường. Có 2 mã được NĐT mua ròng trên 100 tỷ đồng trong tháng 1 là EIB (238 tỷ) và HAG (110 tỷ); 1 mã ngấp nghé 100 tỷ đồng là BVH (95 tỷ), 2 mã trên 50 tỷ đồng là DIG và HPG. Còn lại 88 mã có mức mua ròng thấp hơn 22 tỷ đồng/tháng, tức dưới 1 tỷ đồng/ngày.

Sang tháng 2, quy mô giao dịch của NĐT nước ngoài bất ngờ tăng nhanh, với tổng giá trị mua ròng đạt 706 tỷ đồng/5 phiên giao dịch. Trong đó, tâm điểm chú ý là phiên giữa tuần khi khối ngoại mua ròng 231,6 tỷ đồng, chiếm hơn 20% khối lượng cổ phiếu khớp lệnh toàn sàn. Một số mã được mua ròng mạnh là VNM, BVH, FPT, VCB, SJS, TRC...

Phỏng đoán thị trường

Động thái giao dịch của khối NĐT nước ngoài được bộ phận phân tích của nhiều CTCK theo sát. Đã từ lâu, các NĐT nội địa biết rằng, khối ngoại không phải là một chủ thể đồng nhất, mà bao gồm nhiều "gương mặt": quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam, các ngân hàng đầu tư toàn cầu đại diện tại Việt Nam, quỹ dành cho thị trường mới nổi và quỹ khu vực phân bổ một tỷ lệ trong danh mục đầu tư vào Việt Nam, cuối cùng là NĐT cá nhân nước ngoài (xếp giảm dần theo mức độ ảnh hưởng).

Trong số quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam, hai gương mặt quen thuộc là Dragon Capital và VinaCapital. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của hai quỹ này khá trầm lắng, do lượng tiền mặt còn lại khiêm tốn. Báo cáo ra ngày 21/1 của Dragon Capital cho thấy, hai quỹ VEIL và VGL, lượng tiền mặt chỉ còn 2 - 4% so với trên dưới 10% cách đó vài tháng. Tỷ lệ này ở Quỹ VOF của VinaCapital hơn nửa năm qua vẫn dao động quanh mức 13 - 14%. Thực tế, cả Dragon Capital và VinaCapital đều đang có kế hoạch thành lập các quỹ mới và gọi thêm vốn, nhưng xem chừng khá khó khăn.

Quỹ dành cho thị trường mới nổi và quỹ khu vực không đầu tư liên tục vào TTCK Việt Nam trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, vài tháng qua đã xuất hiện một số chuyển động khá tích cực. Đầu tiên, một quỹ nhỏ do "ông trùm" trên thị trường tài chính thế giới là George Soros thành lập, đã bày tỏ quan tâm đến TTCK Việt Nam.

Trước xu thế mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong một số phiên giao dịch vừa qua, có tin đồn rằng, thị trường xuất hiện sự tham gia của Quỹ với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD. Thực tế, trung tuần tháng 11 năm ngoái, đại diện của Quỹ đã có cuộc tiếp xúc với một CTCK lớn và sau đó viếng thăm nhiều DN niêm yết hàng đầu. Tổng giám đốc CTCK nơi Quỹ có ý định mở tài khoản cho biết, tính đến thời điểm này, Quỹ chưa xin mã số giao dịch, nên chưa có chuyện quỹ này giải ngân.

Một số quỹ ETF (Exchange Trades Funds) đã hiện diện tại Việt Nam trong 6 tháng qua. Phong cách đặc trưng của ETF là tạo ra một danh mục đầu tư gồm một rổ cổ phiếu đại diện cho VN-Index hay một nhóm ngành nào đó.

Theo thông báo chính thức, một trong các quỹ như vậy là The Market Vector Vietnam ETF (ký hiệu là VNM), do Công ty Quản lý đầu tư Van Eck Global thành lập. VNM niêm yết trên TTCK Mỹ từ trung tuần tháng 8/2009, đã đầu tư vào một danh mục 28 công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Nhưng số vốn ban đầu của VNM là 14 triệu USD, khá thấp để có thể gây ảnh hưởng đến thị trường. Tin tức từ website của Van Eck Global cho thấy, số vốn đầu tư tại TTCK Việt Nam vẫn chưa tăng thêm.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, giám đốc một CTCK cho biết, một quỹ ETF tập trung danh mục vào nhóm ngành thực phẩm đã giải ngân trong vài ngày qua. Một quỹ khu vực khác sau khi bán hết danh mục đầu tư vào cuối năm 2008 đã quay trở lại thị trường. Bên cạnh đó, một quỹ thành viên có xuất xứ từ châu Âu đã thu hút được vốn mới và vừa nâng tỷ lệ sở hữu tại một số công ty niêm yết.

Các ngân hàng đầu tư toàn cầu đã gia tăng hoạt động trên TTCK từ cuối năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO. Họ đã phát hành các chứng chỉ tham gia đầu tư (P-notes), cho phép NĐT nước ngoài tham gia thị trường mà không cần phải đăng ký mã số giao dịch hay đặt chân trực tiếp vào TTCK Việt Nam.

Động thái mua bán của khối này "lúc tỏ lúc mờ" trong suốt 12 tháng qua, từ khi thị trường chạm đáy và đi lên sau đó. Ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt nhận xét, hoạt động của khối này chiếm tỷ lệ đáng kể trong hoạt động mua bán hàng ngày của khối ngoại, khi hơn hẳn các quỹ truyền thống về sự linh hoạt, cơ động.

Nhận xét về xu thế mua ròng của khối ngoại trong giai đoạn thị trường "lặng sóng", ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC cho rằng, có hai lý do để NĐT nước ngoài thực hiện điều này.

Thứ nhất, một số NĐT dài hạn nhìn vào các nhân tố cơ bản, chuyển biến của kinh tế vĩ mô trong vài tháng tới.

Thứ hai, quy mô nguồn vốn của họ rất lớn, trong khi tính thanh khoản của TTCK Việt Nam khá thất thường, nên khối ngoại thường thực hiện chiến lược giao dịch ngược chiều: mua khi thị trường giảm và bán khi thị trường tăng.