Vốn ngoại “chảy” mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam

Theo Thông tin Tài chính số tháng 8/2015

Từ 01/7/2015, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) và Luật Nhà ở bắt đầu có hiệu lực. Với những điểm mới đáng chú ý như việc mở cửa cho người nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được mua và sở hữu nhà; các quy định về tài chính, quy định bảo lãnh dự án... đã giúp người mua nhà cũng như các nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào thị trường, theo đó tác động tích cực tới toàn bộ thị trường, cũng như các cá nhân, tổ chức tham gia thị trường BĐS.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai

Để hạn chế được những chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu kém, không trung thực trong kinh doanh BĐS dự án, Điều 56, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã quy định rất chặt chẽ về ký bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai. Theo đó, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được tổ chức tài chính hoặc tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện bảo lãnh. Nếu trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, quy định trên sẽ hạn chế rủi ro, giúp bảo vệ người mua, đồng thời giúp thị trường BĐS thanh lọc được những chủ đầu tư “ảo”, yếu kém, thiếu năng lực.

Nhận thức được tầm quan trọng của quy định trên, sau khi Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có hiệu lực, đã có hàng loạt công ty BĐS ký bảo lãnh với các ngân hàng như: Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Đất Xanh, Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí, Công ty cổ phần đầu tư BĐS TNR Holdings Việt Nam, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Hưng Thịnh Corp…

Theo ông Bùi Hữu Phúc, Giám đốc đầu tư và phát triển Novaland, việc ký kết hợp tác bảo lãnh với ngân hàng sẽ đảm bảo tuyệt đối quyền lợi người mua nhà, củng cố niềm tin cho khách hàng và chủ đầu tư, giúp thị trường BĐS phát triển bền vững. Còn đại diện Tập đoàn Đất Xanh cho biết, những điểm đổi mới của Luật Kinh doanh BĐS đã đặt chủ đầu tư trong vòng kiểm soát để tuân thủ, thực hiện đúng ngay từ khi triển khai và minh bạch trong thông tin công bố về tiến độ, chất lượng xây dựng dự án. Luật cũng góp phần thanh lọc những chủ đầu tư yếu kém về năng lực, uy tín; qua đó chọn lọc và tìm ra những thương hiệu uy tín, có khả năng dẫn dắt thị trường.

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp được ngân hàng ký kết hợp tác bảo lãnh còn giúp khẳng định thêm uy tín thương hiệu bởi khi quyết định bảo lãnh, ngân hàng đã phải thẩm định kỹ uy tín và năng lực của doanh nghiệp cũng như tính thanh khoản các dự án mà mình bảo lãnh.

Thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn nhờ vốn “ngoại”

Sự thay đổi trong Luật Nhà ở với quy định người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS. Theo đó, có hơn 400 khách hàng nước ngoài tham dự và đăng ký đặt mua 112 căn hộ Vinhomes Central Park chỉ trong vòng 120 phút (ngay trong ngày hiệu lực đầu tiên 01/7/2015); 70% căn hộ dự án chung cư The Eastern được bán cho khách nước ngoài hoặc doanh nghiệp mua cho nhân viên ngoại quốc làm việc tại Saigon Hi-Tech Park trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 7/2015...

Đặc biệt, các quỹ đầu tư và công ty nước ngoài cũng đang mạnh tay đổ vốn vào thị trường BĐS thông qua các hình thức mua bán dự án, đầu tư góp vốn khiến thị trường thêm sôi động. Trong số đó, có Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đã đầu tư 200 triệu USD vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia; Quỹ Đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market của Mỹ đầu tư 20 triệu USD vào Công ty cổ phần TV - TM - DV Địa ốc Hoàng Quân; VinaCapital đầu tư 15 triệu USD vào Tập đoàn Novaland; Warburg Pincus đầu tư thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail, nâng tổng giá trị quỹ đầu tư này đang đầu tư lên 300 triệu USD; Keppel Land của Singapore cũng đầu tư thêm khoảng 7 triệu USD vào Nam Long…

Như vậy, sự thành công của Vinhomes Central Park, The Eastern và sự đầu tư mạnh của các quỹ đầu tư, cùng nhiều tín hiệu lạc quan từ thị trường cho thấy, nhà đầu tư ngoại đang dần tăng tốc đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu 2015, lĩnh vực BĐS tiếp tục duy trì vị trí thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 15 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,69 tỷ USD (tăng 49,5% so với cùng kỳ 2014), chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái).

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam nhận định, Việt Nam là nơi có chi phí vốn đầu tư thấp hơn và chi phí nhân công rẻ hơn so với các nước láng giềng trong khu vực nên thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) hiện là nguồn vốn tích cực nhất trong lĩnh vực BĐS. Để kích thích thêm dòng vốn “ngoại” “chảy” vào thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần bổ sung thêm ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài được bảo lãnh trong bán, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai.

Nhận định về xu thế đầu tư BĐS trong tương lai, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vốn ngoại đổ vào BĐS cho thấy, các nhà đầu tư đang ngày càng thực tế hơn trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng tăng mạnh.

Dự báo về thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, tiếp tục đà hồi phục từ cuối năm 2014, cuối năm 2015, thị trường sẽ có những chuyển biến theo hướng tích cực. Về mặt bằng giá, sẽ có dấu hiệu dịch chuyển theo hướng đi lên, song, mức độ tăng giá không lớn. Bên cạnh đó, sự tăng giá cũng chỉ xảy ra ở nhóm những dự án có chất lượng tốt, chủ đầu tư uy tín, dự án thuận tiện giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ…

Cùng quan điểm lạc quan về thị trường BĐS những tháng cuối năm 2015, ông Marc Townsend nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng bền vững với GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28% - tốc độ tăng cao nhất 5 năm qua; thực thi các chính sách hợp lý, trong đó có những chính sách nới lỏng cho người vay mua nhà và tâm lý lạc quan của người nước ngoài vào thị trường BĐS thương mại Việt Nam sẽ giúp đẩy mạnh hơn hoạt động thu mua BĐS của nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh. Các điều chỉnh về luật đã và đang tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những yếu tố cơ bản này, cùng với chi phí BĐS tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao hiện là bước chuyển mình của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư BĐS quốc tế.