Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể thoát khó trong ngắn hạn

Minh Lâm

Áp lực đáo hạn vẫn kéo dài trong khi danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán nợ ngày càng dày hơn khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa thể phục hồi sớm được.

Giao dịch vẫn trầm lắng

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường TPDN có 15 đợt phát hành riêng lẻ từ trong tháng 8 (tính đến ngày 25/8). Tổng giá trị phát hành đạt 13.555 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 8,77%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 3-5 năm.

 

Giá trị phát hành TPDN theo nhóm ngành năm 2023. Nguồn: VBMA
Giá trị phát hành TPDN theo nhóm ngành năm 2023. Nguồn: VBMA

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 118.658 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 15,11% tổng giá trị phát hành) và 92 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 102.182 tỷ đồng (chiếm 86,11% tổng số).

Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực trong tháng 8/2023.

Có 44 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị TPDN được gia hạn là hơn 58.803 tỷ đồng.

Giá trị TPDN đáo hạn theo quý trong năm 2023 (Đvt: tỷ đồng). Nguồn: VNDirect
Giá trị TPDN đáo hạn theo quý trong năm 2023 (Đvt: tỷ đồng). Nguồn: VNDirect

VNDirect ước tính, trong tháng 9/2023 sẽ có khoảng hơn 25,8 nghìn tỷ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn. Đây vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn lớn nhất trong năm 2023 mặc dù tổng giá trị đáo hạn trong tháng này giảm khoảng 7,3% so với tháng 8.

Tính đến ngày 24/08/2023 có khoảng 67 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các DN này vào khoảng 173,68 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các DN thuộc nhóm BĐS.

Số liệu của VBMA tổng hợp đến ngày 25/8, các DN đã mua lại 7.246 tỷ đồng trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 154.345 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,35% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 79.269 tỷ đồng).

Trong thời gian còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 115.831 tỷ đồng. Trong đó, 48,11% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với gần 55.734 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 23.110 tỷ đồng (chiếm 19,95%).

Trong khi đó, các chủ đầu tư BĐS vẫn đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong xây dựng do vấn đề thanh khoản, điều này có thể khiến người mua nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp và làm tổn thương tâm lý thị trường nhiều hơn.

Tin vào tăng trưởng dài hạn

Theo VNDirect, trong những tháng còn lại của năm 2023, thị trường TPDN sẽ khó phục hồi trở lại mức tăng trưởng mạnh như những năm trước do áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn kéo dài cho đến cuối năm.

Vì vậy, thị trường TPDN ảm đạm sẽ tiếp tục "phủ bóng đen" lên chất lượng tài sản của các công ty môi giới trong nửa cuối năm 2023 bằng việc tác động tiêu cực đến tỷ suất sinh lời của danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, VNDirect vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của thị trường TPDN Việt Nam. Tại cuối năm 2022, tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng trên GDP tại Việt Nam đạt khoảng 140%, tương tự như Thái Lan và Malaysia.

Với điều kiện tăng trưởng tín dụng và GDP sẽ có thể lần lượt đạt được 13% và 6%/năm trong thời gian tới, Việt Nam sẽ trên đà đạt tỷ lệ tín dụng trên GDP là 180% trong 3-4 năm nữa, tương đương với mức của Trung Quốc hiện nay, hàm ý chúng ta đang tiến đến điểm bão hòa.

Vốn hóa thị trường TPDN/GDP theo khu vực. Nguồn: Asiabons, VNDirect
Vốn hóa thị trường TPDN/GDP theo khu vực. Nguồn: Asiabons, VNDirect

VNDirect cho rằng, điều này sẽ hạn chế tăng trưởng dư nợ tín dụng và có thể khiến DN gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn thông qua các kênh truyền thống như vay ngân hàng. Do đó, thị trường TPDN ở Việt Nam có thể trở thành một nguồn vốn quan trọng hơn cho các DN.

Ở Việt Nam, thị trường TPDN vẫn còn tương đối nhỏ, nhưng đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Vào cuối quý II/2023, vốn hóa thị trường TPDN vào khoảng 11,8% GDP, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ vốn hóa thị trường TPDN/GDP của các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan (26,1%) và Malaysia (53,6%).

Thời gian tới, khoảng 16.000 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank) có thể sẽ được phát hành trên thị trường.

Hội đồng quản trị (HĐQT) ABBank đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 6.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn từ 1-5 năm, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường. Dự kiến, số đợt phát hành là 10 đợt, trong đó mỗi đợt phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng.

HĐQT LienVietPostBank cũng đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 10.000 tỷ đồng. Trong đó, 5 đợt với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng dự kiến được phát hành vào tháng 9 và 10 năm 2023. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn từ 2 -3 năm, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.