Tiếp sức để doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển mình thích ứng

Theo Mỹ Thanh/Báo Cần Thơ

Dịch COVID-19 gây tác hại nặng nề, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) rất cần sự trợ giúp trong tiếp cận vốn, nâng cao năng lực quản trị, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Thép Tây Đô. Ảnh: Mỹ Thanh
Hoạt động sản xuất tại Công ty Thép Tây Đô. Ảnh: Mỹ Thanh

Song, bản thân mỗi DN cần phải nỗ lực mới có thể “hấp thu” được các chính sách, ưu đãi; nhanh chóng ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh để thích ứng với bối cảnh mới. Đây là những nội dung được đề cập tại Hội thảo “Đồng hành cùng DNNVV thích ứng và phục hồi trong tình hình mới”, trong khuôn khổ thực hiện Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (Dự án USAID LinkSME) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh COVID-19 làm xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp không được tiếp sức, hỗ trợ kịp thời để thích ứng và phục hồi thì nguy cơ bị tụt hậu ngày càng cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của USAID trong thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DNNVV tại Việt Nam.

Đối với Dự án USAID LinkSME được triển khai trên 3 trụ cột: kết nối DNNVV với các doanh nghiệp đầu chuỗi; hỗ trợ tiếp cận tài chính và hỗ trợ chuyển đổi số. Đặc biệt, dưới diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch bệnh, dự án kịp thời điều chỉnh các ưu tiên hoạt động và bổ sung kinh phí để triển khai sáng kiến hỗ trợ DNNVV ứng phó với COVID-19.

Từ năm 2019 đến nay, dự án đã hỗ trợ kết nối thành công 64 đơn hàng, với tổng giá trị gần 1,3 triệu USD; tổ chức 11 khóa đào tạo về kỹ thuật, quy trình sản xuất cho hơn 700 DNNVV. Đồng thời, đào tạo tăng cường năng lực tiếp cận tài chính và quản trị tài chính cho 500 DNNVV. Đến tháng 12/2021, có 10 doanh nghiệp được hỗ trợ thành công các khoản vay mới và tái cấu trúc nợ với tổng giá trị 170 tỷ đồng.

Đối với việc hỗ trợ chuyển đổi số, hơn 500.000 lượt doanh nghiệp tiếp cận các hoạt động, thông tin về chương trình chuyển đổi số, hơn 500 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu để giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp khi chuyển đổi số.

Theo ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc Dự án USAID LinkSME, DNNVV Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất ra những sản phẩm giá trị, mang tính cạnh tranh toàn cầu. Thế nhưng do gặp phải những khó khăn liên quan đến tài chính, kết nối chuỗi cung ứng nên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có. Dự án USAID LinkSME nhằm khuyến khích doanh nghiệp tự nâng cấp, tích cực hợp tác với các doanh nghiệp đầu chuỗi để học hỏi được kinh nghiệm và bắt đầu sản xuất được những sản phẩm cung ứng cho doanh nghiệp, người tiêu dùng toàn cầu.

Là một doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ Dự án USAID LinkSME, ông Nguyễn Công Lãm, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm An Vạn Thịnh, cho biết: “Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất hợp lý để nâng cao hoạt động sản xuất, đầu tư vào dây chuyền tự động hóa có công suất lớn.

Nhờ tham gia vào dự án, tháng 10 vừa qua, dự án đã kết nối hỗ trợ chúng tôi tiếp cận tài chính thành công với Ngân hàng Thương mại CP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) chi nhánh Lâm Đồng, được duyệt hạn mức vốn lưu động 45 tỷ đồng. Hiện tại, dự án cũng đang kết nối với Quỹ Phát triển DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư trang thiết bị, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.

Thay đổi tư duy

Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện tại và trong tương lai, do đó DNNVV cần nhanh chóng dịch chuyển theo xu thế này để vượt qua khó khăn, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần EUBIZ Việt Nam và EUBIZ Bình Phước, cho biết: “Các nhà máy của công ty nằm ở các địa phương khác nhau, khách hàng cũng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, chúng tôi đã ứng dụng thành công công nghệ số trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh để tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa khâu chăm sóc khách hàng. Trong chuyển đổi số, nguồn nhân lực là quan trọng nhất, do đó công ty đang phối hợp với các trường học và tăng cường đào tạo qua E-Learning để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện tại và trong tương lai.

Về vấn đề tiếp cận vốn, ông Đào Gia Hưng - Phó Giám đốc Khối Khách hàng DNNVV, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VP Bank, cho rằng: “Trong đại dịch COVID-19 ngoài duy trì kinh doanh với DN, chúng tôi còn có vai trò hỗ trợ DN. Do đó, muốn ngân hàng cho vay vốn, doanh nghiệp phải minh bạch, nhất là trong tài chính. Chúng tôi muốn biết dòng tiền của doanh nghiệp như thế nào, kinh doanh đang thuận lợi ở chỗ nào, không tốt ở đâu… Chỉ khi hiểu rõ về doanh nghiệp, ngân hàng mới mạnh dạn rót vốn cũng như có các khoản hỗ trợ phù hợp với tình hình doanh nghiệp theo từng thời điểm”.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên, thay đổi tư duy tiếp cận vấn đề mới có thể hấp thu được các cơ chế, chính sách ưu đãi từ Nhà nước cũng như các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài.

“Doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình, bởi chính sách có hay, hỗ trợ có tốt đến đâu nếu DN không quyết tâm, không sẵn sàng thì cũng không thể mang lại kết quả như mong đợi. Chúng ta phải hiểu rằng, không có mẫu số chung cho tất cả doanh nghiệp, không có lời khuyên nào là hoàn toàn đúng mà chúng ta phải linh hoạt tìm ra hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp mình” - bà Đỗ Thị Thúy Hương nhấn mạnh.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đều phải thích ứng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và giải quyết các khó khăn trong chuyển đổi số. Về phía doanh nghiệp cũng nên thay đổi tư duy, trước hết là hướng đến sự minh bạch. “Sự minh bạch này không chỉ ở tài chính mà là mọi hoạt động. Thậm chí cơ quan quản lý nhà nước cũng như vậy, chính sách cũng phải minh bạch, rõ ràng. Nếu không minh bạch thì rất khó bắt tay làm ăn với các đối tác nước ngoài và đưa sản phẩm xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới” - ông Hùng nhấn mạnh.