Tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

Trong tháng 3/2019, cả nước có 12.472 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 128,1 nghìn tỷ đồng, tăng 111,4% về số doanh nghiệp và tăng 33,1% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,3 tỷ đồng, giảm 37%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 153,7 nghìn người, tăng 174,1%.

Trong tháng, cả nước còn có 4.877 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 179,2% so với tháng trước; 1.373 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 51,4%; có 1.882 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 8,2%; 960 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 29,1%.

Tính chung quý I năm nay, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,2 tỷ đồng, tăng 26,9%.

Nếu tính cả 722,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong quý I năm 2019 là 1.098 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2019 lên hơn 43,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2019 là 317,6 nghìn người, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lĩnh vực hoạt động, trong quý I/2019 hầu hết các lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Có 10,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có (chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 15,4%; 3,8 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13,4%), tăng 5,6%; 3,6 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,7%), tăng 10,7%; 2,4 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 8,3%), tăng 17,3%; 1,7 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,9%), tăng 3,9%; 1,5 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 5,4%), tăng 26,3%...

Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 1,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 4,5%), giảm 7,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 290 doanh nghiệp (chiếm 1%), giảm 14,2%; khai khoáng có 128 doanh nghiệp (chiếm 0,4%), giảm 8,6% và vận tải, kho bãi có 1 doanh nghiệp, giảm 99%.

Trong quý I năm nay, hầu hết các vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 8,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,4% (vốn đăng ký đạt 85,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 4 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,7% (vốn đăng ký 37,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3%); Tây Nguyên 753 doanh nghiệp, tăng 15% (vốn đăng ký 9,4 nghìn tỷ đồng, tăng 129,3%); Đông Nam Bộ 11,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,2% (vốn đăng ký 217,1 nghìn tỷ đồng, tăng 64,7%); Đồng bằng sông Cửu Long 2,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 3% (vốn đăng ký 10,4 nghìn tỷ đồng, giảm 46,9%). Riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 1,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (vốn đăng ký 15,6 nghìn tỷ đồng, tăng 29%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I năm nay là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo lĩnh vực hoạt động, có 5,8 nghìn doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 39,1%), tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; có 2,2 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,6%), tăng 15,5%; 1,8 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,3%), tăng 16,7%; có 906 doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 6,1%), tăng 26,9%; có 873 doanh nghiệp vận tải, kho bãi (chiếm 5,9%), tăng 21,1%; có 724 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 4,9%), tăng 15,7%...

Trong quý I năm nay còn có 15.331 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 8.404 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động, chiếm 54,8% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; doanh nghiệp thông báo giải thể là 3.378 doanh nghiệp, chiếm 22% và 3.549 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23,2%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2019 là 4.116 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3.737 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,8% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 23%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1,7 nghìn doanh nghiệp (chiếm 42,4%), tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 421 doanh nghiệp (chiếm 10,2%), giảm 2,8%; xây dựng có 401 doanh nghiệp (chiếm 9,7%), tăng 23,4%.