Tín dụng đối mặt nhiều khó khăn

Theo Thời Nay

Những khó khăn của doanh nghiệp (DN) do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đang là thách thức lớn đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Hệ quả là nợ xấu gia tăng và tăng trưởng tín dụng (TTTD) gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, kế hoạch vay vốn của các DN cũng như giải ngân vốn của ngân hàng trong thời gian tới nhiều hay ít, nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào việc sớm kiểm soát dịch bệnh.

Do nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng, nên các ngân hàng thận trọng hơn và không thể hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng.
Do nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng, nên các ngân hàng thận trọng hơn và không thể hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến thời điểm này tín dụng của toàn hệ thống tăng gần 7% so cuối năm trước. Mặc dù mức tăng này vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng theo dự báo, việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam hiện nay sẽ tác động không nhỏ đến TTTD. 

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên vòng quay tín dụng vẫn chậm lại do quá trình sản xuất, kinh doanh của DN bị tạm ngưng, sản xuất gián đoạn và tiêu thụ hàng hóa chậm.

Mặt khác, do nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng, nên các ngân hàng thận trọng hơn và không thể hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng. Trong khi đó, với nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ, tính minh bạch của thông tin không cao và khó khăn vì dịch bệnh, nên thường khó đáp ứng các tiêu chuẩn tín dụng. 

Kết quả khảo sát được NHNN công bố mới đây cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,7% trong quý III/2021 và tăng 13,1% trong năm 2021, giảm so mức kỳ vọng 14,7% tại kỳ điều tra trước.

Theo các chuyên gia, kế hoạch vay vốn của các DN cũng như giải ngân vốn của ngân hàng trong thời gian tới nhiều hay ít, nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào việc sớm kiểm soát dịch bệnh. Đầu năm nay, NHNN đã xây dựng ba kịch bản TTTD cho năm 2021.

Kịch bản thứ nhất, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12% - 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản thứ hai, dịch kéo dài đến tháng 6/2021, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10% - 12%. Kịch bản thứ ba, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7% - 8%.

Trong ba kịch bản nêu trên, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh cho biết, NHNN kỳ vọng TTTD ở kịch bản thứ nhất, nhưng kịch bản thứ hai có khả năng xảy ra, kịch bản thứ ba gần như không mong muốn xảy ra nhưng cần phải đưa ra. 

Với tình hình hiện nay, diễn biến thực tế đang gần giống với kịch bản thứ ba, đặc biệt là khi Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ tư. Tuy nhiên, với tốc độ tiêm vắc xin đang được đẩy mạnh và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ để khống chế và dập dịch, các chuyên gia kỳ vọng, đầu tháng 10/2021 dịch bệnh sẽ được kiểm soát, tín dụng có thể bứt tốc cùng mùa cao điểm trong quý IV và đạt được mục tiêu cả năm 2021.

Hiện tại, các ngân hàng đang triển khai rất nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng như mạnh tay cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, tung các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn hỗ trợ DN trong các lĩnh vực ưu tiên, DN có trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh tại 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc mục đích vay vốn thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng như: dệt may, da giày, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp… Bên cạnh đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh đã dần thích nghi và có biện pháp tiếp cận tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình thực tế.

Báo cáo tài chính quý II của một số ngân hàng cũng ghi nhận tín dụng tăng trưởng mạnh, có ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng được phân bổ cho cả năm 2021. Vì vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát, DN sẽ sớm phục hồi, nhu cầu vốn mạnh hơn. Qua đó, thúc đẩy tốc độ TTTD toàn nền kinh tế đạt 10 - 12% cho cả năm 2021.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, NHNN cho biết, sẽ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu TTTD đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng TTTD lành mạnh. Trong đó, ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chỉ đạo TCTD thực hiện TTTD an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.

Mặt khác, hai đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, nhất là đợt dịch tháng 5/2021, đã ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và một số tiểu ngành chế biến, chế tạo, DN và người dân có lẽ sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng ở mức thấp do NHNN ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn. 

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, 16 ngân hàng đã cam kết cắt giảm lãi vay từ 0,5 - 2,5%/năm, với tổng giá trị lãi cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng, để hỗ trợ DN và người dân đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, trong thời gian từ ngày 13/7/2021 đến cuối năm 2021.

Việc sửa đổi Thông tư 01, mở rộng các khoản nợ tái cơ cấu và gia tăng thời hạn cho các khoản nợ là động thái tiếp theo của NHNN để hỗ trợ các DN chịu thiệt hại bởi dịch bệnh. Sửa đổi Thông tư 01 còn giúp giảm áp lực về nợ xấu lên các ngân hàng.

Nếu nợ xấu không chuyển biến tốt trở lại thì ngân hàng sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng nợ xấu trong tương lai, khi các khoản nợ tái cơ cấu đến hạn. Dù vậy, các ngân hàng cũng đã có bệ đỡ, tránh tình trạng gặp cú sốc bất lợi về lợi nhuận.