Thị trường Việt Nam hút vốn cao nhất Đông Nam Á và sẽ tiếp tục duy trì

Theo Cẩm Thạch/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Khối ngoại liên tục giải ngân kể từ khi hệ thống mới của HoSE được vận hành dù chỉ số VN-Index liên tục điều chỉnh. Dự báo dòng vốn tích cực duy trì trong tuần này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo cáo của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, trong tuần qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã hút hơn 2.500 tỷ đồng vốn ngoại tập trung chủ yếu ở các ngành như Tài chính, Tiêu dùng thiết yếu, và Nguyên vật liệu. Cụ thể, MBB, STB, VCB, MSN, VNM, và HPG được mua ròng nhiều nhất trong khi VPB, CTG, và VND bị bán ròng. Bên cạnh đó, Công nghiệp cũng thu hút phần lớn hoạt động mua từ khối ngoại, tập trung chủ yếu trên GEX. Ở chiều ngược lại, áp lực bán tiếp tục tập trung chủ yếu trên lĩnh vực Tiêu dùng không thiết yếu khi hoạt động bán gia tăng trên FRT.

Thống kê dòng vốn ETF tại Đông Nam Á cho thấy, dòng vốn tích cực tiếp tục duy trì tại đây ghi nhận ở mức 57 triệu USD, cao nhất trong 2 tháng vừa qua. Cụ thể, dòng vốn tích cực duy trì là do Việt Nam thu hút dòng tiền mạnh trong tuần trước. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đóng góp đáng kể cho dòng vốn tại Đông Nam Á khi quốc gia này ghi nhận dòng vốn tích cực ở mức cao nhất từ năm 2019. Tuy nhiên, Singapore tiếp tục ghi nhận dòng vốn tiêu cực.

Dòng vốn vào Việt Nam tăng mạnh trong tuần trước, ghi nhận ở mức 44 triệu USD, tăng gấp đôi so với tuần trước đó. Cụ thể, dòng vốn tích cực tăng mạnh là do lực cầu gia tăng trên Fubon FTSE Vietnam ETF (38 triệu USD) và VanEck Vietnam ETF (6 triệu USD). Đáng chú ý, dòng tiền tại Việt Nam tiếp tục lan rộng trên các ETF chủ đạo. Do vậy, theo chứng khoán KIS, dòng vốn tích cực được kỳ vọng duy trì trong tuần này.

Thị trường Việt Nam hút vốn cao nhất Đông Nam Á và sẽ tiếp tục duy trì  - Ảnh 1

 

Trong số các quỹ ETF, Fubon là quỹ tới từ Đài Loan (Trung Quốc) và có “tuổi đời” non trẻ nhất, thành lập tháng 3/2021. Quỹ sử dụng chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index, gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). Fubon FTSE Vietnam ETF đánh giá việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thu hút đầu tư nước ngoài khả quan cũng như nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam sẽ giúp dòng vốn tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.

Khối ngoại giải ngân mạnh trở lại kể từ sau khi hệ thống mới của HoSE được đưa vào vận hành và cũng khoảng thời gian này thị trường liên tục bị điều chỉnh với những phiên giảm mạnh và thanh khoản không quá đột biến, nổi bật trong đó là phiên 12/7 với mức giảm 3,77%; phiên 9/7 với mức giảm 2% và phiên 6/7 với mức giảm 3,99%. Tính chung trong 6 phiên giao dịch qua, VN-Index đã mất đi tổng cộng 123,97 điểm, tương ứng 8,73%.

Vốn hóa sàn HoSE theo đó cũng bị "thổi bay" 464.344 tỷ đồng, tương ứng hơn 20 tỷ USD kể từ khi hệ thống giao dịch mới chính thức đi vào hoạt động.

Sau nhiều phiên giảm mạnh, sáng 13/7 VN-Index chủ yếu lình xình quanh mốc 1.300 điểm, đóng cửa phiên sáng tại 1.291 điểm, giảm 0,36% với thanh khoản lẹt đẹt, chỉ gần 9.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng nhẹ trên HoSE với giá trị chỉ 73,5 tỷ đồng.