Tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Minh Lâm

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cho thấy, xu hướng trở lại của hoạt động phát hành mới, doanh nghiệp phát hành tự tin hơn với sức khỏe nội tại và có phương án kinh doanh tốt đang tiếp tục giữ nhịp thị trường và huy động thành công.

Tính đến ngày 25/10/2023, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 10 ước đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với tháng trước, toàn bộ đều là phát hành riêng lẻ. Đa phần các đợt phát hành trong tháng đến từ nhóm Tài chính – Ngân hàng, chiếm hơn 53% tỷ trọng, lợi suất vào khoảng 5,8% - 8,6%.

Bảng 1: Các doanh nghiệp phát hành khối lượng TPDN lớn nhất từ đầu năm

Tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1

Hoạt động phát hành TPDN tích cực dần từ tháng 6. Lũy kế 10 tháng, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 198,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.

Lãi suất TPDN bình quân trong 10 tháng đạt 8,7%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022.

Bảng 2: Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất từ đầu năm

Tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 2

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với gần 94 nghìn tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 47% so với tổng giá trị.

Việc các ngân tích cực phát hành trái phiếu trong quý III/2023 nhằm đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 34% xuống 30%, áp dụng từ ngày 1/10/2023 theo Thông tư số 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu Ngân hàng là 6,8%/năm, kỳ hạn bình quân 4,5 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: ACB với giá trị phát hành là 16,4 nghìn tỷ đồng; Techcombank có tổng giá trị phát hành là 14 nghìn tỷ đồng; OCB phát hành 11,2 nghìn tỷ đồng.

Xếp sau là nhóm ngành Bất động sản (BĐS) với tổng giá trị phát hành đạt 73 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 36%.

Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu BĐS là 9,7%/năm, kỳ hạn bình quân là 3,6 năm. Các doanh nghiệp BĐS phát hành giá trị lớn nhất gồm có: Công ty TNHH Capitaland Tower (12,2 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô Thị Hưng Yên (7,2 nghìn tỷ đồng), CTCP Vinhomes (trị giá 5 nghìn tỷ đồng).

Hoạt động mua lại TPDN có phần chững lại trong các tháng gần đây. Trong quý III/2023, tổng giá trị mua lại trước hạn đạt gần 57 tỷ đồng, giảm 29% so với quý trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 10/2023, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 7 tỷ đồng, giảm 34% so với tháng trước.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 183.430 tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó nhóm ngành Ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng 47% tổng giá trị mua lại, nhóm ngành Xây dựng và BĐS lần lượt chiếm tỷ trọng 14% và 13%.

Bảng 3: Danh sách trái phiếu hoàn thành đợt phát hành trong từ đầu tháng 9 đến nay

Tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 3

Tính đến ngày 25/10, đã có khoảng 99 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Ước tính, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 190 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành BĐS tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

Hai năm khó khăn của thị trường TPDN chứng kiến sự sụt giảm dư nợ TPDN, ước tính hiện đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng. Điều này khiến tỷ lệ dư nợ TPDN/GDP đã giảm xuống 11%, mức thấp so với các quốc gia trong khu vực cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn.