Thông tin nổi bật trên thị trường tiền tệ trong tuần qua


Tuần qua (từ ngày 11-16/3/2019), lĩnh vực ngân hàng có nhiều thông tin đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi

Ghi nhận trên thị trường tiền tệ tuần qua cho thấy, bên cạnh việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn 18, 24, 36 tháng, hàng loạt ngân hàng đã vào cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn.

Chẳng hạn, BIDV phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu VND/tài khoản dành cho khách hàng cá nhân và 50 triệu VND/tài khoản dành cho khách hàng tổ chức. Mức lãi suất là 7,6%/năm dành cho hình thức lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, kỳ đầu là 7,5%/năm.

Cùng với BIDV, SeaBank, cũng thu hút khách hàng bằng chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng, mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm.

Bên cạnh đó, các ngân hàng như LienVietPostBanh đưa ra 4 loại chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng, với lãi suất là 8,1%/năm và VietABank với kỳ hạn là 13, 18, 24 và 36 tháng, lãi suất lên đến 8,6%/năm.

Trước diễn biến cuộc đua trên, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng đang chuyển dịch dần sang hoạt động bán lẻ, theo đó tập trung cho vay khách hàng cá nhân. Đặc thù của các sản phẩm cho vay tiêu dùng khách hàng cá nhân thường đòi hỏi kỳ hạn dài, nên để có thể tiếp tục cho vay trung, dài hạn, các ngân hàng buộc phải tăng cường cải thiện nguồn vốn trung, dài hạn ngay từ bây giờ.

Ngân hàng nỗ lực làm sạch bảng cân đối kế toán

Nợ xấu của một số ngân hàng có dấu hiệu tăng lên vào cuối năm qua do các khoản nợ bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) quay trở về. Hiện tại, các nhà băng đang nỗ lực làm “sạch” bảng cân đối kế toán bằng cách tăng dự phòng rủi ro.

Trong đó, MB, TPBank và Vietinbank là những cái tên xếp hạng cao về năng lực xử lý nợ xấu, mức bao nợ xấu quanh 100% với số dự phòng đã trích vừa bằng mức tổn thất nếu toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi. Techcombank, BIDV, HDBank thể hiện khả năng xử lý nợ xấu đáng kể với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu xấp xỉ 70 - 90%.

Việc trích lập dự phòng rủi ro, hay cụ thể hơn là tình hình xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng đã có tác động rất lớn tới kết quả lợi nhuận của các ngân hàng. Nhiều nhà băng phải dùng đến hơn một nửa lợi nhuận cho chi phí dự phòng rủi ro trong năm qua.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, mục tiêu của ngành Ngân hàng trong năm 2019 là đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

“Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu... Đây là hướng mới của ngành trong việc ngăn chặn xử lý nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo 2019 – 2020...” ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Quyết liệt đẩy lùi tín dụng đen

Để đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đã giao Agribank triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng sáng vay chiều nhận, đồng thời khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay tiêu dùng.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần cảnh báo, vấn nạn tín dụng đen đã len lỏi, lan rộng trong nền kinh tế, đặc biệt tại khu vực nông thôn gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Các bộ, cần quyết liệt hơn để đẩy lùi nạn tín dụng đen... Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại mở rộng độ phủ để người vay có thể tiếp cận tín dụng nhanh chóng, dễ dàng thay vì phải tìm tới  tín dụng đen…

Giá vàng trong nước giảm nhẹ

Giá vàng miếng trong nước ngày 15/3 được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 36,53 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,63 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 20 - 40 ngàn đồng ở chiều mua vào nhưng giảm 30 ngàn đồng chiều bán ra so với cuối giờ chiều phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,48 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,65 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 30 - 40 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối giờ chiều ngày 14/3.

Bên cạnh đó, trên thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng ngày 16/3 là 22.949 đồng một USD.