Thỏa thuận thương mại Mỹ - Việt: Cơ hội vàng giữa những lo toan
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn và căng thẳng thuế quan đe dọa chuỗi cung ứng khu vực, việc Việt Nam đạt được một thỏa thuận thương mại trực tiếp với Mỹ – đối tác có thâm hụt lớn thứ ba với ta – đã tạo ra bước ngoặt đáng chú ý. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, không chỉ giúp giải tỏa áp lực lên các ngành xuất khẩu chủ lực, thỏa thuận này còn củng cố niềm tin cho dòng vốn FDI và mở ra triển vọng ổn định dài hạn cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Thuế suất được hạ nhiệt: Tín hiệu tích cực cho TTCK
Trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ và Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận thương mại. Theo đó, tất cả hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu thuế 20%, thay vì mức thuế cao đến 46% từng được giới quan sát lo ngại trước đó. Riêng hàng tạm nhập tái xuất (không thuộc khối doanh nghiệp FDI) sẽ chịu thuế 40%. Đổi lại, Việt Nam áp thuế 0% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Theo các chuyên gia của PHS, đây là bản thỏa thuận “chấp nhận được” trong bối cảnh nhiều rủi ro. Việc thuế suất từ mức dự báo 46% được hạ xuống còn 20% là thành quả không nhỏ từ nỗ lực đàm phán của đoàn Việt Nam. Điều này không chỉ giúp làm dịu tâm lý lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài mà còn cho thấy Việt Nam đã kịp thời “chốt hạ” thỏa thuận trong khi nhiều quốc gia đối thủ trong khu vực vẫn đang ở giai đoạn đàm phán sơ bộ.
PHS lưu ý rằng, xét về quy mô, Việt Nam hiện là đối tác có mức thâm hụt thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Việc Washington ưu tiên ký kết với Việt Nam sớm hơn nhiều quốc gia khác là một tín hiệu chính trị tích cực, đồng thời là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từng có thời điểm, lo ngại về nguy cơ bị áp thuế cao khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, với mức thuế 20%, thấp hơn dự báo và mang tính ổn định thì rào cản lớn nhất đã gần như được tháo gỡ.
Theo nhận định của các chuyên gia PHS, nếu giữ vững nhịp độ chính sách hiện tại, giải ngân FDI năm 2025 có thể tăng khoảng 5% so với cùng kỳ, đạt gần 26 tỷ USD. Đặc biệt, trong bối cảnh các đối thủ FDI trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia vẫn chưa đạt được thỏa thuận tương tự, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh thực sự đáng kể.
Trên TTCK, PHS đánh giá nhóm cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu, logistics, khu công nghiệp và sản xuất định hướng xuất khẩu sẽ được hỗ trợ rõ nét trong trung hạn, không chỉ nhờ kỳ vọng lợi nhuận mà còn bởi sự trở lại của dòng tiền dài hạn.
Tỷ giá và chuỗi cung ứng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam
Một yếu tố hỗ trợ khác mà các chuyên gia của PHS đặc biệt lưu ý là diễn biến tỷ giá. Từ đầu năm 2025, đồng VND đã giảm khoảng 3%, trong khi các đồng tiền cạnh tranh như JPY (Nhật Bản), CNY (Trung Quốc), THB (Thái Lan), MYR (Malaysia) đều tăng giá nhẹ so với USD.
Điều này giúp hàng hóa Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, ngay cả khi thuế suất tăng lên 20%. Nói cách khác, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có cơ hội giữ được biên lợi nhuận nếu tối ưu hóa sản xuất và kiểm soát chi phí nguyên liệu tốt.
Các chuyên gia PHS cũng cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn, đặc biệt là các lĩnh vực như dệt may, đồ gỗ, thủy sản và điện tử tiêu dùng – những ngành đang từng bước nâng cấp năng lực ESG để đáp ứng thị trường quốc tế.
Triển vọng rõ ràng hơn cho TTCK
Dưới góc nhìn trung hạn, PHS kỳ vọng thỏa thuận thương mại sẽ góp phần ổn định môi trường vĩ mô, từ đó giúp GDP năm 2025 tăng trưởng quanh mức 7%, thương mại quốc tế tăng 8 đến 10% – những con số đầy sức thuyết phục trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức.
Thị trường chứng khoán, sau một thời gian điều chỉnh do lo ngại về chính sách và áp lực lạm phát toàn cầu, đang dần hình thành nền tảng cho đà phục hồi. “Yếu tố then chốt nằm ở mức độ rõ ràng và chắc chắn của thông tin – điều mà hiện nay Việt Nam đã thiết lập được với đối tác thương mại lớn nhất thế giới”, một chuyên gia của PHS nhận định.
Thỏa thuận thương mại Việt – Mỹ lần này không đơn thuần là một bước điều chỉnh về thuế suất. Với các chuyên gia Phú Hưng, đây là một bước xác lập vị thế, cho thấy Việt Nam không còn là người bị động trong cuộc chơi toàn cầu hóa. Từ chính sách thương mại đến tỷ giá, từ dòng vốn đầu tư đến cấu trúc TTCK, thỏa thuận này có thể là một điểm rơi quan trọng trong hành trình hội nhập sâu và bền vững hơn của nền kinh tế Việt Nam.