Tiếp nhận và xử lý gần 37.000 thông báo TBT của các nước thành viên WTO

Phạm Nga

Kể từ khi gia nhập, tính đến tháng 4/2022, Văn phòng thông báo và hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thông báo 248 biện pháp TBT của Việt Nam cho Ban Thư ký WTO, tiếp nhận và xử lý gần 37.000 thông báo TBT của các nước Thành viên WTO.

Tính đến tháng 4/2022, Văn phòng TBT Việt Nam đã thông báo 248 biện pháp TBT của Việt Nam cho Ban thư ký WTO.
Tính đến tháng 4/2022, Văn phòng TBT Việt Nam đã thông báo 248 biện pháp TBT của Việt Nam cho Ban thư ký WTO.

Nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Hiệp định TBT từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (nay là Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp và ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại).

Theo đó, Văn phòng TBT Việt Nam là đầu mối quốc gia về TBT của Việt Nam theo cam kết tại Hiệp định TBT/WTO. Đây cũng là đơn vị thống nhất điều phối và quản lý hoạt động thông báo và hỏi đáp về TBT của Việt Nam; hướng dẫn việc thực thi các cam kết khác về TBT và các hoạt động liên quan đến TBT của Việt Nam…

Kể từ khi gia nhập, tính đến tháng 4/2022, Văn phòng TBT Việt Nam đã thông báo 248 biện pháp TBT của Việt Nam cho Ban thư ký WTO, tiếp nhận và xử lý gần 37.000 thông báo TBT của các nước thành viên WTO.

Với vai trò là đầu mối, Văn phòng TBT Việt Nam còn điều phối các bộ ngành có liên quan xử lý các quan ngại thương mại của các nước thành viên WTO nêu lên với Việt Nam tại Ủy ban TBT/WTO, phối hợp với các bộ, ngành xử lý các góp ý của các nước thành viên đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam; phối hợp xử lý các ý kiến của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước liên quan tới tới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá chứng nhận, ghi nhãn đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu…

Bên cạnh đó, hoạt động cảnh báo xuất khẩu hàng năm của Văn phòng cũng hỗ trợ và cung cấp thông tin kịp thời về các biện pháp TBT của các nước thành viên WTO cho các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm giảm thiểu các rủi ro không cần thiết.