Xu hướng chứng khoán Việt Nam và thế giới: Đợi gói kích cầu 2

Theo VnEconomy

Chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn phấn khích đang có dấu hiệu giảm nhiệt . Sự chùng xuống trong giai đoạn này có tính chất rộng hơn, không chỉ đối với những gì xảy ra trên thị trường chứng khoán, mà hầu như khắp trên các mặt của nền kinh tế trong nước và thế giới.

Hậu gói kích cầu
Sự hỗ trợ mạnh mẽ này có được chính là từ các gói kích cầu của chính phủ khắp nơi trên thế giới. Tác dụng của các gói kích cầu lần đầu (gói kích cầu số 1) này đã có ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán, như một luồng kích thích ngắn hạn thổi bùng năng lượng cho nền kinh tế và cả thị trường.
Tuy nhiên, khi giai đoạn của gói kích cầu 1 đi qua, nó sẽ để lại những khoảng lặng khó tránh khỏi - một giai đoạn chuyển tiếp đi lên khi kinh tế thực sự hồi phục, hay một giai đoạn chờ đợi những gói kích cầu tiếp theo được thực hiện.
Nói một cách dễ hiểu, nếu coi kích cầu là một liều thuốc tạo sóng, thì chúng ta có lẽ đang ở phần cuối của con sóng 1.

Xu hướng chứng khoán Việt Nam và thế giới: Đợi gói kích cầu 2 - Ảnh 1
Thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới đang trong giai đoạn điều chỉnh - Nguồn: Bloomberg.

Biểu hiện của cuối sóng kích cầu 1 được thể hiện ở nhiều khía cạnh:
Thứ nhất, thị trường chứng khoán toàn cầu đã qua giai đoạn đỉnh thời điểm đầu tháng 6 và đang điều chỉnh. Mối tương quan lên xuống giữa các thị trường là khá chặt chẽ và theo xu thế chung đi xuống.
Thứ hai, giá năng lượng sau thời gian đạt đỉnh với kỳ vọng phục hồi kinh tế đã liên tục giảm sút - giá dầu thô hiện đã quay trở lại mức 5x. Các mặt hàng nguyên liệu cơ bản đa số cũng trong trạng thái tương tự.
Thứ ba, chỉ số BDI-Index - Chỉ số đo giá cước vận tải biển hàng khô - đo lường giá cước vận tải biển sau giai đoạn đạt đỉnh điểm hồi đầu tháng 6 ở mức trên 4.000 cũng đã điều chỉnh xuống ở mức 3.000.
Sự điều chỉnh của BDI-Index có nguyên nhân chủ yếu từ việc Trung Quốc bắt đầu giảm tốc độ nhập khẩu nguyên liệu hàng tồn kho. Sau thời gian đầu kích cầu, Trung Quốc đã nhập rất mạnh nguyên liệu trên thế giới khi giá hàng tồn kho còn ở mức rẻ.

Xu hướng chứng khoán Việt Nam và thế giới: Đợi gói kích cầu 2 - Ảnh 2
Chỉ số BDI đang điều chỉnh giảm - Nguồn: Bloomberg.

Nhìn chung, giai đoạn tăng nóng của gần như tất cả các chỉ số của nền kinh tế dưới tác động của gói kích cầu 1 đã qua.
Bước vào giai đoạn cuối sóng, các chỉ số điều chỉnh trở lại, và thị trường chứng khoán cũng không là một ngoại lệ. Thị trường đang rơi vào một khoảng lặng và đang chờ đợi những tín hiệu tạo sóng tiếp theo khi mùa báo cáo quý 2 qua đi.
Gói kích cầu 2 và kịch bản thị trường thời gian tới?
Trong khi Việt Nam với các chỉ số vĩ mô khá ổn định đang xem xét triển khai hoặc nới rộng các gói kích cầu của mình, thì trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Chính quyền Mỹ vẫn đang lưỡng lự việc tiếp tục triển khai ngay gói kích cầu 2 do hiệu quả và tác dụng của gói kích cầu 1 vẫn còn là dấu hỏi. Trong khi thuyết phục người dân triển khai gói kích cầu 1, Tổng thống Obama cam kết sẽ giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 8%.
Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng sát mức 10% và đang là dấu hiệu gây lo ngại cản trở khả năng phục hồi nhanh của nền kinh tế Mỹ. Chỉ số Dow Jones của Mỹ cũng khó có thể vượt qua mốc 9.000 trong một sớm một chiều, khi mà mùa báo cáo kết quả kinh doanh của Mỹ đang dần qua đi, và tình hình dự tính vẫn chưa có gì đột biến đáng kể.
Về mặt phân tích kỹ thuật, chỉ số chứng khoán Mỹ đang dần hình thành mô hình “vai, đầu vai” và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh xuống qua mức 8.000 điểm trong thời gian tới.
Điều này có xác suất xảy ra khá cao khi những thông tin hỗ trợ tăng điểm của Mỹ từ mùa báo cáo kinh doanh đang dần qua đi. Khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ sau 6 tháng kích cầu cũng được dần xác định là khó có thể phục hồi mạnh mẽ ngay trong năm 2009.
Như vậy, khả năng hi vọng vào một sự tăng điểm mạnh trở lại của thị trường thế giới chỉ có thể đến nếu gói kích cầu 2 được thông qua với những tín hiệu tích cực mới mẻ, tạo đà kỳ vọng cho thị trường.
Trong trường hợp tích cực, sớm nhất cũng phải vài tháng nữa chúng ta mới có thể chứng kiến được quyết định cuối cùng từ Chính phủ Mỹ về gói kích cầu số 2 này.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện nay mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 cũng đã dần qua đi. Thị trường ngày càng thiếu những thông tin đột biến hỗ trợ đà tăng điểm trở lại.
Cùng với viễn cảnh hồi phục của chứng khoán thế giới, người viết cho rằng giai đoạn cuối quý 3 sẽ là giai đoạn tạm nghỉ ngơi của thị trường.
Trong tháng 7, thị trường có thể còn có một đợt sóng nhỏ khi các doanh nghiệp ra nốt báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Tuy nhiên, khả năng này là thấp và nếu có cũng sẽ khó mạnh.
Tháng 8 được dự báo là thời điểm trầm lắng nhất của thị trường. Trong trường hợp tích cực, người viết hi vọng thời điểm từ cuối tháng 9 các thông tin hỗ trợ sẽ dần trở lại cùng với mùa kết quả kinh doanh quý 3.
Quý 4 cũng được người viết dự báo là quý vẫn có khả năng gây đột biến mạnh, và nhìn chung đến thời điểm cuối năm, VN-Index sẽ vẫn được chúng tôi dự báo đạt qua mức 500 điểm.
* Tác giả hiện đang làm việc tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC.